Độc đáo nghệ thuật hát Dặm Quyển Sơn

Thứ bảy, 14/12/2024 21:28
(ĐCSVN) - Là một trong 9 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Hà Nam, hát Dặm Quyển Sơn, xã Thi Sơn, Kim Bảng (Hà Nam) là loại hình ca múa nhạc độc đáo, xuất hiện từ thế kỷ XI dưới triều đại nhà Lý và được lưu giữ, bảo tồn cho đến ngày nay.

Về gốc tích, loại hình hát Dặm làng Quyển Sơn được biết đến qua truyền thuyết dân làng nơi đây kể lại: Vào năm 1069, phụng mệnh vua, Thái úy Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh Chiêm Thành. Khi chiến thuyền qua đoạn sông Đáy chảy qua làng Quyển Sơn thì gặp trận gió to nổi lên cuốn lá cờ đại lên đỉnh núi. Thái úy thấy lạ, cho thuyền dừng lại rồi cùng tướng lĩnh lên bờ thực hiện nghi lễ tế trời đất cầu mong chiến thắng và đặt tên cho ngọn núi nơi đây là núi Cuốn Sơn. Sau khi thắng trận, trên đường trở về kinh thành, nhớ vùng núi cũ, ông cho dừng chân, hạ trại bên rừng trúc, giết trâu mổ bò làm lễ tạ trời đất, khao thưởng ba quân, mở hội mừng chiến thắng. Lý Thường Kiệt mời dân làng cùng tham gia cuộc vui quân sĩ. Ông cho tuyển chọn những cô gái thanh tân trong làng để múa hát, chọn các trai tráng khỏe mạnh để tổ chức đấu vật, đua thuyền. Trò múa hát có tên gọi là hát Dặm là lối hát thờ ca ngợi chiến công đánh giặc, giữ nước; ca ngợi cuộc sống thanh bình.

 Con sông Đáy thơ mộng đoan chảy qua làng Quyển Sơn. (Ảnh: Trần Chiến)

Sau khi Lý Thường Kiệt qua đời, để tưởng nhớ công lao của vị Anh hùng dân tộc, nhân dân địa phương đã tôn thờ ông làm Thành hoàng làng, thờ tại đình Quyển Sơn và đền Trúc. Hằng năm, cứ vào dịp đầu Xuân, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội, mở phường hát Dặm để tưởng nhớ công ơn Lý Thường Kiệt.

Trải qua hơn 1.000 năm, hát Dặm Quyển Sơn được biết đến là một loại hình ca múa nhạc dân gian vô cùng độc đáo chỉ có ở làng Quyển Sơn, đến nay các nghệ nhân địa phương đã sưu tập được gần 40 làn điệu. Mỗi làn điệu lại có một nội dung và nghệ thuật thể hiện khác nhau. Hát dặm có những nét độc đáo riêng và đã được các nghệ nhân làng đem đi giới thiệu tại tác địa phương trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới.

Về nghệ thuật biểu diễn, hát Dặm Quyển Sơn có những quy định khá nghiêm ngặt. Theo đó, để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ tháng Giêng, sau Tết Nguyên đán, dân làng Quyển Sơn mở đợt tuyển chọn những cô gái thanh tân tuổi từ 13 – 18 tập trung ở nhà một cụ trùm trò (phường Dặm) để tập múa hát theo đúng bài bản của các nghi lễ. Khi mọi công việc hoàn tất, các cụ chọn lấy từ 16 – 20 cô múa hát hay nhất để đưa vào diễn xướng tại lễ hội. Khi diễn xướng, cụ trùm mặc váy áo vàng (hoặc đỏ) đứng giữa trước bàn thờ thánh, quân là những cô gái thanh tân đứng xếp theo hàng dọc ở hai bên. Mỗi bên từ 8 – 10 cô mặc áo dài nâu 5 vạt hoặc áo dài màu xanh lá mạ, váy lĩnh, yếm đào, thắt lưng màu hoa lý, đầu thắt khăn mỏ quạ duyên dáng. Lễ múa hát thờ diễn ra liên tục gồm trên 30 làn điệu khác nhau. Hát Dặm không có nhạc cụ đệm theo, mà cụ trùm chỉ dùng đôi sênh tre gõ nhịp. Hát Dặm có những điệu vừa hát, vừa múa. Cụ trùm khi đứng ở giữa, khi đi vòng quanh để điều khiển. Khi quân hát và múa thì dùng quạt giấy màu đỏ hoặc trắng làm động tác biểu hiện nội dung và trang trí, lúc không múa thì gài quạt vào thắt lưng. Để tránh nhầm lẫn và sai điệu, cụ trùm thường cất giọng và làm động tác mẫu để quân làm theo...

 Đội múa hát Dặm Quyển Sơn đang biểu diễn một nghi thức trong khuôn viên đền Trúc. (Ảnh: Đức Văn)

Sau nhiều biến cố và thăng trầm của lịch sử, hát Dặm Quyển Sơn có những thời điểm đứng trước nguy cơ mai một. Nhất là từ khi thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược nước ta, khi ấy những cô gái trong làng lớn lên cũng chỉ thuộc dăm ba câu hát...

Nhận thấy việc phục dựng lại lễ hội tưởng nhớ công ơn to lớn của vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt và những điệu hát Dặm trước nguy cơ mai một cùng thời gian là điều hết sức cần thiết. Những năm qua, các cấp chính quyền địa phương đã bắt tay ngay vào việc phục dựng lại. Giá trị đặc sắc của lối nghệ thuật hát Dặm Quyển Sơn được thể hiện rõ nét trong mỗi dịp hội đền Trúc ở xã Thi Sơn.

Ông Trịnh Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Thi Sơn cho biết: Hát Dặm từ lâu là tài sản văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương, gắn với phong tục, tập quán mà chỉ ở địa phương mới có. Nhiều năm qua, địa phương đã có đội múa hát Dặm Quyển Sơn với gần 20 nữ tân và bà trùm. Hàng năm, hội đền Quyển Sơn và đền Trúc đều được tổ chức trang trọng theo quy ước, cứ 5 năm một thì tổ chức lễ hội lớn gồm phần hội và phần lễ, có các trò chơi dân gian, đua thuyền rồng, các năm lẻ thì sẽ tổ chức với quy mô nhỏ hơn.

Vào dịp hội đền, nhân dân tổ chức múa hát Dặm để tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Theo lệ, vào sáng mùng 1 tháng 2 Âm lịch, làng Quyển chính thức mở hội rước tượng Phật cùng bài vị thờ Lý Thường Kiệt từ đền Trúc về đình làng. Sau phần lễ là đến phần múa hát thờ. Hát Dặm được biểu diễn liên tục 6 ngày. Đến sáng mùng 7 lại rước tượng Phật cùng bài vị của Lý Thường Kiệt về đền, hát Dặm vẫn tiếp tục trong 3 ngày nữa (gọi là hát yên vị) và đến 10 tháng 2 thì đóng cửa đền, vãn hội...

Nghệ thuật hát Dặm chính thức khởi sắc bắt đầu từ nghệ nhân Trịnh Thị Răm, báu vật nhân văn của hát Dặm làng Quyển Sơn, người đã dành ra rất nhiều tâm huyết trên chặng đường khôi phục lại hát Dặm. Từ cụ Răm, hát Dặm đã bay xa, lan tỏa tới nhiều nước trên thế giới. 

Năm 2019, Hát Dặm Quyển Sơn được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia năm 2019. (Ảnh: Trần Chiến)

Một điều đặc biệt nữa, dù trải qua hàng nghìn năm, hát Dặm vẫn của riêng người dân Quyển Sơn, và chỉ riêng người dân Quyển Sơn mới biết hát, hát đúng, nhưng hát Dặm đến nay đã vượt ra khỏi làng trong xu thế hội nhập để quảng bá vốn văn hóa truyền thống Việt Nam ra bạn bè quốc tế, đó là một tín hiệu mừng thể hiện sự phong phú của âm nhạc dân gian truyền thống ở Hà Nam.

Về thăm làng Quyển những ngày cuối năm Giáp Thìn, thả vút tầm mắt ra xa ngắm cảnh thanh bình, thơ mộng của dòng sông Đáy hiền hòa, trong khói lam chiều, chúng tôi như cảm nhận được chút hơi hướng nghìn năm vọng lại, vẫn như đâu đó bên những bãi dâu xanh mướt ven sông, mường tượng hình dáng những cô thôn nữ xinh tươi trong những bộ trang phục truyền thống, mải miết hái dâu, nuôi tằm, dệt vải. Văng vẳng lại những điệu múa, lời ca ca ngợi chiến công đánh giặc giữ nước, thể hiện tình yêu với con người, với quê hương mà danh tướng Lý Thường Kiệt truyền dạy cho người dân nơi đây mang tên hát Dặm, mới thấy sự phong phú trong vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, của Hà Nam nói riêng và Việt Nam nói chung./.

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực