Cọn nước - Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang

Thứ năm, 14/12/2023 15:28
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Gắn bó từ lâu đời với cuộc sống cũng như quá trình sản xuất nông nghiệp, cọn nước là nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của đồng bào dân tộc dân tộc Tày ở Tuyên Quang.
Cọn nước ra đời bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên, môi trường sống của người Tày ở Tuyên Quang. 
(Ảnh: Trang Hoàng)

Nếu như ở vùng đồng bằng, công cụ bằng đồng ra đời gắn liền với nền văn minh lúa nước thì ở miền núi, vùng cao, văn minh lúa nước không thể tách rời với hình ảnh những chiếc cọn nước mộc mạc.

Được biết, cọn nước ra đời bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên, môi trường sống của người Tày, từ nhu cầu thủy lợi ở vùng cao. Người Tày ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu ở các huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa. Bản làng của người Tày thường ở dưới chân núi, thung lũng, gần các dòng sông, suối, được bao bọc xung quanh bởi những dãy núi.

Do đặc điểm lựa chọn vị trí cư trú gần các dòng suối nên từ xa xưa, các cư dân Tày đã sớm biết chế tạo và sử dụng cọn nước như một chiếc máy dẫn nước vào tưới đồng ruộng, phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc dẫn nước về bản làng để sinh hoạt. Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, đồng bào dân tộc Tày đã biết khai thác tối đa nguồn thủy năng vô tận. Cọn nước là công trình tưới tiêu được chính người nông dân trong quá trình lao động sản xuất sáng tạo, được xây dựng bằng các vật liệu sẵn có như gỗ, tre, vầu, nứa, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của của người dân địa phương.      

Mỗi vòng quay của cọn nước người Tày ẩn chứa trong đó sự trăn trở, tìm tòi và khả năng sáng tạo độc đáo. Những vòng quay miệt mài, bình dị của cọn nước mang trong mình ước vọng cuộc sống đầy đủ, ấm no, đồng thời cũng thể hiện năng lực vươn lên chinh phục, làm chủ thiên nhiên của con người.

Cọn nước không đơn thuần chỉ là một công trình thủy lợi mà đã trở thành một bản sắc văn hóa độc đáo của người Tày, góp phần làm phong phú cho kho tàng văn hóa các dân tộc của Việt Nam. 

Đồng bào Tày không những sử dụng cọn nước để tưới tiêu, phục vụ đời sống sinh hoạt mà còn sử dụng cọn nước như công cụ để giã gạo. Với nhịp quay chậm rãi, đều đều, mỗi lần nước đổ xuống từ vòng quay, chiếc chày giã gạo lại được nâng lên hạ xuống theo lực đẩy của nước. Cứ như thế, cả ngày, cối gạo sẽ được giã trắng. Một thời gian rất dài, đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang đã giã gạo bằng sự sáng tạo độc đáo như vậy.

Những guồng quay êm đềm của cọn nước cũng chính là cuộc sống của bà con dân tộc Tày, chậm rãi, không xô bồ nhưng luôn bền chặt, khăng khít. Bên những cọn nước, biết bao đôi trai gái hò hẹn với nhau và nên duyên vợ chồng. Cứ như thế, từ thế hệ này sang thế hệ khác, cuộc sống của người dân miền sơn cước luôn gắn liền với hình ảnh chiếc cọn nước bên cạnh, cọn nước đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Tày.

Chiếc cọn nước trong tâm thức của đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang cũng như đối với du khách và những ai thích du lịch, đã trở thành một hình ảnh gần gũi, thân thuộc đến khó quên. Chiếc cọn nước chính là biểu tượng cho cuộc sống thanh bình, yên ả trong các bản làng ở vùng cao. Bên dòng suối, những cọn nước như những bánh xe khổng lồ nhẹ nhàng quay hết ngày này sang ngày khác, như những người nông dân cần mẫn, chịu khó trong mưa sớm nắng chiều, xây dựng bản làng có cuộc sống yên bình. Cùng với những phong cảnh tự nhiên, cọn nước đã góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp miền sơn cước. Cọn nước không chỉ đơn thuần là công cụ trong lao động sản xuất, là công trình nghệ thuật mang dấu ấn riêng của bàn tay, khối óc con người mà còn chứa đựng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.

Đồng bào Tày ở huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình vẫn duy trì, gìn giữ nét văn hóa truyền thống sử dụng cọn nước. (Ảnh: Trang Hoàng) 

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: Những năm qua, nhờ các chương trình, dự án, miền núi đã và đang có thêm nhiều kênh mương bê tông cốt thép tưới nước cho các cánh đồng, do đó không còn nhiều gia đình duy trì cách lấy nước thủ công bằng những chiếc cọn làm từ những vật liệu thô sơ như vầu, tre, nứa. Mặc dù vậy, người Tày nơi đây vẫn sâu nặng một niềm tin còn cọn quay là còn những nốt nhạc vui mang hồn cây, hồn suối, ngân mãi bản tình ca về một miền quê giàu bản sắc đang tươi mới từng ngày.

Hiện nay, người dân ở nhiều huyện thuộc tỉnh Tuyên Quang đã chuyển sang sử dụng máy bơm hay hệ thống kênh mương kiên cố, riêng đồng bào Tày ở huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình vẫn duy trì, gìn giữ nét văn hóa truyền thống sử dụng cọn nước, bởi tính hữu ích của cọn nước rất phù hợp cho các cánh đồng cao, mảnh ruộng xa.

Bên cạnh đó, một số Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các huyện như Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa... của tỉnh Tuyên Quang đã lắp đặt thành công một số cọn nước cải tiến. Qua hoạt động thử nghiệm một thời gian, cọn nước cải tiến làm trục bằng sắt được bà con nhân dân đánh giá đảm bảo yêu cầu bền vững và khả năng tưới được nâng lên nhiều so với cọn nước truyền thống, tưới được cho cả 02 vụ lúa/năm. Mô hình cọn nước cải tiến thành công đã tạo cơ hội nhân rộng cho nhiều địa phương ở Tuyên Quang, góp phần trong việc chống hạn do thiếu nguồn nước. Từ kết quả cải tiến này, các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn mục tiêu sử dụng vật liệu bền vững, giảm chi phí và cung cấp nguồn nước cho những cánh đồng trên cao để tăng năng suất và thời gian canh tác.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Tri thức sử dụng cọn nước của người Tày ở Tuyên Quang là Di sản văn hóa phi vật thể. Giá trị văn hóa phi vật thể cọn nước mang màu sắc dân gian, có sự gắn bó chặt chẽ, đồng hành với cuộc sống đời thường của đồng bào và trở thành di sản không thể thiếu trong cộng đồng người Tày./.

Tường Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực