Việt Nam tích cực ngăn chặn và chống phân biệt chủng tộc

Thứ sáu, 01/12/2023 00:15
(ĐCSVN) - Báo cáo quốc gia lần thứ 5 của Việt Nam về thực hiện Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) nhấn mạnh: Việt Nam đã đạt được các tiến bộ quan trọng trong thúc đẩy quyền cho người dân tộc thiểu số, đặc biệt là quyền tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Trong hai ngày 29, 30/11, Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp thứ 111 của Ủy ban Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) tại Geneve (Thuỵ Sĩ) đã bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia định kỳ lần thứ 15 - 17 tính từ năm 2013 đến năm 2019 theo hướng dẫn của Ủy ban Công ước CERD. Riêng với Việt Nam, đây là lần thứ 5 thực hiện Báo cáo quốc gia.

Đoàn Việt Nam gồm 22 thành viên đến từ các bộ, ngành do đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Trưởng đoàn có trách nhiệm thúc đẩy một cuộc đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng với Ủy ban Công ước CERD, hướng tới mục tiêu đóng góp vào việc ngăn chặn và chống lại sự phân biệt chủng tộc.

Đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại khóa họp lần thứ 111 của Ủy ban Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD). (Ảnh chụp màn hình/Nguồn: webtv.un.org)

Phát biểu tại Kỳ họp, đồng chí Y Thông nhấn mạnh, ở Việt Nam, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng giữa tất cả các thành viên trong cộng đồng là cốt lõi của Hiến pháp Việt Nam và cũng được thực hiện thông qua các cải cách lập pháp có liên quan.

Nguyên tắc trên được quán triệt trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam. Bình đẳng giữa các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản của chính sách đảm bảo quyền cho các dân tộc thiểu số (DTTS). Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.

Do phần lớn các DTTS Việt Nam cư trú ở các vùng miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nên đồng thời với việc xác định quyền bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước Việt Nam còn khẳng định ưu tiên hỗ trợ và tăng cường đoàn kết giúp đỡ, tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực vươn lên hội nhập với sự phát triển chung, được thể hiện tại Điều 5 Khoản 4 của Hiến pháp “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Đây là nguyên tắc và là biểu hiện đặc trưng cơ bản trong chính sách dân tộc của Việt Nam và phù hợp với Khoản 4 Điều 1 Công ước CERD.

Các nguyên tắc và quy định về bình đẳng giữa các dân tộc được thể chế hóa trong pháp luật. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về cấm phân biệt đối xử tại Hiến pháp năm 2013 (Điều 16, 26, 35) và nhiều văn bản pháp luật.

Bình đẳng giữa các dân tộc là nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa hàng đầu của chính sách về quyền của các DTTS. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều ngang nhau về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.

Đồng chí Y Thông thông tin, từ năm 2013 đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ, đáp ứng về cơ bản quyền con người, trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào DTTS. Trong 10 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 125 luật, trong đó có 352 điều khoản luật trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các DTTS.

Việt Nam khẳng định lập trường kiên quyết phản đối và chống chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc, chủng tộc. Những hành vi phân biệt chủng tộc hoặc hỗ trợ các hoạt động gây chia rẽ, kỳ thị và phân biệt chủng tộc đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị nghiêm khắc.

Trưởng đoàn Việt Nam nêu rõ, trong giai đoạn báo cáo quốc gia (2013-2019), các quyền dân sự chính trị của người DTTS được đảm bảo và thúc đẩy. Việt Nam đã đạt được các tiến bộ quan trọng trong thúc đẩy quyền cho người DTTS, đặc biệt là quyền tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Người DTTS được tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo những quy định cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là trong thực hiện “quy chế dân chủ”. Nhiều nội dung, quy định luật, văn bản chính sách đều quy định rõ việc tham gia của người dân, bao gồm người DTTS vào hoạt động quản lý kinh tế - xã hội ở cơ sở, trên nguyên tắc “dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra - dân giám sát - dân thụ hưởng”.

Người DTTS Việt Nam được tạo điều kiện đảm bảo bình đẳng các quyền con người của mình như quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình, quyền được bảo vệ bởi cơ quan tài phán độc lập, quyền có quốc tịch, quyền tự do đi lại trong lãnh thổ quốc gia, quyền xuất, nhập cảnh, quyền tự do ngôn luận báo chí, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo,… Các quyền dân sự chính trị này của người DTTS được Nhà nước bảo đảm bình đẳng như mọi công dân của nước CHXHCN Việt Nam.

Hiện nay, người DTTS được hưởng các chính sách ưu đãi về giáo dục, y tế, đào tạo nghề,việc làm, đất đai, nhà ở, tín dụng, hỗ trợ sản xuất... Ngoài ra, còn được hưởng các dự án đầu tư trực tiếp như xây dựng điểm tái định cư tập trung do Nhà nước đầu tư toàn bộ hạ tầng và đảm bảo được các quyền đối xử bình đẳng trước Tòa án, quyền an ninh cá nhân, chính trị về bầu cử, ứng cử, quốc tịch, tự do đi lại, cư trú, kết hôn và lập gia đình, sở hữu tài sản, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở cả bình diện quốc tế và quốc gia.

Nhằm thực thi tốt hơn nữa với vai trò là thành viên Công ước, Việt Nam cam kết thúc đẩy tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về Công ước trong cả nước nói chung và đặc biệt vùng DTTS&MN nói riêng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong thực thi pháp luật, đặc biệt là vai trò giám sát của người dân, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội. Bên cạnh đó, Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế về thực thi Công ước để chia sẻ các kinh nghiệm và các bài học quốc tế trong việc đảm bảo quyền cho người DTTS và người nước ngoài tại Việt Nam, chống mọi hình thức phân biệt đối xử.

Tại kỳ họp này, Ủy ban CERD đối thoại với 6 quốc gia, gồm: Bolivia, Bulgari, Đức, Morroco, Nam Phi và Việt Nam. Việc đối thoại giúp cho Ủy ban hiểu rõ hơn về tình hình thực hiện trách nhiệm quyền con người của các nước thành viên CERD, từ đó có thêm thông tin, cơ sở để đưa ra khuyến nghị kết luận của Ủy ban. Đây cũng là cơ hội để các nước thành viên nhận được tư vấn chuyên môn của các chuyên gia./.

Trần Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực