Bài 1: Thống nhất nhận thức về vai trò của thiết chế văn hoá cơ sở

LOẠT BÀI: GỠ KHÓ TRONG XÂY DỰNG THIẾT CHẾ VĂN HOÁ THÔN, BẢN VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
Thứ bảy, 01/06/2024 08:30
(ĐCSVN) - Thiết chế văn hoá là chỉnh thể văn hoá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển nền văn hoá dân tộc. Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay, Đảng ta đã có nhiều chủ trương phát triển thiết chế văn hóa cơ sở. Trong khuôn khổ loạt bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến các vấn đề liên quan đến thiết chế nhà văn hoá thôn, bản trong sự phát triển bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch hiện đang trực tiếp quản lý hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao, gồm: Nhà văn hoá - Khu thể thao thôn (cấp thôn); Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã, phường, thị trấn (cấp xã); Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện); Trung tâm Văn hoá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh).

Vai trò quan trọng của thiết chế văn hóa 

Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hoá, thể thao” do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức (tháng 5/2024), GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: “Thiết chế văn hoá, thể thao có một vị trí đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển nền văn hoá dân tộc. Đây là nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo, phổ biến, thực hành và hưởng thụ các giá trị văn hoá; nơi rèn luyện, nâng cao năng lực thẩm mỹ và thể lực của các tầng lớp nhân dân, giúp con người Việt Nam khoẻ về thể chất, đẹp về tinh thần, phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Đồng thời đây cũng là địa chỉ quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp và lan toả các giá trị văn hoá mới của thời đại, của dân tộc”.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - ảnh: BCT hội thảo

Bàn thêm về vấn đề này, TS. Hoàng Thị Bình - Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, thiết chế văn hoá ở cơ sở (xã/phường, thôn/bản) còn có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Thiết chế văn hoá cơ sở có chức năng giáo dục văn hoá ngoài nhà trường, nâng cao dân trí, góp phần phát triển dân sinh, dân chủ ở cơ sở; là yếu tố gắn kết cộng đồng, điều chỉnh các mối quan hệ ở địa bàn dân cư. Đây là kênh thông tin tuyên truyền sinh động bằng các hình thức đa dạng và phong phú, rất hợp với quần chúng.

Theo TS. Hoàng Thị Bình, bất kỳ thời đại nào, chế độ xã hội nào cũng cần có các thiết chế văn hoá của mình để chuyển tải văn hoá chính thống của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, đồng thời để tổ chức các hoạt động văn hoá phù hợp với yêu cầu chuẩn mực, đạo đức, lối sống, tập quán của thời đại và của cộng đồng.

Các nhà nghiên cứu dù dưới nhiều góc độ khác nhau song đều có chung nhận định: Thiết chế văn hoá đóng vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành công trong xây dựng và phát triển văn hoá, con người; phản ánh diện mạo văn hoá của cộng đồng, quốc gia, chất lượng cuộc sống, nhu cầu hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần của nhân dân, cũng như tài nghệ sáng tạo của chủ thể văn hoá. Hệ thống thiết chế văn hoá giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội; trở thành một trong những tiêu chí có ý nghĩa thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có đến được với đại đa số quần chúng nhân dân hay không, một phần quan trọng là nhờ ở hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở (Ban Tuyên giáo Trung ương, 2024).

Nhóm các nhà khoa học TS. Vũ Thị Thu Hằng, ThS. Nguyễn Thị Vân Anh - Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam còn cho rằng: Đây là nơi để nhân dân “tăng thêm sức đề kháng” đối với những luận điệu sai trái, chống phá cách mạng, chống phá Đảng và Nhà nước… trong tình hình nước ta vẫn phải cảnh giác, đấu tranh với âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Thêm nữa, thiết chế văn hoá còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội công bằng, đa dạng và phát triển; thúc đẩy sự hiểu biết, tôn trọng và tương tác giữa các nhóm dân tộc, giai cấp và tầng lớp khác nhau… Đóng góp vào việc xây dựng một nền văn hoá đổi mới và sáng tạo, khuyến khích sự thay đổi và tiến bộ trong xã hội. Trên tất cả, thiết chế văn hoá là yếu tố quan trọng để tạo ra một môi trường sống giàu có về mặt văn hoá, giải trí cho mọi người, góp phần vào sự phát triển cá nhân, sự hài lòng và trải nghiệm cuộc sống của mỗi người, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của xã hội.

 Hội thảo “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hoá, thể thao” do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức (tháng 5/2024) - ảnh: BTC Hội thảo

Vậy thiết chế văn hoá là gì? Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Thiết chế văn hoá là chỉnh thể văn hoá hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí”[1].

GS.TS Nguyễn Chí Bền - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phân loại thiết chế văn hoá gồm: thiết chế văn hoá cổ truyền và thiết chế văn hoá đương đại. Thiết chế văn hoá đương đại là nhà văn hoá, khu thể thao từ thôn, bản đến cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Còn thiết chế văn hoá cổ truyền là đình, chùa, đền, phủ ở làng xã; nhà rộng, nhà gươl ở buôn, bon, plei…

Phát triển thiết chế văn hóa cơ sở luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm

Phát triển thiết chế văn hoá là một nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và có nhiều chủ trương về lĩnh vực này.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI - Đại hội đánh dấu sự đổi mới toàn diện về tư duy, Đảng ta đã xác định: “Xây dựng và sử dụng các hệ thống thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hoá, viện bảo tàng, nhà truyền thống từ Trung ương đến cơ sở, ở các ngành, các địa phương”[2]. Hệ thống thiết chế văn hoá, thông tin này có nhiệm vụ: “đưa đến tận cơ sở những giá trị văn hoá, nghệ thuật của dân tộc và thế giới, những kiến thức phổ thông và hiện đại về khoa học, kỹ thuật”[3].

Năm 1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng nhìn nhận việc xây dựng và phát triển thiết chế văn hoá, thể thao không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu văn hoá, thể thao của người dân, góp phần phát triển văn hoá mà còn góp phần phát triển kinh tế. Từ sự đổi mới tư duy ở một tầm cao mới, Đảng ta nêu quan điểm: “Tăng cường đầu tư cải tạo và xây dựng hệ thống các cơ sở văn hoá thông tin từ Trung ương đến địa phương, được quy hoạch lại theo hướng hoạt động đa năng, gắn hoạt động văn hoá với du lịch, thể thao và vui chơi giải trí”[4].

Tháng 6/1998, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được ban hành, trong đó, Đảng đề ra biện pháp: “Phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hoá ở cơ sở”… “phát triển phong trào quần chúng hoạt động văn hoá, nghệ thuật”[5].

Lần lượt các kỳ Đại hội sau, các văn kiện của Đảng đều đề cập đến nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá; đồng thời đề ra các giải pháp xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế, phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hoá do khu vực tư nhân đầu tư, đặt biệt ở những vùng còn khó khăn.

Hội nghị Văn hoá toàn quốc được tổ chức tháng 11/2022 tại Thủ đô Hà Nội (ảnh TTXVN)

Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó có mục tiêu xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam. Nghị quyết tiếp tục nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá: “Đổi mới, hoàn thiện các thiết chế văn hoá từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu quả”[6].

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, thể chế các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã thông qua các Luật: Điện ảnh, Di sản văn hoá, Thư viện, Quản lý, sử dụng tài sản công; Đầu tư, Đất đai. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, nổi bật là “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030” và “Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030”. Đây là những định hướng trung và dài hạn, là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Chính phủ ban hành hơn 50 Nghị định, 14 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 100 thông tư, thông tư liên tịch liên quan trực tiếp đến đầu tư, xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao./.

------------------------

[1] Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, tr.328

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, NXb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.96

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, NXb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.97

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, NXb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.577

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, NXb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.59, 60

Phương Liên - Nghiêm Huệ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực