Bài 2: Không gian lưu truyền di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số

LOẠT BÀI: GỠ KHÓ TRONG XÂY DỰNG THIẾT CHẾ VĂN HOÁ THÔN, BẢN VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
Thứ bảy, 01/06/2024 14:00
(ĐCSVN) - Trong 4 thiết chế văn hóa, thể thao do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang quản lý, thì thiết chế nhà văn hóa thôn, bản sẽ là nơi thường xuyên, thậm chí hàng ngày diễn ra các hoạt động văn hóa của nhân dân. Đây cũng chính là không gian lưu truyền và phát huy những di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số.

Bài 1: Thống nhất nhận thức về vai trò của thiết chế văn hoá cơ sở

Trong tổ chức bộ máy hành chính ở nước ta thì thôn, bản không phải là một cấp hành chính. Tuy vậy, địa bàn này có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là nơi gần dân, sát dân nhất, là nơi tổ chức cho nhân dân thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tương tự như vậy, trong 4 thiết chế văn hóa, thể thao do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang quản lý, thiết chế nhà văn hóa thôn, bản sẽ là nơi thường xuyên, thậm chí hàng ngày diễn ra các hoạt động văn hóa của nhân dân sở tại, thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, tổ, nhóm đàn, hát dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ… của một nhóm người hoặc của cả cộng đồng thôn, bản.

 Nhà Văn hoá thôn Đồng Phú A (xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) được đầu tư khang trang trở thành một thiết chế văn hoá thiết yếu của địa phương (ảnh: PL)

Câu lạc bộ Nghệ thuật dân ca Thái ở Bản Cằng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An là một ví dụ. Với Nghệ nhân Ưu tú Lương Văn Nghiệp, những làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái đã ngấm vào huyết quản. Song cũng bởi nỗi lo văn hóa của dân tộc mình bị mai một, lãng quên vì “bọn trẻ bây giờ phần nhiều thích những dòng nhạc sôi động, không còn mặn mà với dân ca truyền thống” nên ông đứng lên thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nghệ thuật dân ca Thái bản Cằng.

Thành viên tham gia CLB gồm đủ thành phần, lứa tuổi, từ cán bộ xã, người cao tuổi, phụ nữ, cựu chiến binh đến thanh, thiếu niên… Dẫu khác nhau về tuổi tác, công việc… nhưng điểm chung ở họ là tình yêu văn hoá dân tộc, không muốn dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình bị thất truyền. Ông Nghiệp trực tiếp sưu tầm những điệu múa, bài hát, các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái và hàng ngày, dàn dựng, tập luyện cho các thành viên CLB ngay tại nhà văn hóa của bản.

Từ khi có câu lạc bộ, phong trào văn hóa văn nghệ ở bản Cằng phát triển mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào, đồng thời trở thành nòng cốt đoàn nghệ thuật quần chúng của xã Môn Sơn, của huyện Con Cuông tham gia các cuộc liên hoan, giao lưu, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh. Từ năm 2015, CLB Dân ca Thái bản Cằng đã được chọn là mô hình cấp tỉnh.

Nhà Văn hoá Bản Cằng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) được Nghệ nhân Ưu tú Lương Văn Nghiệp sử dụng làm lớp học truyền dạy những làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ truyền thống cho con cháu dân tộc Thái ở địa phương (ảnh: PL)

Môn Sơn là xã đặc biệt khó khăn, cách xa trung tâm huyện, tỉnh nên đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều thiếu thốn. Vì vậy, nếu phát huy được vai trò chủ động của đồng bào trong bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc và tự làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần như ở bản Cằng thì rất đáng khuyến khích nhân rộng. Trong trường hợp này, thiết chế nhà văn hóa thôn, bản chính là nơi kích thích, ươm mầm cho những ý tưởng, khát vọng sáng tạo; nơi trao truyền, quảng bá, lan tỏa những sản phẩm văn hóa; nơi người dân được trình diễn, sinh hoạt nghệ thuật dân gian. Thiết chế văn hóa đã trở thành nơi tập hợp, phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đồng bào thêm yêu và gắn bó với quê hương, bản làng.  

Đánh giá đúng và đánh giá cao vai trò của thiết chế văn hoá thôn bản, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đầu tư phát triển thiết chế văn hóa thôn, bản, tạo điều kiện để nhân dân tổ chức các hoạt động văn hóa ngay tại nơi sinh sống gần nhất.

Theo thông tin từ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đến nay, toàn quốc có 42 tỉnh, thành phố đã quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao, trong đó có thiết chế văn hoá thôn; đồng thời đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các thiết chế hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần của nhân dân.

Giai đoạn 2016 - 2020, đã hỗ trợ 75,24 tỷ đồng thực hiện Dự án Tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hoá. Thông qua nguồn kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ cho Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho 90 Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã và 163 nhà văn hoá - khu thể thao thôn với tổng kinh phí 9,7 tỷ đồng; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho người quản lý, tổ chức hoạt động tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã và nhà văn hoá - khu thể thao thôn trong các năm từ 2016 - 2022, với kinh phí 3,3 tỷ đồng; Hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho 31 nhà văn hoá - khu thể thao thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 6 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc 1,5 tỷ đồng.

Với vai trò tham mưu, quản lý nhà nước của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch và sự đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, đến hết tháng 3/2024, cả nước có 69.070/90.508 làng, bản, thôn, ấp có nhà văn hoá, đạt tỷ lệ 76,3%, trong đó có 44.836 nhà văn hoá đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 49,5%.

Riêng đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tính đến năm 2023, 76,7% thôn, bản có nhà văn hoá hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng. Kết quả này góp phần quan trọng vào nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vì trong 19 tiêu chí để công nhận nông thôn mới có tiêu chí nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt 100%.

 Nhà Văn hoá thôn A Sau (xã Lìa, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) hằng đêm đều được sử dụng làm lớp học xoá mù chữ cho đồng bào các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở nơi đây (ảnh: CTV)

Theo đánh giá của Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội về việc “Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nôn g thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV (tháng 11/2023 - PV), nhóm mục tiêu về Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Đó là tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt trung bình 92,8% (vượt so với mục tiêu kế hoạch 80% giao); Tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng đạt 56,1%, vượt so với mục tiêu kế hoạch 50% giao. Đã hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho 31 nhà văn hóa - khu thể thao thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 06 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, gồm: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và Sơn La. Kết quả này một mặt tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn; mặt khác càng cho thấy nhà văn hoá thôn, bản đã thực sự trở thành địa chỉ gần gũi, gắn bó nhất với đồng bào trong công cuộc bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc tốt đẹp của văn hoá dân tộc.

TS. Nguyễn Huy Phòng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bình luận: Hệ thống thiết chế văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được hoàn thiện, rõ nhất là hệ thống nhà văn hoá thôn, bản đã xuất hiện ở nhiều làng quê khó khăn, những xã vùng biên đã tạo diện mạo, không gian mới cho làng quê, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân.

Với những kết quả đó, thiết chế nhà văn hoá thôn, bản vừa là nơi thể hiện, vừa là tấm gương phản ánh chất lượng cuộc sống, năng lực sáng tạo của đồng bào và diện mạo, bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc thiểu số./.

-------------

Mời đọc:

Bài 3: Thôn, bản - Không gian phát triển du lịch cộng đồng

 Bài 4: Xây dựng thiết chế văn hoá vùng dân tộc miền núi - Khó chồng khó

Bài cuối: Kỳ vọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá

Phương Liên - Hồng Phúc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực