Tiếp thu ý kiến kiều bào, thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam

Thứ sáu, 30/10/2020 22:28
(ĐCSVN) – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước có niềm tin vững chắc rằng, với sự đồng lòng và chung sức của cộng đồng hơn 100 triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước, chúng ta hoàn toàn có thể biến “nguy” thành “cơ” và hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển của dân tộc.

Kiều bào hiến kế chuyển đổi số, khắc phục tác động của đại dịch

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 30/10, hội nghị kiều bào đóng góp hiến kế về chuyển đổi số và khắc phục tác động của dịch COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, góp ý của kiều bào thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam.

Tham dự phiên làm việc buổi chiều có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, phụ trách Đảng bộ TP Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và TP Hồ Chí Minh; 250 kiều bào tham dự trực tiếp và hơn 200 kiều bào kết nối trực tuyến với hội nghị từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao  Phạm Bình  Minh phát biểu tại hội nghị 


Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích kiều bào đóng góp ý kiến

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Được tổ chức ngay sau Đại hội Đảng bộ TP Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong không khí cả nước đang chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hội nghị thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, tinh thần khẩn trương và quyết liệt của TP Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, và kiều bào đóng góp vào việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, cũng như những chủ trương, đường lối phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thông tin: Ngay từ những ngày đầu dựng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn khuyến khích kiều bào đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Hàng chục trí thức Việt kiều tại Pháp đã tình nguyện trở về Việt Nam năm 1946, trong đó nổi bật nhất có những vị như Trần Đại Nghĩa, Phạm Huy Thông,... Những trí thức kiều bào ấy đã từ bỏ cuộc sống đầy đủ, sung túc để trở về đóng góp công sức, trí tuệ, chung tay đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà.

Tiếp bước những nhân sỹ, trí thức yêu nước thuộc thế hệ thứ nhất, lớp trí thức thế hệ thứ hai cũng đang đóng góp hiệu quả cho công cuộc phát triển đất nước. Các mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài như Nhóm Sáng kiến Việt Nam, Nhóm Chuyên gia và Khoa học toàn cầu (AVSE), mạng lưới kiều bào trẻ về nước lập nghiệp, mạng lưới đổi mới sáng tạo với sự tham gia của các chuyên gia, trí thức người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài đã được hình thành.

Sự xuất hiện của các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài về nước lập nghiệp, đầu tư, kinh doanh, xây dựng thành công nhiều doanh nghiệp mạnh hàng đầu của đất nước, cũng đóng góp thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ.

Sự tham gia của 4 người Việt Nam ở nước ngoài trong tổng số 15 thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ là minh chứng rõ nét cho sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với hiệu quả đóng góp của trí thức kiều bào.

“Đảng và Nhà nước có niềm tin vững chắc rằng, với sự đồng lòng và chung sức của cộng đồng hơn 100 triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước, với sự đồng hành của 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày một lớn mạnh, trong đó 500.000 trí thức, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, sinh học..., chúng ta hoàn toàn có thể biến “nguy” thành “cơ” và hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển của dân tộc”. Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Hỗ trợ doanh nghiệp vay tín chấp để vượt qua khó khăn

 Các kiều bào chia sẻ tại hội nghị 


Đóng góp ý kiến cho hội nghị, TS Nguyễn Trí Hiếu (kiều bào Mỹ, chuyên gia tài chính ngân hàng) đánh giá dư địa của chính sách tài khóa và tiền tệ để ứng phó với tác động của đại dịch không còn nhiều bởi bội chi đã ở mức cao, nguồn thu thuế bị giảm. Trong khi đó, lãi suất ngày càng giảm và nếu giảm thêm nữa, nền kinh tế sẽ rơi vào “bẫy thanh khoản”, tức khách hàng sẽ rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như vàng, bất động sản, tín dụng đen.

Trong khi đó, cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nền kinh tế Việt Nam phải trở thành nền kinh tế kỹ thuật số theo đúng xu hướng của thế giới để không ở lại đằng sau trong tiến trình của trạng thái bình thường mới của cả thế giới. Để làm được, DN cần được cung cấp một nguồn vốn cần thiết.

Về giải pháp tài chính nhằm khắc phục tác động của dịch COVID-19, TS Hiếu đề xuất cần thành lập một “tổ hợp tín dụng” (loan syndication) với mục đích cung cấp nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và vốn để thực hiện quá trình chuyển đổi số cho DN.

“Tổ hợp tín dụng này phải do Ngân hàng Nhà nước đứng ra chủ trì, xây dựng. Trong đó, các ngân hàng bắt buộc tham gia với tỉ lệ tham gia 3%-3,5% tính trên dư nợ của mỗi ngân hàng. Tổng dư nợ của nền kinh tế hiện nay là 8,7 triệu tỷ đồng, nếu tham gia với tỷ lệ 3-3,5%, hệ thống ngân hàng sẽ có một tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng.

Đây sẽ là chính sách của Chính phủ và các ngân hàng nội, ngân hàng ngoại hoạt động tại Việt Nam phải tham gia. Dùng tổ hợp này để cho các DN đang khó khăn vì dịch bệnh vay. DN có thể vay tối đa một số tiền không vượt quá 3 lần giá trị thực dương của vốn điều lệ. Điều kiện vay phải là vay tín chấp, DN phải được vay tín chấp, chứ còn đòi hỏi thế chấp thì không thể nào cho vay được. DN đang rất khó khăn”. Ông Hiếu góp ý.

GS Hà Tôn Vinh (kiều bào Mỹ, chuyên gia tư vấn tài chính cơ sở hạ tầng) cho rằng: Trong dài hạn, Chính phủ và doanh nghiệp nhất thiết phải tính đến chuyện chuyển hướng nền kinh tế tiêu thụ truyền thống sang nền kinh tế số và nền kinh tế tuần hoàn.

Theo GS Hà Tôn Vinh, nền kinh tế tuần hoàn là một mô hình hợp tác công tư hoàn hảo. Chính phủ không bị thêm nhiều áp lực tìm và mua tài nguyên quý hiếm, đắt đỏ từ thị trường quốc tế. Chính phủ có thể hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp với các chính sách tài trợ việc nghiên cứu các sản phẩm và dịch vụ kinh tế tuần hoàn. DN sẽ thấy các hoạt động kinh tế tuần hoàn hấp dẫn và cần thiết khi chi phí đầu vào thấp, lợi nhuận gia tăng, và áp lực tìm nguồn cung cấp nguyên liệu giảm đáng kể. Sản phẩm không phải bán, sử dụng, rồi vất bỏ mà có thể cho thuê ngắn hạn hay dài hạn, có thể được trao đổi, sửa chữa, nâng cấp…

“Trong giai đoạn hiện tại, kinh tế tuần hoàn là giải pháp tối ưu và cần thiết. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và bài học của các nước đã thành công trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, như các nước Bắc Âu, Canada, Nhật Bản, Singapore… Việc Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam chung tay phát triển kinh tế tuần hoàn chắc chắn sẽ giúp xã hội và doanh nghiệp phát triển bền vững”. GS Hà Tôn Vinh nhấn mạnh

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khuyến nghị tăng cường sản xuất trong nước; đồng thời, khẩn trương số hóa tài nguyên dữ liệu của các DN, Chính phủ. Trong đó, sớm hình thành giải pháp số hóa chi phí thấp cho tất cả các DN và từng ngành nghề như y tế, giao thông, đất đai… Với những dịch vụ căn bản, giống nhau của các nhóm DN, địa bàn nên có đấu thầu cung cấp giải pháp số hóa chi phí thấp, dùng chung được. Các DN cung cấp số hóa ngồi với nhau hình thành từng nhóm để giải pháp có hiệu quả cao, chi phí thấp và vẫn có khả năng thích ứng trong từng điều kiện.

Mặt khác, cần có giải pháp hỗ trợ tài chính về số hóa mà giảm rủi ro cho ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng ngồi lại với nhau, ngồi với từng DN, từng nhóm ngành xác định ngành này số hóa thì mức độ rủi ro tới đâu để các ngân hàng có chính sách hỗ trợ cho vay để số hóa theo từng nhóm ngành chứ không cho vay tổng quát. Như vậy, các ngân hàng giảm bớt rủi ro.

Tiếp thu triển khai các ý tưởng vào cuộc sống

 Các đồng chí lãnh đạo trao biểu trưng cho các diễn giả tại hội nghị

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp. Sau hội nghị, Bộ Ngoại giao và TP Hồ Chí Minh tổng hợp các ý kiến đóng góp đề xuất của các đại biểu báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh. Trước mắt, Bộ Ngoại giao, lãnh đạo TP sẽ chỉ đạo cho các sở, ngành liên quan cùng Bộ tiếp thu và triển khai ngay những ý tưởng để đưa vào cuộc sống.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi tất cả các ngành, lĩnh vực phải thay đổi, phải thực hiện công cuộc chuyển đổi số để thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Công cuộc chuyển đổi số không còn là việc riêng của một cá nhân, của một tổ chức, hay DN nào mà tất cả phải thay đổi nếu không muốn tụt lại phía sau, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của DN.

Giải pháp đặt ra là đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ để có thể hoàn thành mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, phấn đấu thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của năm 2020./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực