Tư duy lại vấn đề "giải cứu" nông sản

Thứ ba, 15/08/2023 17:04
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta không nên dùng từ “giải cứu”, vì càng kêu gọi thì nông sản càng mất giá. Khi đó, người dân sẽ không chăm sóc nữa. Vì thế, Bộ trưởng kêu gọi tư duy lại vấn đề này.

Chiều 15/8, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn về 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Thứ nhất là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...).

Thứ hai, hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản.

Nhóm vấn đề thứ ba là việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

 Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn

"Không nên nhầm lẫn giữa thương hiệu và nhãn hiệu"

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Phong (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) cho biết, nông sản rớt giá khi thu hoạch, thanh long, khoai lang rớt giá thê thảm,... là một điển hình ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp giải cứu nông sản cho đồng bằng sông Cửu Long?

Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) nhấn mạnh, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay có đến 80% các sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài chưa có thương hiệu, chủ yếu là xuất khẩu thô…

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị Bộ trưởng làm rõ những nguyên nhân, giải pháp để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, từ đó xác lập thị trường xuất khẩu, tăng năng suất lao động trong thời gian tới?

Trả lời về giải pháp giải quyết tình trạng được mùa mất giá, vấn đề cung cầu trong lĩnh vực này, Bộ trưởng cho biết, chúng ta không nên dùng từ “giải cứu”, vì càng kêu gọi thì nông sản càng mất giá. Khi đó, người dân sẽ không chăm sóc nữa. Vì thế, Bộ trưởng kêu gọi tư duy lại vấn đề này.

Bộ trưởng lưu ý khoai lang Bình Tân ở Vĩnh Long đang được giá, nhưng do chen lấn giữa thương lái, doanh nghiệp, đồng thời người nông dân không theo hợp tác xã nào, khiến bà con nông dân khó hưởng lợi. Khi mở cửa thị trường cho khoai lang, ai cũng phấn khởi. Nhưng do hiệu ứng được mùa mất giá, nên sau một mùa mất vụ, giờ Bình Tân không đủ khoai lang để xuất. Ngoài ra, hiện 40% khoai lang ở cửa khẩu không đủ chất lượng để xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: QH.

Về xây dựng thương hiệu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đã có nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đứng chân được ở trong những siêu thị lớn của nước ngoài. Có được kết quả này là quá trình của các doanh nghiệp kiên trì xây dựng thương hiệu giống như ngành hàng cà phê, ngành hàng gạo bắt đầu cũng đã chuyển biến. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục để phát triển thương hiệu những ngành hàng chủ lực, trong đó có sầu riêng. Theo Bộ trưởng, một khi có được thương hiệu sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn lên rất nhiều. 

Bộ trưởng cũng làm rõ cần phân biệt giữa “nhãn hiệu” với “thương hiệu”. Thương hiệu gồm nhãn hiệu (được in ấn) và các giá trị in sâu vào trong tiềm thức. Nghĩ tới thương hiệu là nghĩ thêm các giá trị đi kèm.

Trong nông nghiệp, người trồng lúa có thu nhập thấp nhất

Chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người nông dân làm ra lúa gạo vẫn có cuộc sống khó khăn, nghĩa là cây lúa không mang lại nhiều lợi nhuận cho người sản xuất.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của nghịch lý này và các giải pháp trong thời gian tới? Câu hỏi này cũng được đại biểu gửi tới Bộ trưởng Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu trong thời gian qua.

  Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: QH.

Trả lời ý kiến chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, theo niên giám thống kê, khảo sát, nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Trong nông nghiệp, người trồng lúa là người có thu nhập thấp nhất. Ở bối cảnh hiện nay, giá gạo tăng hàng ngày, đây cũng là thời cơ cải thiện thu nhập lớn đối với những người nông dân. 

Bộ trưởng cho biết, việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người nông dân là điều được Bộ hết sức quan tâm, trong đó, việc cải thiện thu nhập không phải chỉ là vấn đề giá cả, mà cần tính toán đến các chi phí. Theo tính toán, thời gian qua, việc sản xuất lúa gạo đã giảm được 20 đến 25% chi phí đầu vào, do ứng dụng quy trình canh tác, “ba tăng, ba giảm”, tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, tiết kiệm phân, tiết kiệm giống, tiết kiệm thuốc. Chính những chi phí giảm xuống này là thành quả giúp gia tăng thu nhập cho người dân. 

Bộ trưởng cho rằng, hiện chúng ta đang lo ngại, nếu đẩy giá cao hơn nữa có thể sẽ làm rối loạn ngành, gây thiếu bền vững. Cho rằng đây cũng là một vấn đề, Bộ trưởng phân tích: Nếu người nông dân nuôi trồng gì chỉ hưởng thu nhập từ sản phẩm đó thì chưa đúng tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp, đa giá trị, tạo ra nhiều ngành nghề khác, không gian trồng lúa, thời gian trồng lúa có thể lồng ghép, tạo ra nhiều không gian, thời gian cho các ngành nghề khác. Nếu chúng ta tận dụng tốt quỹ không gian và thời gian đó, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo những nghề nghiệp ở nông thôn, thì người nông dân không chỉ hưởng từ thành quả cây lúa, mà có nhiều nguồn thu nhập khác, Bộ trưởng nêu rõ. 

Từ thực tế hiện nay, Bộ trưởng cũng cho rằng, người nông dân cần liên kết lại trong hợp tác xã để có giá ưu đãi do mua nhiều, giúp tăng lợi nhuận. Đồng thời, cần nhìn nhiều chiều hơn về cấu trúc ngành hàng lúa gạo, từ đó có hướng khuyến khích bà con vào hợp tác xã, mua chung, bán chung, hưởng dịch vụ chung để có thu nhập từ nhiều phân khúc khác nhau, không phải chỉ từ nông sản nuôi trồng, tránh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.

Ngành nông nghiệp đang đối mặt với ba chữ “biến”

Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ đối mặt với ba chữ “biến” là: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững.

Nhưng, dù thực tiễn đa dạng và thay đổi liên tục, ngành nông nghiệp vẫn kiên trì thực hiện chiến lược tổng thể trong dài hạn, vừa linh hoạt xử lý tình huống, quản trị đồng bộ trong ngắn hạn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức trách trong vai trò quản lý chuyên ngành mang tính chất kinh tế - kỹ thuật. Trong khi đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội quán xuyến, bao quát các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh sẽ có cách thức, quan điểm tiếp cận vấn đề với nhiều góc độ khác nhau. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng khẳng định: Xin lắng nghe ý kiến và trao đổi làm rõ thêm các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý. 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực