Công đoàn Ban Tuyên giáo TƯ tham quan một số di tích lịch sử đặc biệt tại TP Hải Phòng

Thứ sáu, 01/03/2024 19:00
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Buổi tham quan thực tế là một trong những hoạt động ý nghĩa của Công đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương hướng tới kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và hưởng ứng Tuần lễ áo dài Việt Nam.
 Đoàn dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia Đền Nghè.

Trong hai ngày 01-02/3, Công đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức cho nữ công đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức dâng hương tại Đền Nghè và tượng đài Nữ tướng Lê Chân; tham quan Khu di tích Bạch Đằng Giang (huyện Thủy Nguyên) TP Hải Phòng; gặp mặt kỷ niệm nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa của Công đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương hướng tới kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và hưởng ứng Tuần lễ áo dài Việt Nam.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Nữ tướng Lê Chân (quận Lê Chân, TP Hải Phòng). 

Tham gia buổi tham quan thực tế về phía Ban Tuyên giáo Trung ương có đồng chí Đỗ Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo, Chủ tịch Công đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương - Trưởng đoàn; các đồng chí lãnh đạo các Vụ, Viện, đơn vị; nữ công đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức Ban Tuyên giáo Trung ương.

Cùng đi với đoàn về phía TP. Hải Phòng có đồng chí Nguyễn Văn Hiểu - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng; cùng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên.

Tại đây, Đoàn được nghe giới thiệu về lịch sử và truyền thống hào hùng của thành phố Hải Phòng. Theo đó, Hải Phòng - mảnh đất nơi cửa biển, có vị trí đặc biệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong lịch sử cách mạng, mỗi dòng sông, mỗi làng quê, mỗi con đường, vùng biển và hải đảo của Hải Phòng đều gắn với những chiến tích lịch sử của các bậc tiền nhân, cũng như quá trình đấu tranh cách mạng của Nhân dân thành phố Cảng.

 Đồng chí Đỗ Phương Thảo, Chủ tịch Công đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương dâng hương tại một điểm thuộc Khu di tích Bạch Đằng Giang.

Tại TP Hải Phòng, đoàn đã đến dâng hương tại Đền Nghè - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thờ Nữ tướng Lê Chân và tại tượng đài Nữ tướng Lê Chân. Bà là nữ tướng tài ba, anh dũng, lập nhiều chiến công vang dội trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và là người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa, thành phố Hải Phòng ngày nay.

Để tưởng nhớ công lao của Nữ tướng, năm 1999, thành phố Hải Phòng đã dựng Tượng đài nữ tướng Lê Chân trước Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố. Tượng được đúc bằng đồng, cao 7,5m, nặng 19 tấn, được hoàn thành vào cuối năm 2000. Đến nay, tượng đài nữ tướng Lê Chân đã trở thành một trong những biểu tượng của thành phố Cảng.

Tiếp đó, đoàn đã tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang tại huyện Thủy Nguyên. Đây là quần thể kiến trúc tâm linh mang giá trị lịch sử, văn hóa, gắn liền với những trận thủy chiến bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử cùng những chiến công oanh liệt của Đức Vương Ngô Quyền (năm 938), Vua Lê Đại Hành (năm 981), Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (năm 1288). Để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc lập nên những chiến thắng vang dội trên dòng sông lịch sử, người dân đã xây dựng khu di tích Bạch Đằng Giang - một quần thể kiến trúc quy mô bề thế, khang trang trên khu đất đắc địa của dãy núi Tràng Kênh.

 Đoàn nghe giới thiệu về lịch sử Khu di tích Bạch Đằng Giang, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.

Khu di tích Bạch Đằng Giang là một địa danh lịch sử đặc biệt nằm trên thế đất tựa sơn, phía trước có thiên nhiên hùng vĩ là sông, biển, đồi núi, đồng bằng. Trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2016, hàng loạt công trình trong khu di tích này lần lượt được tôn tạo xây dựng, trở thành một quần thể di tích, gồm đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, linh từ Tràng Kênh thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đền Tràng Kênh Vọng Đế thờ Đức Vua Lê Đại Hành, đền Bạch Đằng Giang thờ Đức Ngô Quyền Vương, đền thờ Thánh Mẫu và nhiều công trình văn hóa tâm linh khác. Khu di tích Bạch Đằng Giang cũng là nơi đầu tiên tại Hải Phòng lập Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân dân và du khách thập phương bày tỏ lòng thành kính, nhớ thương Người.

Dịp này, đoàn cũng tham quan một số điểm di tích lịch sử văn hóa tại quận Đồ Sơn; gặp mặt nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

 Thay mặt Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Dương Ngọc Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng tặng quà nữ công đoàn viên Ban Tuyên giáo Trung ương nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Phát biểu tại buổi giao lưu, đồng chí Đỗ Phương Thảo bày tỏ xúc động khi được tham quan, tìm hiểu những địa danh lịch sử nổi tiếng của Thành phố Hải Phòng. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc; phát huy tinh thần đoàn kết, lạc quan, sáng tạo, đổi mới của đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tuyên giáo, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2024.

Đồng chí cũng gửi lời cảm ơn tới Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức buổi tham quan thực tế vô cùng ý nghĩa cho công đoàn viên Ban Tuyên giáo Trung ương. Nhân dịp 8/3, đồng chí gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các nữ cán bộ, công chức, viên chức người lao động Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng.

 Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Quảng trường Chiến Thắng trên sông Bạch Đằng, thuộc Khu di tích Bạch Đằng Giang (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng).

Đồng chí mong muốn trong thời gian tới, Công đoàn hai đơn vị sẽ gắn bó hơn nữa thông qua các hoạt động phối hợp, cùng giúp đỡ nhau tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; phấn đấu rèn luyện, học tập, cống hiến tài năng, trí tuệ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Ban Tuyên giáo Trung ương./.

Đinh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực