Đòn bẩy giúp thanh niên phát triển kinh tế làng nghề

Thứ sáu, 02/12/2022 11:06
(ĐCSVN) - Tỉnh Bắc Ninh có nhiều làng nghề truyền thống, song đang đứng trước nguy cơ mai một vì nhiều người dân không còn mặn mà với nghề, đặc biệt là giới trẻ đang có xu hướng làm việc trong các khu công nghiệp. Trước tình hình đó, địa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống; trong đó có Đề án hỗ trợ Thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025. Qua đó, thanh niên có điều kiện được được tiếp cận nguồn vốn, phát triển làng nghề bền vững, hiệu quả.

Với sự năng động, sáng tạo, năm 2016, anh Nguyễn Văn Phú (sinh năm 1990, tại phường Tương Giang, thành phố Từ Sơn) đã mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị, dựng nhà xưởng sản xuất gỗ truyền thống và các mặt hàng gỗ công nghiệp mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động với mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng. Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, anh Phú cho biết: Trước đây do có kinh nghiệm và từng làm trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế nội thất công trình nên anh đã nắm được xu hướng phát triển của thị trường. Hơn nữa, nhờ sinh ra trên mảnh đất có nhiều nghề, nhất là nghề gỗ, với số tiền tích góp từ trước và sự hỗ trợ của gia đình, anh đã mở xưởng sản xuất các sản phẩm gỗ truyền thống như bàn, ghế, tủ…

Theo anh Phú, khi mới bắt tay vào khởi nghiệp, anh gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, chưa có nhiều kinh nghiệm…nên đã thất bại nhiều lần. Tuy nhiên, anh luôn lấy đó là động lực để tiếp tục phấn đấu, tìm ra hướng đi mới khẳng định sản phẩm của mình trên thị trường. Năm 2019, với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp ở địa phương, vốn nhạy bén với thị trường, anh Phú đã mở rộng sản xuất sang lĩnh vực tư vấn, thiết kế, thi công sản phẩm gỗ công nghiệp. Anh đã tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (900 triệu đồng) để mở rộng xưởng sản xuất và nhập thêm máy móc, thiết bị.

Xưởng sản xuất gỗ truyền thống của anh Nguyễn Văn Phú tại Phường Tương Giang, TP Từ Sơn, Bắc Ninh. 

Anh Phú cho biết thêm: Khi được giải ngân vốn vay, anh có điều kiện sắm các loại máy móc như máy cắt, cưa, máy khoan, máy dán cạnh… Máy móc hiện đại giúp anh đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các đơn hàng lớn từ các đối tác. Thời gian tới, song song với đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, anh sẽ mở các cửa hàng trưng bày để giới thiệu sản phẩm đến các đối tác và người tiêu dùng. Là lao động làm việc tại xưởng gỗ của anh Phú được 4 năm, anh Hoàng Trọng Đạt (sinh năm 1993, tại tỉnh Yên Bái) cho biết, trước đây, công việc của anh không ổn định, thu nhập bấp bênh. Từ ngày làm việc tại xưởng gỗ của anh Phú, anh đã có thu nhập ổn định 12 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, anh có tiền nuôi con ăn học và tích lũy.

Sinh ra và lớn lên tại làng nghề làm gỗ, thôn Phúc Tinh, phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, anh Nguyễn Hữu Kiên cũng giống như anh Phú, đã trở thành ông chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ có tiếng ở địa phương nhờ đam mê, ham học hỏi. Chia sẻ về thời gian khi mới vào nghề, anh Kiên cho biết: Dù không sinh ra trong gia đình có truyền thống làm gỗ nhưng với niềm đam mê, năm 2010, anh đã xin vào làm thuê tại một xưởng gỗ ở quê. Nhờ cần cù, ham học hỏi, chỉ trong thời gian ngắn, anh Kiên đã có thể tự mình hoàn thiện được những bộ bàn ghế, giường tủ đơn giản và tiếp tục làm ra những sản phẩm tinh tế hơn. Để nâng cao tay nghề, anh tìm đến các cơ sở sản xuất lớn để học hỏi kinh nghiệm, cũng như lên mạng tìm hiểu những sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Sau gần 2 năm đi làm thuê, cuối năm 2011, anh Kiên đã quyết định mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay mỗi năm, cơ sở của anh cho doanh thu từ 7-8 tỷ đồng, trừ chi phí anh lãi từ 300-400 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/ tháng.

Khi cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đang phát triển, năm 2019, anh Kiên đã gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu gỗ sản xuất. Được sự hỗ trợ của Tỉnh Đoàn Bắc Ninh, anh đã được tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp với 400 triệu đồng. Có vốn trong tay, anh đã liên hệ với các đối tác để mua nguyên liệu phục vụ sản xuất và mua thêm máy móc. Nhờ vậy, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng cơ sở của anh vẫn hoạt động hiệu quả, luôn đảm bảo, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Đánh giá về Đề án Hỗ trợ thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh Nguyễn Đức Sâm cho biết: Thời gian qua, Đề án với tổng nguồn kinh phí được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh phê duyệt 70 tỷ đồng đã giúp nhiều thanh niên phát triển kinh tế. Đặc biệt, qua khảo sát cho thấy, nhu cầu vốn vay của thanh niên rất lớn. Trên cơ sở thẩm định tính hiệu quả mô hình, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai giải ngân vốn hỗ trợ. Qua đó, chương trình đã phát huy hiệu quả, là "bà đỡ" giúp thanh niên hiện thực hóa ý tưởng, phát triển kinh tế làng nghề, làm giàu chính đáng, góp phần tạo nhiều việc làm. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 99 dự án khởi nghiệp của thanh niên được hỗ trợ với dư nợ gần 81,1 tỷ đồng.

Thời gian tới, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền để có thêm nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; chỉ đạo các cấp bộ Đoàn quan tâm, tổ chức các diễn đàn, lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng mô hình. Qua đó, giúp thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đồng thời, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ đăng ký thương hiệu, quảng bá sản phẩm và sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của dự án thanh niên khởi nghiệp; từ đó tạo đầu ra ổn định, chỗ đứng cho các sản phẩm trên thị trường./.

 

CTV Truyền hình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực