Động, thực vật hoang dã có vai trò duy trì cân bằng sinh thái, đảm bảo các hệ sinh thái
Theo báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước Đa dạng sinh học, Việt Nam hiện có khoảng loài 51.400 sinh vật đã được xác định. Về tính đặc hữu, khu hệ động vật Việt Nam khá giàu về thành phần loài và có mức độ cao về tính đặc hữu so với các nước trong vùng Đông Dương. Cụ thể, trong số 21 loài khỉ, Việt Nam có 15 loài, với 7 loài và phân loài đặc hữu và trong vùng này có 49 loài chim đặc hữu, thì Việt Nam đã có 33 loài, trong đó có 10 loài đặc hữu của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đa dạng sinh học ở Việt Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến suy giảm là ô nhiễm, phá rừng, săn bắt, tình trạng mua bán động vật hoang dã vẫn diên ra và khai thác tài nguyên biển quá mức… dẫn đến việc 28% loài có vú, 10% loài chim, 21% loài bò sát và lưỡng cư đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Danh mục sách đỏ, các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng ngày càng được mở rộng. Trong khi đó, các loài ĐTVHD góp phần quan trọng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững, mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người.
|
Động vật hoang dã đang kêu cứu. Nguồn: TTXVN |
Xuất phát từ vai trò quan trọng của các loài ĐTVHD đối với sự phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam đã ban hành các Quy định pháp luật về bảo vệ ĐTVHD và sử dụng dược liệu tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam là thành viên thứ 121 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) từ năm 1994. Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng để thực thi Công ước này. Đơn cử như, Việt Nam đã ban hành các đạo luật như: Luật Lâm nghiệp năm 2017 (thay thế Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004), trong đó có quy định về quản lý bảo vệ đối với động vật rừng, thực vật rừng, cấm “Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật”.
Luật Đa dạng sinh học năm 2008, trong đó quy định về bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, trong đó có ĐTVHD và cấm “Săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ vì mục đích nghiên cứu khoa học”. Luật Thuỷ sản năm 2017, quy định về hành vi “khai thác trái phép” loài thuỷ sản thuộc Danh mục loài thuỷ sản nguy cấp, quý, hiếm. Ngoài ra, các nghị định, quyết định, chỉ thị và thông tư của Chính phủ đã quy định rất rõ đối với loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; cấm xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán mẫu vật một số loài ĐVHD (cấm buôn bán các loài voi, tê giác trắng, tê giác đen Châu Phi); giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật.
Bên cạnh đó, đối với quy định về Quản lý về Y học cổ truyền đã quy định các thông tin, hình ảnh không được sử dụng trong nội dung quảng cáo thuốc về hình ảnh động vật, thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Đặc biệt, một số danh mục thuốc có tác dụng trong khám chữa bệnh, có nguồn gốc từ động vật hoang dã cần được bảo vệ, Bộ Y tế đã loại bỏ ra khỏi danh mục các vị thuốc YHCT.
Đáng chú ý, về quy định xử phạt, Bộ Luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định một số điều là tội phạm vi phạm đối với động vật, thực vật. Theo quy định tại Bộ luật này, các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD có thể bị phạt tù lên đến 15 năm hoặc 5 tỷ đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.
Quan niệm sai lầm về nguồn gốc chữa bệnh của động, thực vật hoang dã
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, bên cạnh những quy định chặt chẽ về Luật cũng như những chế tài nhằm kiểm soát chặt chẽ các loài ĐTVHD, tình hình tiêu thụ và buôn bán trái pháp luật một số loài ĐTVHD phục vụ mục đích chữa bệnh tại Việt Nam diễn ra phức tạp, không chỉ ở việc khai thác và tiêu thụ trong nước mà còn mang tính khu vực.
Có thể thấy rằng, từ xa xưa, khi khoa học kỹ thuật và sự hiểu biết về Y học còn chưa phát triển, một số tri thức và kinh nghiệm trong phòng, chữa bệnh còn thiếu căn cứ khoa học, con người đã phải phụ thuộc vào thiên nhiên để tìm ra những cây thuốc, con thuốc để chữa bệnh. Do nhận thức và lầm tưởng về tác dụng bị thổi phồng của các vị thuốc hay một số bài thuốc cổ truyền từ động vật hoang dã nên nhiều người vẫn tìm mua các sản phẩm như mật gấu, cao hổ, sừng tê giác, vảy tê tê... Không biết chúng đều là các sản phẩm bất hợp pháp và không có công dụng thần dược.
Do những quan niệm truyền thống mà nay đã trở thành lạc hậu và sai lầm, cùng với tâm lý hoang mang khi mắc bệnh, một số người lại tin rằng sừng tê giác có thể chữa bách bệnh, đặc biệt là bệnh nan y như ung thư; hay được dùng để giải rượu, hoặc tăng cường “sức mạnh” nam giới. Nhưng trên thực tế, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh được các công dụng của sừng tê giác như vậy. Trên thực tế, khoa học đã chứng minh sừng tê giác có cấu tạo chủ yếu từ keratin, tương tự như móng tay con người.
Hay như, vảy tê tê cũng được đồn thổi như thần dược, có thể chữa đái tháo đường, tăng cường sinh lực, điều trị ung thư, chữa viêm xoang... Tuy nhiên, cũng giống như sừng tê giác, vẩy tê tê cũng có thành phần chủ yếu là keratin như móng tay, móng chân con người, không có tác dụng và công dụng trong điều trị chữa bệnh.
Mật gấu cũng được tin tưởng đặc biệt về các công dụng đồn thổi của nó. Nhưng thực tế, mật gấu không có tác dụng bảo vệ gan, do vị rất đắng và tính hàn nên mật gấu rất dễ làm tổn thương tỳ, vị. Do nhu cầu sử dụng mật gấu tăng cao cũng khiến nhiều loài gấu suy giảm và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Từ năm 2007, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cảnh báo, có 6/8 loài gấu trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng, chiếm 75%.
Đáng chú ý nhất là các sản phẩm từ hổ, theo Tổ chức TRAFFIC, từ năm 2000 Việt Nam đã tịch thu gần 312 cá thể hổ trong 135 vụ bắt giữ, đứng thứ 5 trong số 13 quốc gia ghi nhận có hổ hoang dã sinh sống. Không những vậy, hổ và các bộ phận, sản phẩm từ hổ còn được rao bán sôi nổi trên các nền tảng trực tuyến với chủ yếu các tài khoản mua bán đến từ Việt Nam (chiếm 75%).
Cao hổ cốt là sản phẩm được rao bán thường xuyên nhất với công dụng chủ yếu là chữa trị các bệnh xương khớp. Tuy nhiên người dùng không thể biết được rằng loại cao mà họ mua có phải là từ hổ không, hay có thể là xương của các loại động vật khác như ngựa, chó, mèo và được trộn thêm các thành phần tân dược để có tác dụng giảm đau. Ngoài ra, nanh, vuốt, râu và da hổ cũng thường được người mua săn lùng để trừ tà hay trang trí. Trên thực tế rất khó để phân biệt chính xác đâu là các bộ phận của hổ hay của các loài khác thuộc họ mèo lớn (như báo hoa mai, sư tử, báo đốm…) do chúng có cấu tạo khá giống nhau và thường được trộn lẫn hoặc làm giả để tăng lợi nhuận buôn bán.
|
Hình ảnh truyền thông mới hướng tới giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật từ dự án "Bảo vệ Động vật hoang dã nguy cấp" - Ảnh: TRAFFIC |
Từ những quy định của pháp luật và những nghiên cứu trong y khoa, sử dụng thực phẩm, sản phẩm từ ĐVHD có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người. Không chỉ không có tác dụng chữa bệnh như mong muốn, tốn tiền hao của, người dùng còn có nguy cơ mắc phải các chứng bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, 70% các bệnh truyền nhiễm trong 50 năm qua đều có nguồn gốc từ ĐVHD. Tiếp xúc trực tiếp với ĐVHD là điều kiện thuận lợi khiến con người mắc phải nhiều loại virus nguy hiểm như cúm gia cầm, nhiễm liên cầu từ lợn, SARS, MERS, COVID-19…
Không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, thay thế bằng các vị thuốc an toàn, hợp pháp
Có thể khẳng định đối với Đông y, sừng tê giác không phải là thần dược và trên thực tế sừng tê giác đã không còn trong Dược điển Đông y. Với tác dụng của sừng tê giác như các tài liệu xưa đề cập, thì có rất nhiều vị thuốc, cây thuốc có tác dụng tương tự và cũng đã được các thầy thuốc Đông y sử dụng rộng rãi trong khám chữa bệnh thực tế như: Bạch cập, đại thanh, đan sâm, địa hoàng, hoàng bá, hoàng liên, huyền sâm, huyết dụ, phục linh, trắc bách, xuyên tâm liên, ngưu bàng….
Với vẩy tê tê, cũng không khó để liệt kê 25 cây thuốc, vị thuốc có tác dụng điều trị các chứng huyết ứ, tiêu độc đã được y học cổ truyền sử dụng rộng rãi để chữa các bệnh về phong thấp, sốt rét, viêm ruột, mụn nhọt…Các vị thuốc này bao gồm: bồ công anh, bụp giấm, cam thảo bắc, cỏ sữa lá lớn, diếp cá, hạ khô thảo, hoà sơn, hoàng cầm, hương nhu tía, ích mẫu, nghệ vàng …..
Với cao hổ cốt, vốn được đồn thổi với tác dụng bổ thận, giảm đau, trừ phong thấp, làm mạnh gân cốt, dùng để chữa các chứng đau nhức, tê thấp…cũng không khó để có thể kể tên rất nhiều cây thuốc có tác dụng tương tự, dễ tìm kiếm và hiện đang được sử dụng rộng rãi trong các cơ sở y tế như: ba kích, bách bệnh, bổ cốt toái, can thương, dây đau xương, dây gắm, đỗ trọng, độc hoạt, ngưu tất, nhục quế, phòng phong, thiên niên kiện, tang ký sinh….
Nguồn dược liệu ở Việt Nam hiện đang trong giai đoạn phát triển, mặc dù việc khai thác các cây thuốc, vị thuốc ở Việt Nam còn nhiều bất cập và còn tình trạng khai thác tự do, tận diệt, nhiều khu trồng dược liệu đã bắt đầu được phát triển và trú trọng đến tính thương mại bền vững.
Phát triển nguồn dược liệu bền vững là bước tiến và giải pháp cho sự phát triển của ngành y học cổ truyền (YHCT).
Vì vậy, người thầy thuốc cần phải tiên phong trong việc thể hiện trách nhiệm và uy tín đối với người bệnh và đồng nghiệp của mình. Chỉ sử dụng nguồn dược liệu YHCT bền vững và hợp pháp là rất cần thiết để bảo đảm và nâng cao uy tín của các thầy thuốc YHCT.
Đối với các các thầy thuốc YHCT, hãy hành động bằng cách không kê đơn thuốc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD nguy cấp, chỉ kê đơn thuốc sử dụng các nguồn dược liệu hợp pháp và bền vững. Khuyến khích người bệnh tìm đến các thầy thuốc và đơn vị YHCT thực hành khám chữa bệnh sử dụng nguồn dược liệu YHCT bền vững và hợp pháp. Các thầy thuốc cần trở thành đại sứ chống lại việc sử dụng các nguồn dược liệu YHCT trái phép và không bền vững.
Ngoài ra, cần nâng cao vị thế, vai trò nòng cốt của Hội Đông y Việt Nam, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, để tổ chức để triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động nhằm khẳng định việc sử dụng ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm là vi phạm pháp luật; đồng thời không đem lại những hiệu quả điều trị bệnh và nâng cao sức khỏe như mong muốn. Để không làm ảnh hướng tới truyền thống lâu đời và hình ảnh cao đẹp của nền Đông y Việt Nam. Mỗi cá nhân, mỗi đơn vị hành nghề YHCT cần có tiếng nói để lan tỏa thông điệp thay đổi hành vi không kê đơn, mua, bán và sử dụng ĐVHD trái pháp luật.
Bên cạnh việc thực hành chuyên môn, các hoạt động truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng người bệnh, cộng đồng và toàn xã hội về những phương pháp, bài thuốc YHCT an toàn, có căn cứ khoa học và hiệu quả. Cùng cam kết và khuyến khích người thân, bạn bè và đồng nghiệp cùng sử dụng nguồn dược liệu bền vững. Hãy thể hiện mình là người có trách nhiệm và uy tín, quan tâm tới uy tín của ngành YHCT, là tấm gương cho người dân, học sinh, sinh viên, đồng nghiệp, bạn bè và gia đình trong công cuộc bảo vệ ĐVHD tại Việt Nam. Không sử dụng các loài ĐVHD là góp phần đảm bảo rằng giới tự nhiên sẽ được bảo vệ để che chở cho các thế hệ tương lai và giúp loài người nhận ra tầm quan trọng của ĐVHD và môi trường hoang dã đối với con người và các loài khác nhau trên hành tinh này./.