Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đưa ra tại họp báo về các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017) do Ban tổ chức cấp quốc gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ tổ chức chiều ngày 10/7.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại họp báo (Ảnh: MD)
Tri ân bằng cả tấm lòng
Theo báo cáo của Ban tổ chức cấp quốc gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, thời gian qua, công tác thương binh – liệt sĩ và người có công với cách mạng đã đạt nhiều thành tựu to lớn và quan trọng. Việc chăm sóc thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ được phát triển sâu rộng từ trung ương đến địa phương. Cuộc sống gia đình người có công được cải thiện. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính liệt sĩ được chủ động thực hiện và đạt được nhiều kết quả...
Đáng chú ý, trước thực tế còn tồn đọng khá lớn hồ sơ kê khai song chưa được xác nhận người có công, nhất là 5.900 hồ sơ kê khai liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động triển khai việc thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng tại 5 tỉnh, thành phố, gồm: Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Long An và thành phố Đà Nẵng theo quy trình “cá biệt” với cách làm cởi mở, thông thoáng. Từ làm thí điểm, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, đề nghị xác nhận người có công. Đến nay, toàn quốc đã xác nhận trên 2.000 hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bổ sung, cấp mới, đổi 35.000 bằng Tổ quốc ghi công, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 498 liệt sĩ dịp 27/7 này. Phần lớn những hồ sơ được công nhận liệt sĩ trong dịp này đều là những trường hợp lớn tuổi, lão thành cách mạng đã mất vài chục năm và đang nằm trong những nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa được công nhận liệt sĩ. Cá biệt, người lớn tuổi nhất là liệt sĩ Đặng Văn Tiết, sinh năm 1891, quê ở Long An, đã hy sinh được 75 năm.
Trả lời báo chí về vướng mắc đối với thế hệ thứ 3 nhiễm chất độc màu da cam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Trưởng Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đây là vấn đề phải bàn đến vì có những trường hợp thế hệ thứ 2 không bị, thế hệ thứ 3 mới bị ảnh hưởng. Theo Bộ trưởng: “Trong 5 kiến nghị gửi xin ý kiến Ban Bí thư thì đây là kiến nghị thứ 3. Tôi tin Ban Bí thư sẽ ủng hộ, khi đó chúng ta sẽ bổ sung, sửa đổi pháp lệnh. Và hướng của chúng tôi là bổ sung chính sách về phụ cấp, nuôi dưỡng; hoặc có thể sẽ đưa vào nuôi dưỡng trong các cơ sở điều dưỡng của ngành vì có những trường hợp không còn bố mẹ. Hiện chúng tôi đang làm thí điểm tại một số tỉnh rồi” – Bộ trưởng nói.
Giải đáp về chính sách với những liệt sĩ hi sinh trong thời đại mới để bảo vệ biển đảo, Bộ trưởng khẳng định: “Nguyên tắc chung là với tất cả người có công, đặc biệt thân nhân của các liệt sĩ thì làm hết mình không chỉ với tinh thần trách nhiệm mà với cả trái tim. Mọi liệt sĩ hi sinh thời kỳ chống Pháp, Mỹ hay biển đảo đều được đối xử một cách tốt nhất, trách nhiệm nhất, đối xử bằng cả tấm lòng”.
Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Theo báo cáo, hiện nay còn khoảng trên 200 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập; trên 300 nghìn hài cốt liệt sĩ đang an táng tại nghĩa trang liệt sĩ chưa đủ thông tin. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ: “đây là điều day dứt nhất của Đảng và Nhà nước”. Bộ trưởng cho hay, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do Bộ Quốc phòng thực hiện; Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện. Hai Đề án đang được tích cực triển khai.
Tại họp báo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, hiện nay Bộ đang triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Theo Bộ trưởng: “Ngay đầu năm, Bộ đã họp với các đơn vị có liên quan để bàn bạc về các giải pháp, tiến độ thực hiện. Bộ đã giao Viện công nghệ phần mềm và nội dung số thuộc Bộ làm đầu mối, cùng với Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), Cục chính sách (Bộ Quốc phòng) để khảo sát thực trạng, hệ thống CSDL hiện có”.
Kết quả khảo sát cho thấy: Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) đang quản lý, khai thác 03 CSDL gồm: CSDL liệt sĩ trước năm 2015; CSDL liệt sĩ năm 2015; CSDL giải mã. Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) đang quản lý, khai thác 02 CSDL, gồm: CSDL liệt sĩ trước năm 2015; CSDL về liệt sĩ, thân nhân liệt sỹ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ (năm 2015). Tuy nhiên, từng cơ sở dữ liệu được xây dựng độc lập, riêng rẽ, có nội dung bảo mật riêng và tình trạng dữ liệu trùng nhau trong các CSDL vẫn chưa giải quyết được. Do vậy, cần tích hợp các CSDL hiện có thành một CSDL thống nhất và lọc dữ liệu trùng, dữ liệu nhiễu, đối sánh dữ liệu mới cập nhật với các dữ liệu hiện có... để rút ngắn thời gian tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Dựa trên kết quả khảo sát, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số thống nhất với Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) và Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) kế hoạch triển khai trong giai đoạn trước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, trong đó tập trung vào một số công việc chủ yếu sau: Sử dụng siêu máy tính để chuẩn hóa CSDL về quân nhân hi sinh của Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng): Đối chiếu dữ liệu để lọc dữ liệu trùng nhau, dữ liệu nhiễu, từ đó giúp rút ngắn đáng kể công tác xử lý, chuẩn hóa dữ liệu của Cục Chính sách, đẩy nhanh việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (khối lượng tính toán lên tới 1000 tỉ phép đối chiếu - cần siêu máy tính để tính toán).
Đồng thời xây dựng trang thông tin tìm kiếm thông tin liệt sĩ dựa trên việc tích hợp CSDL của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng để cung cấp cho cơ quan chức năng thông qua một công cụ tìm kiếm duy nhất có thể tìm kiếm đầy đủ thông tin nhất về liệt sĩ.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết: Vụ Thông tin cơ sở chủ trì, phối hợp với Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số; Cục Báo chí; Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam; Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội thực hiện chiến dịch tuyên truyền, giới thiệu về trang thông tin tìm kiếm liệt sĩ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và một số mạng xã hội lớn như Facebook, Zalo nhằm thu hút nhiều thành phần tham gia sử dụng công cụ tìm kiếm, từ đó sẽ giúp nhiều thân nhân tìm ra các thông tin hữu ích về liệt sĩ.
Theo Bộ trưởng, Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số đã xây dựng xong phần mềm tích hợp cung cấp công cụ tìm kiếm thông tin về liệt sĩ dựa trên CSDL được tích hợp từ các CSDL thành phần của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng. "Đây sẽ là CSDL đầy đủ nhất từ trước đến nay giúp cho việc tìm kiếm, đối sánh nhanh chóng. Phần mềm cũng cung cấp các công cụ giúp hai Bộ (Quốc phòng và LĐ-TB&XH) thu nhận các thông tin về liệt sỹ từ nhân dân cũng như cung cấp thông tin về liệt sỹ cho nhân dân thông qua Internet” – Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Ngày 22/6/2017, phần mềm đã chạy thành công trên các số liệu thử nghiệm (do 2 Bộ Quốc phòng, LĐ-TBXH cung cấp). Các đơn vị đã thống nhất về cơ bản, các chức năng của phần mềm tích hợp là phù hợp nghiệp vụ nhiệm vụ tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ.
Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, để phần mềm hoạt động được và trang Web có thể tìm kiếm, cần có dữ liệu (bản sao) đầy đủ các cơ sở dữ liệu của hai Bộ (Quốc phòng và LĐ-TB&XH), tuy nhiên, đến trung tuần tháng 7 (10-15/7) hai Bộ mới có thể bàn giao dữ liệu. Khi có dữ liệu đầy đủ của 2 Bộ thì CSDL tích hợp và trang Web tìm kiếm thông tin liệt sỹ mới có thể sử dụng./.