Báo chí - doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển bền vững

Thứ tư, 29/06/2022 14:21
(ĐCSVN) – Ngày 29/6, tại Hà Nội, Tạp chí Người Làm Báo và Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn đàn "Báo chí – doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển bền vững".

Đề nghị xử phạt hàng loạt sai phạm của Báo Pháp luật Việt Nam

Dự Diễn đàn có các đồng chí: Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Vũ Việt Trang - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Tấn Công - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội, các cấp Hội Nhà báo và một số doanh nghiệp.

Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế, ngân sách khó khăn, khả năng thanh khoản của doanh nghiệp giảm mạnh, công ăn việc làm của công nhân bị ảnh hưởng, Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, cùng với đó, việc Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo sinh kế cho người dân...

Đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định, trong quá trình thực hiện “mục tiêu kép”, báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp khi phải đảm bảo vừa sản xuất vừa phải chống dịch, qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Ngược lại, trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện nhiều thông tin đa chiều, thông tin xấu độc gây hoang mang dư luận, những thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất, khi doanh nghiệp thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành giữa báo chí trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh dòng thông tin chủ lưu, tích cực, đâu đó vẫn còn một số thông tin gây bất lợi, thậm chí làm tổn hại tới uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp...

Theo đồng chí Lê Quốc Minh, thời gian tới, tình hình địa chính trị thế giới, nhất là xung đột Nga - Ukraine và hậu đại dịch COVID-19 sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu, như áp lực lạm phát, lãi suất, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu… Các vấn đề về an ninh phi truyền thống, an ninh lương thực, an ninh năng lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Diễn đàn "Báo chí – doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển bền vững" được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các cơ quan báo chí, các nhà báo, doanh nghiệp thảo luận, phân tích làm rõ thực trạng và vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông doanh nghiệp; khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển kinh tế, xây dựng chiến lược truyền thông doanh nghiệp hiệu quả, từ đó xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng.

Hình ảnh tại Diễn đàn.

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thúy Hường, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Trường học Quang Minh (QMS) cho rằng: Khi mà báo chí và doanh nghiệp là những người bạn song hành trong công cuộc đổi mới cùng Chính phủ thì đất nước ta sẽ phát triển với nền kinh tế tri thức vững mạnh. Trong thời đại công nghệ 4.0, chúng ta cũng ghi nhận sự phát triển với tốc độ vũ bão về số lượng, đa dạng hóa các hình thức truyền thông và báo chí. Báo chí đã đổi mới nhanh, nhạy bén với công nghệ 4.0 để người đọc dễ dàng tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi. Điều này đã chứng tỏ báo chí luôn là một trong những lực lượng tuyến đầu trong các mặt trận quan trọng của Đảng như: phòng chống tiêu cực, tham nhũng, là tuyến đầu trong công tác tuyên truyền phòng chống đại dịch COVID-19… góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng chính vì số lượng phát triển ồ ạt nên đâu đó vẫn còn hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Bên cạnh các “ngòi bút” chân chính vẫn còn những “ngòi bút” chưa khách quan, chưa trung thực, còn những báo cáo Tổng biên tập chưa đúng đắn để đạt động cơ không lành mạnh nào đó. Đâu đó còn những nhà báo chưa đồng hành cùng doanh nghiệp, chưa đồng hành cùng địa phương, chưa đứng vị trí quản lý nhà nước của địa phương để cung cấp những thông tin thiết thực, đúng mực góp phần cùng địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Theo doanh nhân Thúy Hường, báo chí và doanh nghiệp cần thấu hiểu nhau, trong đó, người viết báo phải biết lắng lòng lại, biết buồn khi viết về một cái sai của người nào đó, của doanh nghiệp nào đó mà không thể “chữa” được buộc nghề nghiệp mình phải viết lên để làm bài học cảnh tỉnh cho xã hội tránh, chứ không phải với tâm trạng hồ hởi, hân hoan khi mình vạch ra được cái sai này với một động cơ khác...

 Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ phát biểu tại Diễn đàn.

Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm - Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nêu những giải pháp của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trong công tác truyền thông chính sách đến doanh nghiệp và người dân. Về báo chí giải pháp, với tư cách của một cơ quan báo chí, nhà báo Hồng Sâm mong muốn các phóng viên, nhà báo bên cạnh việc phản ánh thực trạng, cần biết đề xuất các giải pháp. Về mối quan hệ với các doanh nghiệp, ông mong muốn các doanh nghiệp coi báo chí là đối tác để chủ động cung cấp thông tin...

Đồng chí Phạm Tấn Công - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ca ngợi vai trò của báo chí trong giai đoạn đất nước có chiến tranh cũng như hòa bình hiện nay. Trong thời bình, báo chí động viên người lính doanh nghiệp trên mặt trận kinh tế... Đồng chí Phạm Tấn Công nêu ra 3 giải pháp: Thứ nhất là sự đồng hành vì mục tiêu chung, hai bên có cơ chế thông tin xây dựng niềm tin chung. Thứ hai là xây dựng văn minh của cả hai giới. Thứ ba là xây dựng khuôn khổ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tổng kết Diễn đàn. 

Tổng kết diễn đàn, nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, diễn đàn đã nhận được gần 20 ý kiến và tham luận của các đại biểu. Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan báo chí, các nhà báo, doanh nghiệp thảo luận, phân tích làm rõ thực trạng và vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, từ đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế; khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp, từ đó thắt chặt mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của xã hội.

Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, trong thời gian tới, mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp cần được duy trì và phát triển hơn nữa, tuy nhiên, để mối quan hệ này thực sự có hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động và minh bạch thông tin với báo chí. Nhà báo Nguyễn Đức Lợi đề xuất có sự ký kết hợp tác sâu rộng giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới./.

Kim Cương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực