Chung tay bảo vệ hổ và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm

Thứ tư, 16/08/2023 16:32
(ĐCSVN) – Trong những năm gần đây, loài hổ hoang dã tại Việt Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng. Theo kết quả điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, năm 2011, số lượng hổ hoang dã của Việt Nam ước tính còn khoảng từ 27-47 cá thể tại các khu vực: Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (Điện Biên), Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Chư Mom Ray (Kon Tum) và Yok Đôn (Đắk Lắk). Tuy nhiên đến năm 2015, theo thống kê của Tổ chức Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), tại Việt Nam số lượng hổ ngoài tự nhiên chỉ còn dưới 5 cá thể.

Thay đổi hành vi để không sử dụng các chế phẩm từ hổ

Hướng tới các vị thuốc thay thế, giảm nhu cầu tiêu thụ trái phép động vật hoang dã

Những nhận thức sai lầm về tác dụng của cao hổ cốt và các sản phẩm từ hổ

Bảo tồn hổ và các loài mèo lớn tại Việt Nam

Tăng cường tuyên truyền thực hiện quản lý động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm

Nâng cao nhận thức, giảm nhu cầu sử dụng sản phẩm từ hổ và động vật hoang dã

Một cá thể hổ trưởng thành (Nguồn ảnh: Báo Tuổi trẻ) 

Trước thực trạng đó, việc bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm ở Việt Nam đã được quan tâm hơn và đạt được nhiều kết quả khích lệ. Trong đó, có những nỗ lực trong việc tăng cường thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và khắc phục những lỗ hổng pháp lý, nâng cao khung hình phạt. Để bảo vệ các cá thể hổ hoang dã còn sót lại tránh khỏi nạn săn bắn, buôn bán trái pháp luật, Việt Nam đã đưa Hổ Đông Dương vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP) và Nghị định 06/2019/NĐ-CP - cấp độ bảo vệ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của từ một cá thể hổ Đông Dương sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với án phạt lên đến 15 năm tù giam.

Riêng hành vi quảng cáo bán các sản phẩm, bộ phận của hổ được coi là hành vi quảng cáo hàng cấm và sẽ bị xử phạt hành chính từ 70 - 100 triệu đồng theo Điều 50, Nghị định 158/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP). Ngoài ra, hổ Đông Dương còn được liệt kê trong Phụ lục I, CITES - Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Theo đó, việc buôn bán quốc tế cá thể và các sản phẩm từ hổ Đông Dương giữa các quốc gia thành viên Công ước, trong đó có Việt Nam bị nghiêm cấm.

Mất môi trường sống và săn bắn là hai mối đe dọa lớn đối với hổ trong nhiều năm qua. Báo cáo của Tổ chức TRAFFIC năm 2017 đã chỉ ra rằng 6% số người tham gia khảo sát sinh sống tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tự nhận đã từng sử dụng hoặc từng mua sản phẩm từ hổ, và 64% trong số họ nói sẽ khuyến khích người khác sử dụng các sản phẩm này. Cao hổ cốt là sản phẩm được sử dụng nhiều nhất với 83% người tham gia khảo sát thừa nhận đã từng mua và sử dụng. Một trong những mục đích sử dụng chính là sử dụng cao hổ cốt để phòng và chữa bệnh có liên quan đến xương khớp.

Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022 đã được phê duyệt với 7 nhóm giải pháp chính. Trong đó cũng nhấn mạnh việc cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm từ hổ, con mồi của hổ và động vật hoang dã trái pháp luật. Để chấm dứt nhu cầu này cần tiếp tục xây dựng và thực hiện các chiến lược truyền thông thay đổi hành vi bài bản, có tính xuyên suốt và thống nhất để giảm nhu cầu về hổ và các loài động vật hoang dã, bao gồm việc tăng cường nỗ lực giảm cầu trong hệ thống các cơ quan nhà nước, các lĩnh vực có liên quan cao như y học cổ truyền, khu vực tư nhân và toàn xã hội.

Từ năm 2020-2023, Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam tổ chức triển khai Dự án “Truyền thông thay đổi hành vi giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ hổ tại Việt Nam”. Dự án do Chính phủ Vương quốc Anh (UKaid) tài trợ thông qua Quỹ Phòng chống buôn bán trái pháp luật Động thực vật hoang dã và Bảo tồn đa dạng sinh học (IWT Challenge Fund). 

Trong hơn 3 năm thực hiện, Dự án đã và đang hỗ trợ Việt Nam kiểm soát tình trạng tiêu thụ hổ và các loài động vật hoang dã trái pháp luât. Dự án đã thúc đẩy cam kết của các lãnh đạo cấp Trung ương và địa phương trong công tác bảo tồn hổ và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; gia tăng vai trò của cộng đồng y học cổ truyền trong việc sử dụng dược liệu hợp pháp và an toàn và các sản phẩm thay thế bền vững cũng như nâng cao trách nhiệm xã hội của khu vực tư nhân và cộng đồng trong việc giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ hổ.

 

Tính đến tháng 8/2023, Dự án đã nhận được sự tham gia và ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách, trong đó, Ban Công tác Đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phối hợp với Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu (TRAFFIC) tổ chức Tọa đàm khoa học “Hoàn thiện khung pháp luật về Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm”; đã có hơn 1000 thầy thuốc y học cổ truyền thuộc các bệnh viện y học cổ truyền trung ương và các phòng khám y học cổ truyền tham gia và truyền tải thông điệp không sử dụng dược liệu có nguồn gốc từ hổ và ấn phẩm "Giới thiệu một số cây thuốc, vị thuốc thay thế cao hổ cốt” đến các bệnh nhân và cộng đồng. Hơn 1.300 doanh nhân được đào tạo về cách thức tham gia bảo vệ hổ và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. 20 doanh nghiệp trong các lĩnh vực dược phẩm, y học cổ truyền, mỹ phẩm đã lồng ghép các nội dung bảo tồn hổ vào các hoạt động đào tạo và kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Giám đốc Tổ chức TRAFIC tại Việt Nam Nguyễn Tuyết Trinh cho rằng: “Các nỗ lực chống lại hoạt động buôn bán và tiêu thụ hổ và động vật hoang dã trái pháp luật chỉ có thể đạt được hiệu quả tối đa nếu chúng ta cùng nhau chung tay giảm được nhu cầu trên thị trường. Trong phạm vi của Dự án, chúng tôi đã làm việc với nhiều đối tác trong đó hợp tác với cơ quan lập pháp như Quốc hội là chìa khóa để đảm bảo ý chí chính trị, quyết tâm và định hướng nhằm tạo tác động lớn hơn đến các nỗ lực giảm nhu cầu. Chúng tôi hy vọng rằng, việc thực hiện hiệu quả Dự án đã và đang góp phần giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và thay đổi hành vi tiêu dùng của nhóm đối tượng mục tiêu”.

Các hoạt động của Dự án cũng có sự tham gia của các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí nhằm chung tay tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vi phạm pháp luật cũng như những tác hại khi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã; xóa bỏ tâm lý sử dụng các chế phẩm từ động vật hoang dã như cao hổ cốt, mật gấu, sừng tê giác để nâng cao sức khỏe. Hàng nghìn người đã tiếp cận đến các hoạt động, thông điệp và hình ảnh của Dự án thông qua các hoạt động vận động xã hội như các buổi livestream của các thầy thuốc y học cổ truyền, các video truyền thông bảo vệ hổ trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 (xem tại trang web https://www.traffic.org/news/collective-voices-say-no-to-tiger-bone-glue-in-the-year-of-the-tiger/) và các sự kiện cộng đồng khác.

Trước những quy định của pháp luật và bảo vệ môi trường thiên nhiên của chúng ta, là công dân Việt Nam, chúng ta hãy hành động chung tay bảo vệ loài hổ bằng nhiều cách khác nhau. Đặc biệt, để giảm nhu cầu tiêu thụ hổ và các sản phẩm từ hổ, chúng ta không nên ăn thịt hổ, sử dụng cao hổ và các sản phẩm khác từ hổ cũng như kêu gọi người thân, gia đình, bạn bè của mình không sử dụng các sản phẩm từ hổ. Mỗi người cần ý thức sâu sắc rằng, khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ hổ không còn thì loài hổ Đông Dương mới có thể thoát khỏi nạn săn bắt, nuôi giết, buôn bán trái phép…/.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực