(…)
Phần thứ hai
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, MỤC TIÊU CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 1996 - 2000
I - Nhiệm vụ và mục tiêu phát triển
1. Nhiệm vụ tổng quát.
Giai đoạn từ nay đến năm 2000 là bước rất quan trọng của thời kỳ phát triển mới - đảy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Nhiệm vụ của nhân dân ta là tập trung mọi lực lượng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu được đề ra trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2000: tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững đi đôi với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải thiện đời sống của nhân dân, nâng cao tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn vào đầu thế kỷ sau.
Nhiệm vụ tổng quát nêu trên đòi hỏi việc xây dựng và thực hiện kế hoạch 5 năm 1996 - 2000 phải thấu suốt tư tưởng chỉ đạo dưới đây:
- Thực hiện đồng thời ba mục tiêu về kinh tế: tăng trưởng cao, bền vững và có hiệu quả; ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô; chuẩn bị các tiền đề cho bước phát triển cao hơn sau năm 2000, chủ yếu là phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, hoàn thiện thể chế.
- Tiếp tục thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy mọi nguồn lực để phát triển lực lượng sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đổi mới căn bản tổ chức và quản lý, nâng cao hiẹu quả khu vực kinh tế Nhà nước để phát huy vai trò chủ đạo. Đổi mới và phát triển đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác từ thấp đến cao, triển khai thực hiện Luật hợp tác xã. Mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết giữa kinh tế Nhà nước với kinh tế tư nhân trong và ngoài nước. Phát huy khả năng của kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân. Xác lập, củng cố và nâng cao địa vị làm chủ của người lao động trong nền sản xuất xã hội, thực hiện công bằng xã hội ngày một tốt hơn.
- Kết hợp hài hoà tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội - văn hoá, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nhằm tạo được chuyển biến rõ nét về thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội.
- Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực vừa phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, vừa phục vụ quốc phòng, an ninh.
- Kết hợp phát triển các vùng kinh tế trọng điểm với các vùng khác, tạo điều kiện cho các vùng đều phát triển, phát huy được lợi thế của các vùng, tránh chênh lệch quá xa về nhịp độ tăng trưởng giữa các vùng.
2. Nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu
Tập trung sức cho mục tiêu phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 9 - 10%; đến năm 2000, GDP bình quân đầu người gấp đôi năm 1990 (trong chỉ đạo thực hiện phấn đấu đạt cao hơn).
Phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản và đổi mới cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân hàng năm 4,5 - 5%.
Phát triển các ngành công nghiệp, chú trọng trước hết công nghiệp chế biến, công nghiệp hàng tiêu dùng và hang xuất khẩu; xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng về dầu khí, than, xi măng, cơ khí, điện tử, thép, phân bón, hoá chất, một số cơ sở công nghiệp quốc phòng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm 14 - 15%.
Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới có trọng điểm kết cấu hạ tầng, trước hết ở những khâu ách tắc và yếu kém nhất đang cản trở sự phát triển.
Phát triển các ngành dịch vụ, tập trung vào các lĩnh vực vận tải, thông tin liên lạc, thương mại, du lịch, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ, pháp lý... Tốc độ tăng giá trị dịch vụ bình quân hàng năm 12 -13%.
Tăng nhanh đầu tư phát triển toàn xã hội. Chú trọng tăng cả tích luỹ và đầu tư trong nước thông qua ngân sách, cũng như của doanh nghiệp và nhân dân. Giải quyết tốt quan hệ tích luỹ - tiêu dùng theo hướng cần kiệm để công nghiệp hoá, hiện đại hoá, không tiêu dùng quá khả năng nền kinh tế cho phép; tăng năng xuất và hiệu quả để vừa cải thiện được đời sống, vừa có tích luỹ ngày càng nhiều cho đầu tư phát triển. Chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước, đồng thời thu hút mạnh các nguồn vốn bên ngoài để đưa tỉ lệ đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2000 lên khoảng 30% GDP.
Khai thác thế mạnh của cả nước, của mỗi vùng, mỗi ngành tạo ra sự phát triển hài hoà giữa các vùng lãnh thổ. Tập trung thích đáng nguồn lực cho các lĩnh vực, các địa bàn trọng điểm có điều kiện sớm đưa lại hiệu quả cao. Đồng thời dành nguồn vốn để giải quyết những nhu cầu bức xúc của các vung khác, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng và hỗ trợ vốn tín dụng, tạo điều kiện để các vùng còn kém phát triển, các vùng nông thôn, miền núi có thể phát triển nhanh hơn, khắc phục dần tình trạng chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng.
Đến năm 2000 tỉ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 34 - 35% trong GDP; nông, lâm , ngư nghiệp chiếm khoảng 19 - 20%; dịch vụ chiếm khoảng 45-46%.
Tăng nhanh khă năng và tiềm lực tài chính của đất nước, lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia. Huy động 20 - 21% GDP vào ngân sách thông qua thuế và phí; kiềm chế bội chi ngân sách không quá 4,5% GDP; thực hiện cam kết trả nợ. Tiếp tục thực hiên mục tiêu kiềm chế và kiểm soát lạm phát, loại trừ các nguy cơ tái lạm phát cao, giữ chỉ số giá tiêu dùng dưới 10%/ năm. Cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Phát triển thị trường tiền tệ và thị trường vốn, hình thành từng bước thị trường chứng khoán. Tăng khả năng chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, thu hẹp việc sử dụng ngoại tệ ở trong nước; ổn định tỉ giá hối đoái phù hợp với sức mua thực tế của đồng tiền.
Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tăng khả năng xuất khẩu các mặt hàng đã qua chế biến sâu; tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm khoảng 28% (chưa kể phần xuất khẩu tại chỗ), nâng mức xuất khẩu bình quân đầu người năm 2000 lên 200 USD; phát triển mạnh du lịch và các dịch vụ thu ngoại tệ. Kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân hàng năm khoảng 24%.
Tăng khả năng tiếp nhận vốn đầu tư và công nghệ từ bên ngoài.
Giải quyết tốt một số vấn đề xã hội
Thanh toán nạn mù chữ và hoàn thành cơ bản phổ cập tiểu học trong cả nước, phổ cập trung học cơ sở (lớp 9) ở thành phố lớn và những nơi có điều kịên. Số lao động qua đào tạo chiếm khoảng 22 - 25% tổng số lao động. Chuyển mạnh về chất lượng giáo dục, đào tạo. Phát triển và nâng cao năng lực, hiệu quả nghiên cứu, triển khai khoa học và công nghệ. Phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thông tin, y tế, thể dục thể thao, mở rộng tới các vùng sâu và vùng xa.
Giảm nhịp độ phát triển dân số vào năm 2000 xuống dưới 1,8%. Xoá nạn đói Đến năm 2000 tỉ lệ người thu nhập quá thấp giảm xuống một nửa so với hiện nay, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 30%. Dân cư thành thị và 80% dân số ở nông thôn được cung cấp nước sạch. Tăng tuổi thọ bình quân lên khoảng 70 tuổi.
Giải quyết việc làm cho 6,5 - 7 triệu người, giảm tỉ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 5% và tăng thời gian lao động được sử dụng ở nông thôn trên 75%. Điều chỉnh tiền lương và giải quyết những bất hợp lý trong chính sách tiền lương. Từng bước hình thành quỹ bảo trợ thất nghiệp ở thành thị. Bảo đảm mức sống của người về hưu và các gia đình có công với nước.
Hoàn thành căn bản định canh đinh cư và ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc ít người.
Ngăn chặn và giảm ô nhiễm môi trường ở thành phố, khu công nghiệp.
Đẩy lùi tham nhũng, các tệ nạn xã hội, loại trừ văn hoá độc hại.
Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững mạnh, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.
Tích cực chuẩn bị và tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn sau năm 2000, chủ yếu là phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, xây dựng kết cấu hạ tầng và một số công trình công nghiệp then chốt, hình thành đồng bộ cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
(…)