GS.TS Trần Ngọc Đường. (Ảnh: Kim Thanh)
Quốc hội hoàn thành chương trình lập pháp rất lớn GS.TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh, trong 10 năm qua, cả số lượng và chất lượng của các dự án luật được ban hành đã có sự tiến bộ. Về số lượng, ông khẳng định “chưa có thời kỳ nào mà số lượng các dự án Luật được Quốc hội ban hành nhiều như trong thời kỳ đổi mới, nhất là trong 10 năm trở lại đây”. Kết thúc mỗi nhiệm kỳ, các khóa Quốc hội đều hoàn thành một chương trình lập pháp vô cùng lớn. Sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành số lượng Luật, Pháp lệnh gấp 8 lần so với 41 năm trước (từ 2-9-1945 đến 30-2-1986, nước ta ban hành 63 Luật, Pháp lệnh; từ ngày 1-1-1987 đến ngày 30-12-2013, nước ta đã ban hành được 483 Luật, Pháp lệnh).
Chỉ riêng từ tháng 5-2005 đến tháng 6-2015, Quốc hội đã thông qua 238 Luật và Pháp lệnh (30 Pháp lệnh, 208 Luật); trong đó, gồm 40 văn bản thuộc lĩnh vực tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị và pháp luật về quyền con người, quyền công dân; 66 văn bản trong lĩnh vực kinh tế; 74 văn bản trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, thể thao, du lịch, dân tộc tôn giáo, dân số gia đình…; 42 văn bản trong lĩnh vực pháp luật về an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đảm bảo cơ sở hiến định cho việc đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Trong số các dự án Luật đã được thông qua, có nhiều luật rất mới lần đầu tiên được ban hành ở nước ta như: Trong lĩnh vực kinh tế có Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, Luật Quản lý nợ công; trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước có Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, Luật Công chức, viên chức; trong lĩnh vực xã hội có Luật Bình đẳng giới; trong lĩnh vực khoa học công nghệ có Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Công nghệ cao, Luật Đa dạng sinh học...
GS.TS Trần Ngọc Đường cũng đánh giá nội dung của các dự án luật được thông qua khá phong phú, điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Nội dung của các dự án luật được Quốc hội các khóa XII, XIII ban hành đều là “những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, phản ánh đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, phù hợp với thực tiễn của đất nước và tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ của nhân loại.
Hai điểm mới trong hoạt động lập pháp
Từ kết quả hoạt động lập pháp của Quốc hội các khóa XII, XIII, GS.TS Trần Ngọc Đường đã chỉ ra 2 điểm mới cơ bản.
Điểm mới đầu tiên được ông nhắc đến là hoạt động lập pháp đã bao quát hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị; về bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân; về thể chế, kinh tế thị trường định hướng XHCN đến xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình và về quốc phòng, an ninh...
Điểm mới thứ hai được GS.TS Trần Ngọc Đường chỉ ra là các dự án luật sửa đổi, bổ sung chiếm tỷ lệ lớn. Điểm mới này cho thấy, với nỗ lực của các khóa Quốc hội trước đây, nhất là Quốc hội khóa XI đã ban hành một khối lượng luật rất lớn, trên hầu hết các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội đã có các đạo luật cơ bản điều chỉnh. Song song với việc ban hành các đạo luật mới, Quốc hội khóa XII, XIII đảm đương nhiệm vụ bổ sung và hoàn thiện các đạo luật do Quốc hội các khoá trước đó ban hành để kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội thời gian tới rất nặng nề. Vì vậy, ông kiến nghị cần tiếp tục đổi mới tư duy, nắm vững tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013, nâng cao năng lực lập pháp của các cơ quan có thẩm quyền; gắn kết chặt chẽ nhiều hơn nữa việc thực hiện chức năng lập pháp với việc thực hiện chức năng giám sát trong thẩm tra các dự án luật; tiếp tục đổi mới quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật...
Kim Thanh