Ảnh minh họa. (nguồn: vtc.vn)
Ngày 3/1/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01, trong đó có nội dung yêu cầu các Bộ, cơ quan và địa phương phải cắt giảm tối đa việc đi công tác nước ngoài từ ngân sách Nhà nước.
Tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 29/12/2015, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, năm 2015 các Bộ, ngành, địa phương đi công tác, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài là 2.105 đoàn, giảm 10% so với năm 2014. Có 35 tỉnh, thành phố giảm, còn lại trên 20 tỉnh, thành phố tăng số lượng đoàn đi.
Giảm 10% số đoàn đi công tác nước ngoài, dù không phải là con số lớn, nhưng đã góp phần tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước số tiền không nhỏ. Theo tính toán, một đoàn đi nước ngoài khoảng 10 thành viên, thì số tiền phải thanh toán (vé máy bay, tiền khách sạn..) khoảng trên dưới một tỷ đồng.
Nhìn vào con số 10%, những đơn vị có nhiều đoàn đi công tác năm 2015 cần phải “soi” lại mình, bởi mỗi đơn vị biết tiết kiệm chỉ 1- 2% thôi, thì số tiền tiết kiệm được là không nhỏ.
Dù là Bộ có nhiều đầu mối hợp tác quốc tế, nhưng dư luận không khỏi “giật mình” khi báo chí công bố: Năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường có tới 170 đoàn đi công tác nước ngoài, 800 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm trong nước...
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định “không phải tất cả các đoàn đi công tác đều lấy tiền từ ngân sách”, nhưng vấn đề đáng bàn là sau những chuyến “xuất ngoại”, có bao nhiêu công trình khoa học, bao nhiêu đề tài, “kinh nghiệm quốc tế” được ứng dụng viết ra và công khai trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, để nhân dân kiểm tra, giám sát, thậm chí là “học tập” theo?
Đi công tác, học tập kinh nghiệm nước ngoài không giống như đi du lịch, nên việc chọn những “công bộc” có trình độ thực sự, thành thạo ngoại ngữ, sẽ thực sự hiệu quả và không lãng phí cho ngân sách.
Đề cập đến vấn đề này, hẳn dư luận chưa quên việc báo chí vừa phản ánh chuyện khó tin, tỉnh Bình Phước cử cán bộ sắp nghỉ hưu đi “học tập kinh nghiệm” làm xổ số ở Canada, còn tỉnh Tiền Giang thì cử cán bộ sắp nghỉ hưu “học tập kinh nghiệm” về xây dựng các công trình chống nước biển dâng, chống ngập tại Hà Lan và Nga. Sau khi báo chí phản ánh, tỉnh Tiền Giang đã hủy chuyến đi “học tập kinh nghiệm” nước ngoài, còn một số cán bộ sắp về hưu ở Bình Phước đều rút khỏi chuyến đi.
Dù cán bộ sắp nghỉ hưu đi “học tập kinh nghiệm” ở nước ngoài bằng tiền của doanh nghiệp hay nguồn tiền nào đi chăng nữa, thì xem ra cũng rất hình thức, nếu không muốn nói đó là những chuyến đi du lịch nặng về tính chất “trả nghĩa” nhiều hơn...“học tập kinh nghiệm”?
Hội nhập quốc tế, không thể “nói không” với những chuyến đi công tác, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. Tuy nhiên, trừ những chuyến đi ngoại giao song phương và đa phương, thì các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương khi cử cán bộ đi công tác, học tập kinh nghiệp nước ngoài phải có mục đích, nội dung, kế hoạch rõ ràng, tránh trùng lắp với các đoàn đi trước; thành phần đoàn đi công tác nước ngoài là những người thật sự cần thiết cho công việc, thời gian đi hợp lý, tiết kiệm, không hình thức...
Thế giới phẳng, không phải cứ “xuất ngoại” nhiều là biết tất cả, hơn tất cả, nếu nội lực không mạnh, không thực chất!
Đăng Dương