Cần kiệm liêm chính

Thứ hai, 25/11/2019 16:44
(ĐCSVN) - Với những kẻ “bất liêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Xin trận trọng giới thiệu trích đoạn tác phẩm Cần kiệm liêm chính của Bác.

CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH

 

Vì sao Hồ Chủ tịch đề ra khẩu hiệu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính?

Vì Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới , nền tảng của Thi đua ái quốc .

Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa, thì không thành trời.

Thiếu một phương, thì không thành đất.

Thiếu một đức thì không thành người.

Từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nền Dân chủ Cộng hoà, cho đến mấy năm kháng chiến, dân ta nhờ Cần, Kiệm, Liêm, Chính, mà đánh thắng được giặc lụt, giặc dốt, giặc thực dân và giặc đói.

Tuy vậy, đồng bào ta có người đã hiểu rõ, có người chưa hiểu rõ. Có người thực hành nhiều, có người thực hành ít. Cho nên cần phải giải thích rõ ràng, để cho mọi người hiểu rõ, mọi người đều thực hành.

...

LIÊM

Liêm là trong sạch, không tham lam.

Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là LIÊM, chữ liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp.

Cũng như ngày xưa trung là trung với vua. Hiếu là hiếu với cha mẹ mình thôi.

Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hoà, chữ LIÊM có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải LIÊM. Cũng như trunglà trung với Tổ quốc, hiếu là hiếu với nhân dân; ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết thương cha mẹ.

Chữ LIÊM phải đi đôi với chữ KIỆM. Cũng như chữ KIỆM phải đi đôi với chữ CẦN.

Có KIỆM mới LIÊM được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam .

Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM.

Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư.

Người buôn bán, mua 1 bán 10, hoặc mua gian bán lậu chợ đen chợ đỏ, tích trữ đầu cơ.

Người có tiền, cho vay cắt cổ, bóp hầu bóp họng đồng bào.

Người cày ruộng, không ra công đào mương mà lấy cắp nước ruộng của láng giềng.

Người làm nghề (bất cứ nghề gì) nhân lúc khó khăn mà bắt chẹt đồng bào.

Người cờ bạc, chỉ mong xoay của người làm của mình. Đều là tham lam, đều là BẤT LIÊM.

Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm).

Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm, là tham vật uý lạo.

Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh uý tử.

Đều làm trái với chữ LIÊM.

Do BẤT LIÊM mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp.

Cụ Khổng Tử nói: "Người mà không Liêm, không bằng súc vật".

Cụ Mạnh Tử nói: "Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy". Để thực hiện chữ Liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên trên.

Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư".

Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân.

"Quan tham vì dân dại". Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì "quan" dù không liêm cũng phải hoá ra LIÊM.

Vì vậy dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM.

Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì.

Mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân.

Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân.

Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ.

Dân tộc ta đang kháng chiến và kiến quốc, đang xây dựng một Đời sống mới trong nước Việt Nam mới. Chẳng những chúng ta phải cần kiệm, chúng ta còn phải thực hành chữ LIÊM.

....

Theo Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, tập 6, tr. 126-128.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực