Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát công tác giáo dục và đào tạo tại Hậu Giang

Thứ năm, 25/05/2023 09:32
(ĐCSVN) - Ngày 24/5, Đoàn Khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn tiến hành khảo sát kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tại tỉnh Hậu Giang.
 Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu. (Ảnh: CM)

Tiếp đoàn có đồng chí Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Văn Chính, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đồng chí Lê Công Lý, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Buổi làm việc là cơ sở để tổ chức Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 49 ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII. Đồng thời đánh giá công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng và phát triển đảng trong các cơ sở giáo dục và đào tạo cũng như việc triển khai thực hiện chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại nước ta hiện nay.

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW trong toàn Đảng bộ, kết quả có 99,09% đảng viên học tập quán triệt. Trong đó, Ngành Giáo dục và đào tạo quán triệt đến 100% cán bộ, giáo viên, người lao động toàn ngành. Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh và các ngành tỉnh có liên quan đã ban hành trên 80 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về lĩnh vực giáo dục và đào tạo; 100% cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã đều ban hành văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Kết luận số 51-KL/TW. Các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo việc tuyên truyền Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kết luận số 51-KL/TW thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tôn giáo và trong các tầng lớp nhân dân… Qua đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân được nâng lên, xác định được vai trò, tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Dư luận xã hội đồng thuận cao với chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước, từ đó tích cực hưởng ứng cùng nhà trường chăm bồi cho con em mình trong quá trình học tập.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, năm 2015 đã đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và duy trì đến thời điểm hiện tại, 100% trẻ 5 tuổi được huy động đến trường. Có 8/8 huyện, thị, thành phố và 75/75 xã, phường, thị trấn được công nhận và duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi (năm 2013: 49/74 xã và 1/7 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non).

Việc chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non; phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương và cơ sở giáo dục được tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện. Kết quả, chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ nhà trẻ, mẫu giáo được quan tâm đầu tư, số trường thực hiện bán trú hiện có 83/83 trường, tăng 16 trường so với năm 2013. Chất lượng chăm sóc về thể chất của trẻ từng bước được nâng lên.

Chỉ tiêu về chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020 được tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện. Kết quả công tác phổ cập giáo dục các cấp đạt chỉ tiêu, so với năm 2011 đều được giữ vững và bền vững hơn, cụ thể: Năm 2011, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; năm 2022 phổ cập giáo dục tiểu học vẫn giữ vững mức độ 3 đã đạt năm 2018 (75/75 xã, 8/8 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3), phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt mức độ 2 (trong đó 22/75 xã đạt chuẩn mức độ 2 và 48/75 xã đạt chuẩn mức độ 3; có 6/8 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và 2/8 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3).

Thực hiện chỉ tiêu về phân luồng học sinh sau trung học cơ sở để tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng, Tỉnh đã chú trọng việc xây dựng các văn bản cụ thể hóa để thực hiện chủ trương, chính sách của Trung ương về phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông, hướng các em vào học nghề, học tại các trường trung cấp, cao đẳng; chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành Giáo dục và đào tạo tổ chức các đợt tư vấn, hướng nghiệp vào cuối mỗi năm học nhằm định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin về những ngành nghề đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho học sinh từ lớp 9 đến lớp 12.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: CM) 

Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đạt chuẩn là 97,54%, trên chuẩn là 74,37%; cấp tiểu học đạt chuẩn 91,16%, trên chuẩn 0,8%; cấp THCS đạt chuẩn 93,56%, trên chuẩn 0,69%; cấp THPT đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 20,09%; hệ giáo dục thường xuyên đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 17,33%. Giai đoạn 2013-2023, kinh phí đầu tư xây dựng, phát triển giáo dục và đào tạo là hơn 2.090 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh vận động xã hội hóa trên 432 tỷ đồng. Năm 2022, toàn tỉnh có 261/317 trường có đơn vị đỡ đầu trường học.

Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo khung năng lực 6 bậc hiện nay theo từng cấp học, cấp Tiểu học trên 47,3%; THCS 71,4%; THPT 82,2%; toàn tỉnh có 12 trường dạy tiếng Khmer, trong đó có 2 trường dân tộc nội trú; có 1 trường Dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia và 01 trường đang đề xuất kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia; phần lớn học sinh ở các cấp học đều ngoan, hiền lễ phép, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, các hoạt động lao động công ích tại địa phương.

Kết quả, năm 2013, ngành có 139 công chức, viên chức có trình độ thạc sĩ; đến năm 2023 có 308 công chức, viên chức có trình độ thạc sĩ (tăng 169 thạc sỹ so năm 2013); đồng thời, nhiều công chức, viên chức của ngành hiện đang học sau đại học, nghiên cứu sinh. Tính đến nay tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non đạt chuẩn 97,54%, trên chuẩn 74,37%; cấp tiểu học đạt chuẩn 91,16%, trên chuẩn 0,80%; cấp trung học cơ sở đạt chuẩn 93,56%, trên chuẩn 0,69%; cấp trung học phổ thông đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 20,09%; Giáo dục thường xuyên đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 17,33%.

Tỉnh quan tâm thực hiện việc đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo. Tất cả các đơn vị trực thuộc đều đã thực hiện cơ chế tự chủ biên chế, tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP, Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Hàng năm thông qua Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt tổng dự toán để thực hiện tất cả các nhiệm vụ trong năm đảm bảo đúng nội dung, mục đích phê duyệt và các chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh được thực hiện kịp thời, đầy đủ và đúng quy định. Tổng kinh phí xây dựng từ năm 2013 đến năm 2023 trên 2.090 tỷ đồng; từ năm 2013 đến nay tỉnh đã vận động xã hội hóa trên 432 tỷ đồng; năm 2022 trên địa bàn tỉnh có 261/317 trường có đơn vị đỡ đầu trường học.

Bên cạnh các kết quả đạt được, tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Việc phân luồng học sinh sau THCS vào học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; Cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ cho dạy học, trải nghiệm; Việc kêu gọi đầu tư xây dựng trường ngoài công lập còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao; Đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu, phải hợp đồng ngoài biên chế; Trình độ, năng lực của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giảng dạy,... Những vấn đề này đã được trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc.

Kết quả thực hiện Kết luận số 49/KL-TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh như sau: Từ năm 2019 đến nay, cấp huyện đã mở được 32 lớp, có khoảng 4.800 hội viên tham gia học tập (mỗi lớp từ 150 học viên). Nội dung các chuyên đề tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập[ ].  Đến nay 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng để phục vụ cho công tác học tập cho nhân dân tại địa phương; toàn tỉnh có 2.066 tổ chức hội khuyến học tại cộng đồng dân cư với 255.130 hội viên, đạt tỷ lệ 34,95% dân số của tỉnh.

Năm 2021, Tỉnh thành lập Quỹ Khuyến học - khuyến tài, đến nay quỹ đã đạt 19,4 tỉ đồng, có mở tài khoản trong ngân hàng và quản lý thu - chi. Từ nguồn quỹ này, Hội khuyến học tỉnh đã chi hỗ trợ hơn 1,2 tỉ đồng cho hoạt động trao học bổng cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, hiếu học, học sinh giỏi, giáo viên giỏi đạt giải tại các cuộc thi. Thông qua Tháng khuyến học, hội khuyến học các cấp đã vận động nhiều phần quà có giá trị tặng cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh… Kết quả những năm qua, toàn tỉnh đã huy động được gần 231 tỷ đồng, trao trên 53.000 suất học bổng và gần 290.000 suất quà. Qua đó, đó đã góp phần tích cực trong công tác khuyến học, khuyến tài, động viên khích lệ tinh thần học tập trong xã hội, nhất là động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Tính đến nay, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều có tổ chức cơ sở đảng; tỷ lệ đảng viên trong cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành là 77,77% (7.642/9.600) tăng 19,17% so với năm 2013; từ năm 2004 đến quý I/2023, các tổ chức cơ sở đảng trong ngành giáo dục tỉnh đã kết nạp được 516 đảng viên là học sinh, sinh viên (trong đó: học sinh 360, sinh viên 156).

Tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục và đào tạo tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; ban hành tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội thảo giới thiệu các bộ sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; tổ chức thực hiện giảng dạy bộ sách giáo khoa mới cho lớp 1 từ năm học 2020 - 2021, lớp 6 từ năm học 2021 - 2022, lớp 3, lớp 7, lớp 10 từ năm học 2022 - 2023 theo quy định.

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Thanh Mai đánh giá cao sự quan tâm của Tỉnh ủy Hậu Giang trong công tác tổ chức, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, chủ trương của Trung ương về công tác giáo dục và đào tạo. Đồng chí khẳng định, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Hậu Giang đã có nhiều sự quan tâm, đầu tư cho giáo dục và đào tạo, đạt được những kết quả tích cực.

Đồng chí Vũ Thanh Mai đề nghị Hậu Giang cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác khuyến học, khuyến tài trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầy xây dựng xã hội học tập theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương; duy trì quyết tâm, năng lượng hiện có để đưa ngành giáo dục của tỉnh phát triển trong tương lai.

Đồng chí Vũ Thanh Mai chỉ đạo: Trong thời gian tới, Hậu Giang cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29. Đồng thời, quan tâm, đầu tư cho con người, lấy con người làm trung tâm, là động lực cho sự phát triển. Cùng với đó, phát triển con người Hậu Giang giàu chuyên môn, có văn hóa và bản sắc dân tộc. Nghiên cứu, đầu tư cho ngoại ngữ để hội nhập và quốc tế hóa. Triển khai có hiệu quả hoạt động chuyển đổi số trong dạy và học. Tiến hành hoạt động xã hội hóa để đầu tư cho sự phát triển của giáo dục và đào tạo. Duy trì quyết tâm, năng lượng hiện có để đưa ngành giáo dục của tỉnh phát triển trong tương lai. 

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực