Nâng cao nhận thức, giảm nhu cầu sử dụng sản phẩm từ hổ và động vật hoang dã

Thứ ba, 07/11/2023 09:43
(ĐCSVN) - Kết quả hoạt động khảo sát do một đơn vị ở Trung ương phối hợp cùng tổ chức TRAFFIC thực hiện trong phạm vi “Dự án truyền thông thay đổi hành vi Giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ hổ tại Việt Nam”, Nhóm Tư vấn nghiên cứu đề nghị cần tiếp tục cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, lan toả thông điệp nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nói riêng và cộng đồng nói chung về hành động kêu gọi giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã khác, từ đó góp phần bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học.

Thay đổi hành vi để không sử dụng các chế phẩm từ hổ

Tăng cường tuyên truyền thực hiện quản lý động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm

Chung tay bảo vệ hổ và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm

Bảo tồn hổ và các loài mèo lớn tại Việt Nam

Hướng tới các vị thuốc thay thế, giảm nhu cầu tiêu thụ trái phép động vật hoang dã

Những nhận thức sai lầm về tác dụng của cao hổ cốt và các sản phẩm từ hổ

Trong những năm gần đây, loài hổ hoang dã tại Việt Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng. Theo kết quả điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, năm 2011, số lượng hổ hoang dã của Việt Nam ước tính còn khoảng từ 27-47 cá thể tại các khu vực: Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (Điện Biên), Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Chư Mom Ray (Kon Tum) và Yok Đôn (Đắk Lắk). Tuy nhiên đến năm 2015, theo thống kê của Tổ chức Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), tại Việt Nam số lượng hổ ngoài tự nhiên chỉ còn dưới 5 cá thể.

Trước thực trạng đó, việc bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm ở Việt Nam đã được quan tâm hơn và đạt được nhiều kết quả khích lệ. Trong đó, có những nỗ lực trong việc tăng cường thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và khắc phục những lỗ hổng pháp lý, nâng cao khung hình phạt để bảo vệ các cá thể hổ hoang dã còn sót lại.

Khảo sát người tiêu thụ sản phẩm từ hổ và đề xuất thông điệp kêu gọi giảm tiểu nhu cầu tiêu thụ từ hổ của TRAFFIC.   

Hiện nay, tình trạng săn bắn và làm mất môi trường sống là hai mối đe dọa lớn đối với hổ trong nhiều năm qua. Trong đó, hổ chủ yếu bị săn bắn và buôn bán để lấy xương làm cao hổ cốt phục vụ mục đích điều trị và phòng các bệnh liên quan đến xương khớp theo các lời đồn thổi không rõ nguồn gốc. Báo cáo của Tổ chức TRAFFIC năm 2017 đã chỉ ra rằng 6% số người tham gia khảo sát sinh sống tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tự nhận đã từng sử dụng hoặc từng mua sản phẩm từ hổ, và 64% trong số họ nói sẽ khuyến khích người khác sử dụng các sản phẩm này trong tương lai.

Theo đánh giá của các chuyên gia y học và Y học cổ truyền, cao hổ cốt không có tác dụng như lời đồn thổi. Trên thực tế, cho đến nay cũng chưa có bất kỳ một công trình khoa học nào nghiên cứu về hiệu quả của cao hổ trong điều trị các bệnh lý xương khớp, tác dụng “thần kỳ” của cao hổ cốt chỉ là lời đồn đại, huyền thoại và lâu dần trở thành niềm tin.

Tại Việt Nam, thu nhập quốc dân tăng cùng với nhận thức chưa đúng, sai lầm về mức độ chữa bệnh và có tác dụng đối của sức khoẻ của các chế phẩm từ của động vật hoang dã (ĐVHD) khiến tình trạng buôn bán và tiêu thụ ĐVHD gia tăng đáng kể. Theo một báo cáo của Tổ chức TRAFFIC đã chỉ ra đối tượng thường sử dụng cao hổ cốt là nam, nữ có độ tuổi từ 45-60, sinh sống tại các thành phố lớn, có thu nhập trung bình từ 20 triệu VNĐ trở lên, có học thức cao và công việc ổn định (ví dụ làm việc ở một số vị trí thuộc các cơ quan nhà nước, chủ doanh nghiệp, doanh nhân, người nổi tiếng). Họ thường biếu tặng cao hổ cốt để nhận được sự tôn trọng từ các thành viên lớn tuổi trong gia đình và đối tác của họ. Một trong những mục đích sử dụng chính là sử dụng cao hổ cốt để phòng và chữa bệnh có liên quan đến xương khớp. Nhưng thực tế, chưa có công trình khoa học nào chứng minh cao hổ cốt có tác dụng đối với sức khoẻ và có tác dụng điều trị các bệnh về xương khớp.

Để góp phần giảm cầu tiêu thụ đối với cao hổ cốt và các sản phẩm khác từ hổ, từ năm 2020, TRAFFIC đã triển khai một dự án truyền thông xã hội với mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ thông qua việc áp dụng các biện pháp truyền thông thay đổi hành vi. Tổ chức TRAFFIC đã phối hợp với thực hiện hoạt động truyền thông thay đổi hành vi giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ và các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD khác của nhóm đối tượng mục tiêu là các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm việc tại Khối các cơ quan Trung ương.

Cụ thể, giai đoạn từ 01/7/2023 - 15/9/2023, Nhóm tư vấn từ cơ quan tuyên truyền ở Khối cơ quan Trung ương đã cùng với TRAFFIC xây dựng các sản phẩm truyền thông thay đổi hành vi dưới dạng sổ tay công tác có các nội dung lồng ghép bao gồm: Infographic/hình ảnh, thông điệp truyền thông thay đổi hành vi; thông tin về tình trạng bảo tồn hổ hiện nay; các quy định pháp luật về bảo vệ ĐVHD nói chung và hổ nói riêng. Đặc biệt, Hướng dẫn số 13-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường tuyên truyền việc thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Cùng với đó là Thư kêu gọi từ lãnh đạo cơ quan khuyến nghị cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan Đảng và Chính phủ cam kết không sử dụng, cho, và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ hổ phát hành đến các cán bộ, đảng viên. Đồng thời, Thư cam kết dành cho cá nhân là cán bộ, nhân viên đang công tác tại các cơ quan Đảng, Chính phủ cam kết không sử dụng, cho, tặng cao hổ cốt và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ hổ.

 
 
Một số trang thông tin và hình ảnh chứa thông điệp thay đổi hành vi được lồng ghép vào sổ tay công tác phát đến đối tượng khảo sát) - Ảnh: TRAFFIC 

Nhóm tư vấn đã tiến hành khảo sát 400 người đang làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, với khoảng 80 - 90% trong số đó là cán bộ, lãnh đạo hoặc người có chức vụ từ cấp phòng trở lên, độ tuổi phổ biến trong khoảng từ 30 đến 50 tuổi và được chia thành hai nhóm: Nhóm 1 (khoảng 200 người) – được nhận đầy đủ các sản phẩm truyền thông thay đổi hành vi của Dự án (sổ tay công tác chứa thông điệp thay đổi hành vi, Thư kêu gọi cam kết hành động từ lãnh đạo cơ quan, và thư cam kết dành cho cá nhân), và nhóm 2 ( khoảng 200 người) – chỉ nhận thư cam kết giành cho cá nhân.

Kết quả khảo sát cho thấy Nhóm 1 (nhóm nhận đầy đủ các sản phẩm truyền thông), cho kết quả hành động cam kết ở tỷ lệ khá cao. Cụ thể, 182 người (chiếm 91%) đồng ý ký vào Thư cam kết giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ và các sản phẩm có nguồn gốc từ đồng vật hoang dã. Còn lại 9% số người không ký cam kết do còn một số băn khoăn, e ngại khi cho rằng sẽ có những ràng buộc khi phải ký vào cam kết.

Nhóm 2 – nhóm chỉ nhận thư cam kết giành cho cá nhân (và không được nhận sổ công tác chứa các thông điệp thay đổi hành vi của Dự án cùng với thư kêu gọi do lãnh đạo cơ quan phát hành) chỉ có 21 người (chiếm 10,5%) có hành động ký thư cam kết không tiêu thụ và ủng hộ việc tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD. Mặc dù cả nhóm 1 và 2 đều có sự tương đồng về độ tuổi và đặc điểm về thành phần tham gia khảo và có trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ cũng như trình độ lý luận chính trị cao, hiểu biết sâu, rộng và có sức lan tỏa lớn trong cơ quan, đơn vị.

Theo nhận định, đánh giá của Nhóm nghiên cứu, nguyên nhân mà tỷ lệ ký vào Thư cam kết cá nhân còn thấp (ở Nhóm 2) phần lớn là do công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các đối tượng này còn chưa thường xuyên, sâu rộng, chưa lan tỏa do đó hiệu quả mang lại chưa cao. Kết quả cũng thể hiện tính hiệu quả, sức thuyết phục, khả năng truyền cảm hứng của các tài liệu truyền thông mà Dự án đã và đang triển khai.

Để công tác tuyên truyền hiệu quả và có sức lan tỏa rộng khắp, cần tiếp tục tăng cường tác động thường xuyên, liên tục đến các nhóm đối tượng mục tiêu và nên lồng ghép thông điệp vào những sản phẩm mà đối tượng này có nhu cầu sử dụng phù hợp và thường xuyên. Điều đó đòi hỏi chất lượng những sản phẩm gắn với thông điệp tuyên truyền cũng phải chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật cũng phải cao hơn. Bên cạnh đó, tiếp tục lan toả thông điệp và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nói riêng và cộng đồng nói chung về hành vi giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã khác, từ đó góp phần bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học. Chung tay bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta.

Theo như chia sẻ của một cán bộ của Khối các cơ quan Trung ương thực hiện dự án khảo sát: Trước những quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nói chung và sự nhận thức đầy đủ của cán bộ, đảng viên nói riêng, chúng ta hãy hành động chung tay bảo vệ loài hổ và các loại động vật hoang dã quý hiếm. Trong đó, chúng ta không nên ăn thịt hổ, sử dụng cao hổ và các sản phẩm khác từ hổ cũng như kêu gọi người thân, gia đình, bạn bè của mình không sử dụng các sản phẩm từ hổ... Để nâng cao sức khoẻ, chúng ta cần thường xuyên luyện tập thể thao và sử dụng các sản phẩm thuốc từ cây dược liệu thay thế theo đúng tác dụng đối với sức khoẻ…/.

Minh Chính

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực