Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến

Thứ hai, 07/10/2019 08:30
(ĐCSVN) - Ngày 12-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến, vạch rõ những nét cơ bản về đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài của nhân dân ta.

Bản Chỉ thị gồm năm phần cơ bản:

1- Cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta.

2- Chương trình kháng chiến.

3- Cơ quan chỉ đạo kháng chiến.

4- Những điều răn trong khi kháng chiến.

5- Khẩu hiệu tuyên truyền trong thời kỳ kháng chiến.

Bản Chỉ thị vạch rõ mục đích cuộc kháng chiến là đánh thực dân Pháp xâm lược, giành thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Tính chất cuộc kháng chiến là lâu dài và toàn diện. Chính sách của kháng chiến là liên hiệp với nhân dân Pháp, chống thực dân Pháp xâm lược; đoàn kết với Campuchia và Lào; thân thiện với các dân tộc yêu chuộng tự do hoà bình trên thế giới; đoàn kết chặt chẽ toàn dân, thực hiện toàn dân kháng chiến, bảo vệ dân và được lòng dân; phải tự cấp tự túc về mọi mặt. Cách đánh là triệt để dùng du kích, vận động chiến; bảo toàn thực lực kháng chiến lâu dài; phá hoại nhiều hơn bắn, triệt để làm cho địch tiêu hao, mệt mỏi, chán nản; vừa đánh vừa vũ trang thêm, đào tạo thêm cán bộ. Kháng chiến chia ba giai đoạn: phòng ngự, cầm cự, phản công.

Chương trình kháng chiến có 12 điểm cụ thể, trong đó có: đoàn kết toàn dân; quân, chính, dân nhất trí; động viên sức người, sức của và tài chính, thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài; đánh Pháp, tiễu phỉ, trừ gian; giành quyền độc lập, bảo toàn lãnh thổ, thống nhất đất nước; củng cố chế độ cộng hoà dân chủ, tăng gia sản xuất, thực hiện kinh tế tự túc và một số nội dung khác.

Chỉ thị còn nêu nhiều điểm cụ thể về cơ quan lãnh đạo kháng chiến: đoàn thể (Đảng), Chính phủ, Mặt trận dân tộc thống nhất; những điều răn dân và quân ta khi kháng chiến; những khẩu hiệu tuyên truyền trong kháng chiến.

Chỉ thị Toàn dân kháng chiến là một trong những văn kiện mang tính chất cương lĩnh của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.139-141, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực