Trả lời:
Câu hỏi của bạn Nguyễn Thị Thu Hằng được quy định tại điểm 2.5, Hướng dẫn “Thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa X”, ban hành kèm theo Quyết định số 25-QĐ/TW, ngày 24/11/2006 của Bộ Chính trị. Cụ thể:
2.5 Uỷ ban kiểm tra giúp cấp uỷ hoặc ban thường vụ cấp uỷ tiến hành công tác kiểm tra, giám sát theo Điều 30, Điều lệ Đảng; về công tác kiểm tra, giám sát và việc thi hành kỷ luật đảng. Cụ thể :
- Phối hợp với văn phòng và các ban của cấp ủy giúp cấp ủy tổ chức quán triệt trong đảng bộ về thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và của các tổ chức đảng; xây dựng phương hướng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy trong từng thời gian; xây dựng quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát; giải quyết tố cáo, khiếu nại, xử lý kỷ luật.
- Tham mưu cho cấp ủy về nội dung, đối tượng, phương pháp, kiểm tra, giám sát; thời gian, thời điểm tiến hành kiểm tra; phân công nhiệm vụ cho các ban của cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tổ chức lực lượng kiểm tra; giải quyết các kiến nghị của các tổ chức đảng cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát và việc thi hành kỷ luật đảng.
- Hướng dẫn tổ chức đảng cấp dưới, các ban của cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc và chỉ đạo, hướng dẫn ủy ban kiểm tra cấp dưới về nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát.
- Tham gia các cuộc kiểm tra do cấp ủy chủ trì. Khi có yêu cầu, tham gia các cuộc kiểm tra do các ban của cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn chủ trì. Qua kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện có trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý thì xem xét, quyết định hoặc đề nghị cấp ủy xem xét, quyết định xử lý kỷ luật.
- Cùng với văn phòng và các ban hữu quan của cấp ủy giúp cấp ủy kết luận các cuộc kiểm tra và sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận của cấp ủy sau các cuộc kiểm tra; quản lý hồ sơ các cuộc kiểm tra của cấp ủy./.