Bia lưu niệm “Bến không chồng” - công trình lan tỏa giá trị nhân văn

Thứ hai, 25/03/2019 09:13
(ĐCSVN) - Khởi công từ tháng 10/2018, sau gần nửa năm xây dựng, đến nay, công trình bia lưu niệm “Bến không chồng” đã hoàn thành trước dự kiến ban đầu về quy mô trong niềm vui mừng phấn khởi, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Từ tiểu thuyết “Bến không chồng”…

Ám ảnh về chiến tranh, cựu chiến binh Dương Hướng viết lên tiểu thuyết “Bến không chồng”. Nhà văn đã thuyết phục được người đọc bởi cách viết chân thật, dung dị và sự chân thành, mộc mạc, thổi bao cảm xúc yêu thương vào tác phẩm với thái độ trân trọng, tri ân.

Nhà văn Dương Hướng chụp ảnh với lãnh đạo xã Thụy Liên và tác giả bài viết.

Qua “Bến không chồng”, Dương Hướng đã bày tỏ một thông điệp quan trọng về số phận người lính, đặc biệt là thân phận người phụ nữ - những “Vọng phu sống”, những bến đợi thủy chung bất chấp thời gian. Sau giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, tiểu thuyết “Bến không chồng” đã đưa tên tuổi nhà văn Dương Hướng đến với bạn đọc cả nước; vượt khỏi phạm vi làng Đông đến với mọi miền đất; vượt biên giới đến với bạn bè năm châu thông qua những bản dịch sang tiếng Pháp, Ý, Đức. Bản dịch từ tiểu thuyết “Bến không chồng” chắc sẽ không dừng ở con số đó.

Tác phẩm “Bến không chồng” đã định vị, làm nên tên tuổi nhà văn Dương Hướng. Bên cạnh đó, tên tuổi của nhà văn còn được biết đến với bộ phim truyện nhựa cùng tên (Lưu Trọng Ninh đạo diễn) và 34 tập phim truyền hình “Thương nhớ ở ai” cũng do Lưu Trọng Ninh đạo diễn đã đoạt 4 giải thưởng Cánh diều vàng 2018…

Đến công trình tri ân

Mong muốn có công trình tri ân đối với sự hy sinh của những người con quê hương đã được hiện thực hóa bằng công trình bia lưu niệm “Bến không chồng” khánh thành trang trọng. Khởi công từ tháng 10/2018, sau gần nửa năm xây dựng, đến nay, công trình bia lưu niệm “Bến không chồng” đã hoàn thành trước dự kiến ban đầu về quy mô và trong niềm vui mừng phấn khởi, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thụy Liên.

Công trình bia lưu niệm “Bến không chồng" xây dựng trên bến sông Đình Đoài năm xưa gồm nhiều hạng mục, như: Bia đá khắc đại tự, khuôn viên, tiểu cảnh, kè đá hai bên bờ sông Đình Đoài… Tượng đài và bia lưu niệm mang tính khái quát cao, được chế tác từ đá nguyên khối có dáng dấp một thiếu phụ bồng con đứng trông chồng. Nổi bật dòng chữ lớn “Bến không chồng” phía trên là dòng chữ khắc ghi: "Bến sông này cùng với mảnh đất con người nơi đây đã đi vào đời sống văn học nghệ thuật ghi một dấu ấn sâu sắc như bản tình ca bi tráng về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại…". Cùng bia biểu tượng, bậc đá lên xuống bến sông, lát gạch, lan can, mở rộng dòng sông…

Công trình bia lưu niệm có ý nghĩa xã hội sâu sắc với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng, trong đó trong đó phần kè sông do Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy hỗ trợ hơn 2,2 tỷ đồng, phần bến sông và bia lưu niệm là 400 triệu đồng do Chi hội nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh và các nhà hảo tâm ủng hộ 400 triệu đồng.

 

Lễ Khánh thành bia lưu niệm Bến không chồng.

Phát biểu tại lễ khánh thành Bia lưu niệm “Bến không chồng”, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, có một “Bến không chồng” của làng Đông, làng Đoài xưa kia vẫn hiện hữu trong đời sống hôm nay như những “Vọng phu sống” hóa đá bất tử. Khu bia lưu niệm “Bến không chồng" sẽ phát huy tốt tác dụng, trở thành một địa chỉ văn hóa – giáo dục đáng tin cậy; tạo được những ấn tượng tốt đẹp cho du khách đến thăm; lan tỏa giá trị nhân văn, lòng biết ơn sự hy sinh của những người con quê hương, đặc biệt là những người phụ nữ thời chiến... Công trình sẽ mãi mãi đi vào đời sống tinh thần người dân trong niềm tự hào của mỗi người dân xã Thụy Liên mỗi khi nói về quê hương của mình...

Từ kinh nghiệm của Thái Bình qua Bia lưu niệm “Bến không chồng” ở Thái Thụy, Bảo tàng tác phẩm văn học hậu chiến tranh Minh Chuyên ở Vũ Thư chính là gợi ý cho nhiều địa phương khác trong việc tôn vinh lao động sáng tạo của nhà văn và góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cùng những trang sử hào hùng, oanh liệt của dân tộc trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại và xây dựng đất nước đàng hoàng, to đẹp hôm nay./.

Lê Thị Bích Hồng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực