Bài 3: Thôn, bản - Không gian phát triển du lịch cộng đồng

LOẠT BÀI: GỠ KHÓ TRONG XÂY DỰNG THIẾT CHẾ VĂN HOÁ THÔN, BẢN VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
Thứ bảy, 01/06/2024 22:27
(ĐCSVN) - Điểm chung của các mô hình phát triển du lịch cộng đồng là đều gắn bó với một không gian thôn, bản, một cộng đồng dân tộc thiểu số cụ thể. Văn hóa dân tộc đang giúp đồng bào tạo ra sinh kế cho chính gia đình mình, cộng đồng dân tộc mình ngay tại thôn, bản mình.

Bài 1: Thống nhất nhận thức về vai trò của thiết chế văn hoá cơ sở

Bài 2: Không gian lưu truyền di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số

Tỉnh Điện Biên là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em. Một trong những nét đẹp văn hóa của các dân tộc được biểu hiện qua các lễ hội. Trước đây, các lễ hội ở Điện Biên có quy mô nhỏ, được tổ chức ở cấp thôn, bản, do chính người dân trực tiếp tổ chức, quản lý. Hiện nay, nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc đã được khôi phục và bảo tồn. Tiêu biểu như lễ cầu mưa của người Cống; lễ hội Klăng khùa, Zùsu của người Mông; lễ Xé pang ả của người Kháng; lễ cầu mưa của người Khơ Mú tại các xã Pa Thơm, Mường Phăng, Mường Mươn, huyện Điện Biên.

Theo PGS.TS. Phạm Lan Oanh (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) và TS. Đỗ Cẩm Thơ (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam): "Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng sẽ giúp Điện Biên chú trọng công tác bảo tồn văn hóa truyền thống".

 Show diễn thực cảnh "Huyền tích UVA" do các nghệ nhân dân gian, diễn viên quần chúng tại bản U Va (xã Noong Luống, huyện Điện Biên) biểu diễn đang trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Điện Biên (ảnh: AT)

20 năm trước, tỉnh Điện Biên đã lựa chọn 8 bản: Noong Bua, Co Mỵ, Ten, U Va, Pe Luông, Phiêng Lơi, Him Lam 2 và Mển để xây dựng thành mô hình bản văn hóa phục vụ khách du lịch. Mỗi bản được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, chọn các hộ gia đình có điều kiện phù hợp để xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng cho người dân tại các bản này. Các bản lập ra đội văn nghệ 15 - 20 người phụ trách hướng dẫn khách tham quan, phục vụ ẩm thực, biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống, bảo đảm an ninh cho du khách.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên đã có 12 bản văn hóa du lịch, nổi bật là bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh và bản Che Căn, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ; bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên; bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ. Trong đó, bản Nà Sự là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên ở huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ. Tại đây, du khách được khám phá, trải nghiệm thực tế sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con dân tộc Thái; trực tiếp tham gia chế biến món ăn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thưởng thức ẩm thực địa phương, nghỉ ngơi tại các hộ gia đình trong bản.

Tương tự, tại xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn có làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn của đồng bào dân tộc Tày. Họ sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống được lợp ngói âm dương mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Tất cả các ngôi nhà đều quay về hướng Tây Nam. Làng có cả đội văn nghệ đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày, chuyên biểu diễn hát Then - đàn Tính vào các buổi tối để phục vụ khách du lịch. Từ lâu, nơi đây đã là điểm đến yêu thích của du khách, trong đó có rất nhiều khách quốc tế đến từ Mỹ, Úc, Canada, Ucraina…

 Du khách quốc tế đang thưởng thức tiết mục văn nghệ đàn Tính, hát Then do đội văn nghệ dân tộc Tày ở làng văn hóa Quỳnh Sơn, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn biểu diễn (ảnh: TD)

Sau gần 40 năm đất nước đổi mới, ngày nay, chẳng mấy ai xa lạ với khái niệm du lịch cộng đồng. Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, loại hình này đã bắt đầu được xây dựng và phát triển tại vùng người Thái ở bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình. Đến năm 2000, người Tày ở bản Dền, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai bắt đầu triển khai mô hình này. Sau đó ít năm, mô hình được nhân rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều bản đã trở thành điểm đến quen thuộc của các hãng lữ hành và tuor du lịch vùng Tây Bắc, góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Theo nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian ứng dụng: “Các điểm du lịch cộng đồng ở Sa Pa (Lào Cai) có tốc độ xoá đói giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn bản không có du lịch”.

Còn tại bản Sin Suối Hồ, bản của người Mông - địa danh du lịch mới nổi của xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, ông Hảng A Xà, người có uy tín trong bản cho biết, sau hơn 10 năm phát triển du lịch cộng đồng, đến nay, trung bình mỗi năm bản đón trên 20 nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch. Doanh thu từ du lịch và buôn bán địa lan cho du khách hằng năm của bản trung bình đạt trên 3 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo trong bản còn 34%, bình quân mỗi năm giảm từ 5 - 6%. Cách làm và quan điểm của bản là phát triển du lịch nhưng không phá vỡ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mông.

Tháng 6/2015, bản Sin Suối Hồ được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh. Năm 2020, Sin Suối Hồ được Hiệp hội Du lịch Việt Nam công nhận là một trong 4 điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Việt Nam và đạt tiêu chuẩn OCOP 3* về du lịch. Trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN - ATF 2023 được tổ chức tại thành phố Yogyakarta, Indonesia, Sin Suối Hồ vinh dự được nhận Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN 2023. Cùng với Sin Suối Hồ, nhiều điểm du lịch cộng đồng khác của Lai Châu hiện thu hút rất đông du khách như: bản Vàng Pheo (huyện Phong Thổ); bản Thẳm, Sì Thâu Chải (huyện Tam Đường); bản San Thàng (thành phố Lai Châu).

Theo số liệu ước định của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nước ta có khoảng 300 làng du lịch cộng đồng, 5.000 homestay, sức chứa khoảng 100.000 khách. Hầu hết các làng du lịch, homestay ở vùng DTTS và miền núi. Vì vậy, nếu được phát triển đúng hướng và có sự quản lý tốt, nơi đây hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hàng đầu thế giới về phát triển du lịch cộng đồng. 

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia nhận xét: “Bên cạnh lợi ích kinh tế mang lại cho cộng đồng dân cư, du lịch cộng đồng đã góp phần hiệu quả bảo tồn, lưu giữ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của nước ta”[1].

Điểm chung của các mô hình phát triển du lịch cộng đồng là đều gắn bó với một không gian thôn, bản, một cộng đồng dân tộc thiểu số cụ thể. Điều đó cũng đồng nghĩa người dân ở thôn, bản chính là lực lượng trực tiếp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, biến bản sắc đó trở thành nét độc đáo, hấp dẫn du khách tìm đến với quê hương mình. Văn hóa dân tộc đang giúp đồng bào tạo ra sinh kế cho gia đình mình, cộng đồng dân tộc mình ngay tại không gian sống gần gũi nhất. Mô hình du lịch cộng đồng ở bản Nậm Hồng (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) do Triệu Mềnh Kinh, một thanh niên người dân tộc Dao làm chủ đang vận hành rất hiệu quả, là một ví dụ.

Rất nhiều du khách nước ngoài đã tìm đến mô hình du lịch cộng đồng do Triệu Mềnh Kinh (bản Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) làm chủ để được hòa mình với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (ảnh: HTX Nậm Hồng)

Trong quá trình phát triển đời sống tinh thần, họ cần một không gian chung để đáp ứng nhu cầu sáng tạo, sinh hoạt, thực hành và thụ hưởng văn hoá. Trong xu thế gắn bản sắc văn hoá với phát triển kinh tế, cụ thể hơn là mô hình phát triển du lịch cộng đồng, họ cần một không gian chung để trình diễn, “khoe” nét đẹp độc đáo của văn hóa dân tộc với du khách trong và ngoài nước. Cả hai quá trình phát triển đó đều cần đến một không gian chung thích hợp, đó chính là thiết chế nhà văn hoá thôn, bản. Điều này cũng lý giải vì sao tần suất khai thác, sử dụng nhà văn hoá thôn, bản lại thường xuyên nhất trong hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện xuống thôn.

Phát triển thiết chế nhà văn hóa thôn, bản càng trở nên cần thiết khi cả nhà quản lý và những người làm công tác văn hoá đều đang băn khoăn, trăn trở bởi tình trạng mai một, biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang diễn ra phổ biến ở các dân tộc thiểu số. Âm nhạc, vũ đạo, trang phục vốn được coi là bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Những điệu múa sạp, múa chiêng của đồng bào Mường, Thái; múa trống, múa xúc tép của dân tộc Cao Lan; múa chèo thuyền, múa hoa sen của đồng bào Khmer Nam bộ - những di sản văn hóa tinh thần đặc biệt của các dân tộc nhưng đang dần ít xuất hiện… Nếu không có không gian chung để truyền dạy, lưu giữ thì e rằng càng khó tìm được lời giải cho bài toán làm thế nào để biến di sản văn hóa dân tộc trở thành tài sản, mang lại nguồn sinh kế dựa trên tài nguyên nhân văn của đồng bào các dân tộc thiểu số./.

------------------------

[1] https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/828175/phat-trien-du-lich-gan-voi-bao-ton%2C-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa%2C-bao-ve-moi-truong%2C-thuc-day-su-phat-trien-ben-vung-trong-boi-canh-moi.aspx

------------------------

Mời đọc:

Bài 4: Xây dựng thiết chế văn hoá vùng dân tộc miền núi - Khó chồng khó

Bài cuối: Kỳ vọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá

Phương Liên - Ngọc Phóng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực