|
Chân dung nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh |
Thập niên 80 - 90 của thế kỉ trước, văn nghệ Vĩnh Phú nổi lên những tên tuổi được cả nước biết đến như: Sao Mai, Nguyễn Khắc Xương, Ngô Quang Nam, Cao Khắc Thùy, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Đình Ảnh, Khánh Hoài, Hoàng Hữu, Kim Dũng, Vương Chùy, Đặng Thị Khuê, Nguyễn Thọ, Trần Đình Ninh… Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Vĩnh Phú lúc đó, có cái biển nhỏ treo ngoài cổng với cái logo cách điệu hai chữ VP do họa sỹ Hoàng Hữu sáng tác rất đẹp. Trụ sở Hội chỉ là hai dãy nhà cấp bốn lụp xụp cây cỏ mọc um tùm, cũng từng khiến tôi không đủ tự tin để bước vào nơi có những con người tài hoa đó. Năm 1982 tốt nghiệp trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, tôi được nhận về công tác tại Ty Văn hóa Thông tin. Khát vọng sáng tạo đã khiến tôi nhanh chóng được tiếp xúc với các bậc thầy này. Có hai người thường xuyên động viên và khích lệ tôi lúc đó là: nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh, và nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức, tôi rất thần tượng các ông. Trịnh Hoài Đức thì liên tục có những vở kịch phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhất là vào những dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh thì đã nhận giải thưởng từ năm 1961 và có nhiều bài thơ được nhắc đến lúc bấy giờ.
Rời quân ngũ về Hội VHNT Vĩnh Phú, khi Hội bắt đầu được thành lập năm 1975. Đến năm 1982 ông đã có 3 tập thơ được xuất bản: "Chào đất nước" (năm 1970), "Trăng rừng" (năm 1977), "Hoa cỏ miền đồi" (năm 1982), trong đó có những câu thơ tôi rất thích:
… “Tôi sẽ đến căn phòng nhỏ ấy
sẽ ngồi bên chiếc bàn gỗ ấy
chỗ ngày xưa em vẫn thường ngồi
không phải để tìm em,
để tìm tôi hay để tìm ai khác
tôi đến đây để tìm
cái thời tôi đã mất
Cái thời mà tất cả những gì trong trẻo nhất
tôi đã dành cho em
Không biết đến bây giờ
em có giấu trong tim?”
Đấy là những câu thơ trong bài "Ngày ấy và bây giờ" nổi tiếng của ông, những câu thơ với tôi thật là sâu lắng, nó gợi cho mỗi chúng ta sự liên tưởng đến những gì là kỷ niệm khó phai của một thời tuổi trẻ mơ mộng, tình yêu sự lãng mạn, vừa ngây thơ mà trong sáng nhất.
Ở một bài thơ khác, bài "Trước cổng trời", bài thơ đã được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5. Trong đó có những câu thơ khơi gợi cho độc giả một bức tranh đầy thi cảm - một bức tranh ấn tượng lung linh sắc màu biến ảo giữa các gam màu nóng lạnh, sáng tối đan xen mà không có bút nào tả nổi.
…"Bỗng hiện ra chói lòa
như nắng rọi qua mưa
không thể nào chép được bằng thơ
không thể ghi lại bằng nhạc
và dẫu bao sắc màu
cùng bất lực mà thôi
như gió thoảng mây trôi
làm sao mà vẽ được"
Hoặc một bài khác chỉ với bốn câu thơ, có thể vẽ ra hai bức tranh sơn thủy lung linh, với bầu trời đêm trăng thanh và dòng sông lấp lánh ánh bạc. Còn bức kia là cảnh đồi quê, rừng cọ trong cái nắng ban mai, cái nắng của bình minh đang lên phủ cái ánh vàng lấp lánh trên những tán cọ non tơ xao động, trước những cơn gió mơn man của miền đồi trung du.
“Suốt đêm trăng cứ chong chong
ai đem vàng dát dưới lòng sông sâu?
sáng quê đồi trắng một màu
nắng như bạc rắc trên đầu cọ tơ…”
(Sông đồi Trung du - Viết năm 1982)
Dần dần được tiếp xúc và làm quen với các văn nghệ sỹ ở Hội VHNT lúc đó, tôi như có thêm động lực sáng tác, tham gia các triển lãm tranh ở Trung ương và các triển lãm do Hội tổ chức, vẽ bìa và trình bày sách cho một số nhà xuất bản, các tác giả. Rồi tham gia các cuộc thi tranh, đặc biệt là cuộc thi tranh Áp phích chính trị quốc tế chủ đề: "Vì Hòa bình sự sống, Chống chiến tranh hạt nhân" năm 1984 tại Liên Xô, Tiệp Khắc. Tôi được Ban Tổ chức tặng giải thưởng. Phải nói không khí văn chương nghệ thuật ở Hội lúc bấy giờ rất vui, rất sôi động. Tôi lại biết thêm những tác giả mới nổi như: Hoàng Quý, Văn Chinh, Trần Quang Quý, Hoàng Tá, Nguyễn Lê, Vũ Đình Minh, Nguyễn Hưng Hải, Nguyễn Thiện Kế, Nông Thị Ngọc Hòa, Ngô Kim Đỉnh...
|
Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh và các văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác tại Điện Biên (năm 1998)
|
Năm 1985, họa sỹ Nguyễn Đài ở Hội VHNT tỉnh nghỉ hưu, nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh và nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức, hai ông đã động viên tôi chuyển từ Ty Văn hóa về Hội để thuận cho hoạt động sáng tác nghệ thuật sau này.
Mười lăm năm (1985 đến 2000), công tác cùng nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh ở Hội VHNT Vĩnh Phú trước đây và sau này là Hội Phú Thọ, cho đến khi ông nghỉ hưu. Lúc là cán bộ của ông, khi ông làm Chủ tịch Hội, tôi là cấp phó giúp việc ông, tôi học ở ông được nhiều điều về lẽ sống, về cấu tứ cho một tác phẩm nghệ thuật… Cho đến nay trong tôi vẫn vẹn nguyên một sự kính trọng ông, vẹn nguyên nhận xét Nguyễn Đình Ảnh là nhà thơ, biên tập có uy tín vào bậc nhất ở Vĩnh Phú - Phú Thọ ngày đó, được anh chị em hội viên tin yêu, nể trọng.
Với thi ca, Nguyễn Đình Ảnh là con người của những cô đơn và hình như sự cô đơn càng lớn, thơ ông càng hay, như ám vào đời ông như “Xòe tay ngỡ gặp bạn/Nắm lại hóa tay mình” nhưng không vì thế mà sinh đố kỵ, hẹp hòi, kể công hay trách cứ, mà lặng lẽ sống và dâng hiến cho thi ca. Ông luôn quan tâm dìu dắt trân quý những tài năng trẻ, lớp trẻ như Trần Quang Quý, Văn Chinh, Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Hưng Hải, Ngô Kim Đỉnh, Hải Thanh, Phạm Việt Đức, Hà Thành, Tuyết Chinh, Bích Phượng,Vũ Thanh Thủy… Cũng chính ông là người khởi xướng việc tổ chức các lớp năng khiếu sáng tác hàng năm của Hội từ năm 1990. Là nhà thơ được đào tạo bài bản, lại tôi luyện trong chiến tranh nên ông rất thận trọng trong thẩm định tác phẩm của hội viên, cộng tác viên. Ấy là thời mảng thơ của Tạp chí “Sáng tác mới” sau này là “Văn nghệ Đất Tổ” do ông từng là chủ biên luôn chất lượng và uy tín.
Gắn bó với vùng đất cội nguồn dân tộc đến mấy chục năm, thơ ông chủ yếu viết về quê hương, đất nước, con người Phú Thọ. Thơ cũng như con người ông đức độ, hiền từ, nhân hậu mà đĩnh đạc. Tôi nhận thấy ở con người ông một tri thức đúng nghĩa, một tâm hồn thi sỹ dạt dào và đa cảm. Mỗi khi gặp một ý thơ là ông lại vội ghi vào sổ, rồi chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ chỉnh sửa hoàn thiện một cách cẩn trọng. Tôi ấn tượng với những bài thơ ngắn trong dòng cảm xúc chợt đến này của ông, đặc biệt những bài thơ viết khi trong lòng đầy xao xuyến, bâng khuâng chia tay người thân yêu:
Chia tay, anh vội qua sông
đò sang, lòng cứ ngóng trông trở về
lẫn vào màu cỏ ven đê
áo em xanh suốt trưa hè bên sông
Hoặc ở một bài khác cũng vẫn bên dòng sông, cũng trong dòng cảm xúc chia tay, tạm biệt người thân yêu. Hình như cái dòng sông và bến đò ngày đó đã chứng kiến bao kỷ niệm, những cuộc chia tay đầy lưu luyến, xúc động của thi sĩ Nguyễn Đình Ảnh suốt một thời gian dài, cứ từ quê nhà đến trường, từ quê nhà đến đơn vị và ngược lại.
“Bây giờ em đã qua phà
bên kia bờ hẳn quê nhà đợi mong
chỉ còn tôi với dòng sông
sương buông bạc giá chiều đông bến phà”
(Chiều bên sông – viết năm 1979)
Trong mạch cảm xúc này, cho đến khi sau những năm tháng lo toan cho cuộc sống mưu sinh, thời khó khăn của cả đất nước, nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh lại có dịp trở lại bến sông xưa. Rồi cảm xúc về những kỷ niệm xưa ập tới khiến ông bồi hồi, bâng khuâng tự hỏi:
“Bến xưa đây, phà xưa đâu
sông xưa giờ đã có cầu sang ngang
dưới trời, mây nước mênh mang
vắng em, còn bãi cát vàng và tôi…”
(Trở lại bên sông - viết năm 1985)
Cái cảm giác xúc động chia tay xa nhớ người thương, cái nhớ nhung, bâng khuâng mong đợi và cả sự cô đơn khi vắng bóng nàng thơ của mình, đã khiến nhà thơ bộc bạch:
“Ôi, chiều nay nhận thư em
Muốn hôn - hôn cả con tem ngoài bì
Gió ơi gió thổi làm chi
Cho lòng ta hát… cả khi không người?”
Rồi mảng thơ thi sĩ viết dành cho những người thân yêu trong gia đình như ông, bà, cha mẹ, vợ và các con ông cũng thật giản dị mà xúc động. Nó gợi nhớ về một thời khó khăn cả dân tộc gồng mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ thiếu thốn vất vả đủ đường, mà chính gia đình ông như một đại diện tiêu biểu. Nhưng con người lúc đó nói chung và gia đình ông nói riêng thật trong sáng, ấm áp và bao dung hơn bao giờ hết. Đạm bạc mà thanh cao, quý trọng, nâng niu hạnh phúc giản dị:
“Em biết con theo anh lên rừng….
em đốt lửa - anh rửa rau, vo gạo
có qua những ngày đầy giông bão
mới hiểu lòng cây gỗ cứng, mềm”
(Tạm biệt miền rừng - Tặng Thanh)
…“Lớn rồi - xa mẹ, xa nhà
nhớ quê là nhớ ngôi nhà trước tiên
bữa cơm - ngồi trước mái hiên
quả cà pháo, miếng rau rền chấm tương…"
(Ngôi nhà và hai bà cháu)
“ Cha đứng dưới mái hiên
đếm từng bước, từng bước
giá đâu thay mẹ được
cha sẽ vào ngay thôi!
Hơn chín tháng mang thai
đợi một ngày sinh nở
bao nhiêu là vất vả
mẹ chờ con ra đời”!
(Đau sinh con - tặng con Việt Lâm)
…"Đắm chìm trong cuộc mưu sinh
chữ "nhẫn" dễ bạc, chữ "tình" dễ phai
tri âm - có được mấy ai!
phẳng bằng thì ít, chông gai thì nhiều…"
Có thể nói, những năm tháng làm việc cùng ông học ở ông về cách cảm, cách nghĩ, cách làm việc của một tâm hồn nghệ sĩ, nhất là qua mỗi chuyến công tác. Ông thường có ngay những bài thơ đáng suy ngẫm, với nhiều triết lý sâu xa về nhân tình thế thái. Bên cạnh đó còn có những bài thơ ông viết về các danh nhân, bạn bè…có khi chỉ với mấy câu đã khái quát tính cách, cuộc đời, sự nghiệp của họ.
..."Bốn mươi thế kỷ sau
thiên hạ sẽ còn chiêm ngưỡng ta"
Thế mà…
sau khi đánh bại liên quân Áo - Ý
hoàng đế đã phái ngay một chàng kỵ sỹ
hỏa tốc về Pa-ri
trao tận tay cho nàng Jo-sê-pin
vẻn vẹn một bức thư chỉ có mấy chữ:
"Đừng tắm rửa gì cả!
đợi rồi trẫm sẽ về..."
(Bí quyết của tình yêu - Viết tặng Na-pô-lê-ông - Hoàng đế Pháp)
“Sống gần trọn một thế kỷ
vẽ đến hàng vạn bức tranh
chỉ ước một điều giản dị
vẽ sao... được như trẻ con”
(Điều ước - Viết tặng danh họa Pi-cát-xô)
“Tự lấy một khẩu súng ngắn
rồi bắn vào ngực mình
và ông vĩnh biệt cõi trần
khi mới... ba mươi bảy tuổi!
sinh thời - Không bán được bức tranh nào
mà khi ông mất rồi, chẳng hiểu vì sao
người ta đổ xô đến mua và bán”
(Viết tặng danh họa Van Gogh)
…"Ông già và biển cả" ấy
có còn theo "Tảng băng trôi"?
ra trận như một dũng sĩ
viết văn: Nhận giải Nô-ben
lau súng - phải chăng vô ý
nên về thế giới bên kia?...”
(Phác họa chân dung Hê-ming-guê)
Cũng ở mảng thơ này, năm 1998 tôi có dịp được cùng ông đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động VHNT ở Trung Quốc. Mỗi khi đứng trước một di tích hay danh nhân, thấy ông thường chăm chú ghi chép, rồi khi về nước ngày ngày tôi được ông đọc cho nghe những bài thơ mới viết về các nhân vật nổi tiếng Trung Quốc như: Khổng Tử, Vua Thuấn, Hoàng Lạc Lâu, Thôi Hiệu, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Tề Bạch Thạch, Võ Tài Tuấn, Tào Tháo... xin dẫn mấy câu sau:
…"Quá giống thì lại tục
không giống thì dối đời
phải vừa giống vừa khác
hình, thần mới sánh đôi
xem tranh thấy mọi vật
như toát ra hồn người..."
(Xem tranh cụ Tề)
“Đêm khuya không biết từ đâu
vẳng lên tiếng đàn kỹ nữ
tiếng đàn xiết bao sầu não
ông liền thức trắng làm thơ
thế rồi... chấp cả xưa sau
Tỳ bà hành" thành bất hủ”!
(Tiếng đàn của người kỹ nữ - Viết tặng Bạch Cư Dị)
Song hành với thơ viết về quê hương, danh nhân, bạn bè người thân, ở thể loại thơ hai câu không đề rất thi sĩ lãng mạn, trữ tình lung linh mà đầy đúc kết triết lý:
Câu thơ mình viết cho mình
Biết đâu thấu cả nghĩa tình thế gian?
Thà uống một giọt giữa trưa
Còn hơn uống cả cơn mưa cuối ngày
Dẫu đi đến cuối đoạn đường
Đừng quên cái quán ta thường trú chân
Suốt đời mòn bút làm thơ
Khéo khôn thì mất, ngây thơ thì còn!
Mảng đề tài này còn theo nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh suốt cuộc đời sáng tác của ông, ông viết về các chính khách, danh nhân trong nước, bạn bè thân hữu xa gần. Tôi còn nhớ bài thơ ông viết tặng nhà văn Sao Mai, người công tác ở Hội cùng ông và tôi nhiều năm.
Hôm nào cũng đọc báo
Để biết mục "Tin buồn"
xem những bạn bè cũ
ai đã về "Cõi âm"?
Tiễn bạn bằng cái tâm
bằng âm thầm ý nghĩ
kiếp người… sao ngắn thế
mới đây… đã đi đâu…
(Kiếp người)
Bên cạnh sự mến mộ ông về thi ca, con người nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh khiến chúng ta luôn nể phục bởi ở ông một nhân cách sống giản dị, khiêm nhường, thân mật, gần gũi nhưng cũng rất chỉn chu đàng hoàng, đề cao tự trọng của kẻ sỹ. Ông còn là người có kiến thức sâu rộng, uyên thâm, đọc nhiều, biết nhiều, luôn ứng xử văn hóa, luôn tôn trọng mọi người xung quanh, chưa bao giờ thấy ông gọi ai đó là thằng này, hay con kia. Với tôi dù là tuổi con cháu ông luôn gọi anh Dũng, anh Dũng… Ông là bạn học thân thiết và cùng công tác với các văn nghệ sỹ tên tuổi như: Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Hữu Thỉnh, Đỗ Chu, Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Trí Huân, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Đăng Bảy...
Tôi kính trọng nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh về câu chữ, văn phạm... hình như ông sinh ra chỉ để làm thơ, làm biên tập sách báo, làm thuyết minh phim trong quân đội. Ông hoàn toàn không phải là con người của cơ chế thị trường, của thời hiện đại. Điều này chính nhà thơ cũng luôn thừa nhận. Phải chăng phẩm chất nhà nho đã thấm trong con người nhà giáo - nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh, khiến ông luôn lịch lãm, nho nhã, nhỏ nhẹ, nhẫn nhịn và độ lượng đến mức kinh ngạc. Nghĩ về ông tôi cứ có liên tưởng đến nhân vật ông Bằng- một người mực thước luôn biết giáo dục con cái về truyền thống đạo lý trong tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” của nhà văn Ma Văn Kháng.
Ở cơ quan Hội, mỗi sáng lúc rảnh rỗi, thấy ông ngồi chậm rãi nhâm nhi chén trà, thả những làn khói thuốc là tôi lại kiếm cơ ghé phòng ông, ngồi nghe ông nói về chiêm nghiệm cuộc đời, kinh nghiệm ứng xử, phép đối nhân xử thế của người xưa để suy ngẫm, học tập... Có lần ông kể cho tôi nghe trong một dịp đại hội nhà văn, nhiều nhà văn trẻ đã quá khích trong phát biểu, như có ý phủ nhận hạ bệ các bậc tiền bối, vậy mà nhà văn Nguyễn Đình Thi - Chủ tịch đoàn vẫn bình tĩnh, khoan thai, vẫn luôn nở nụ cười mỉm đầy độ lượng, không một lời giải thích hay biện minh. Ông nói với tôi là người dự đại hội lúc đó, ông có cảm giác nhà văn Nguyễn Đình Thi đúng là một nhân cách lớn, như người đã tu đến Đạo, thật đáng kính nể. Cũng có lúc đọc ở đâu một bài thơ hay, một truyện ngắn đặc sắc, hay một bài viết tâm đắc, nhà thơ cũng thông tin chia sẻ cho tôi để tìm đọc, rồi chú cháu cùng luận bàn về ý nghĩa sâu xa, giá trị nhân văn của tác phẩm đó.
Một lần ông kể cho tôi nghe về một truyện ngắn của tác giả người Nhật Bản có nhan đề: "Ô thế à”. Câu chuyện kể về một anh bán cá, vụng trộm với một cô gái trong làng, chuyện vỡ lở khi cô gái mang bầu rồi sinh con, bao lời đàm tiếu gán cho nhà sư ở gần đó, khi anh chàng bán cá và cô gái đã thống nhất đổ mọi tội lỗi lên nhà sư. Mọi người chất vấn nhà sư ông chỉ nói một câu: "Ô thế à!". Rồi họ mang con đặt ở chùa để buộc nhà sư phải nuôi. Hàng ngày nhất là những ngày mùa đông giá rét, nhà sư vẫn âm thầm vào làng mua thức ăn, xin sữa về nuôi đứa trẻ. Cho đến khi đứa trẻ khôn lớn, cứng cáp, họ lại quyết định nhận lại con mình, đòi lại đứa trẻ. Nhà sư cũng chỉ nói vẻn vẹn một câu "Ô thế à!". Tôi thấy ông rất tâm đắc truyện ngắn này và đánh giá sự cao Đạo của nhà sư. Cũng có lúc tôi chứng kiến ông gặp phải những chuyện không vui, việc lớn tiếng của một đám đông hay một sự đố kỵ nào đó… Bực mình quá nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh thường lui về phòng mình, ngồi xuống ghế như bất động, mắt nhìn xa xăm, chỉ còn những mạch máu đang nổi đỏ trên cổ ông. Có lúc thấy ông tâm trạng cô đơn, buồn man mác không nói thành lời, lại có lúc tôi thấy ông đọc nhỏ câu thơ của một nhà thơ Nga: “Đàn sếu thì thích hát đồng ca/Còn thiên nga thì đành im lặng". Những lúc như vậy, tôi nghĩ ông chính là con thiên nga đó.
Mười lăm năm công tác cùng ông, ngẫm nghĩ về thơ ông, về con người ông. Viết ra những dòng này, lại thấy hiện về hình ảnh ông - một trí thức mảnh dẻ, nho nhã, luôn mẫn cán với công việc, sách cặp đi bộ đến cơ quan đúng giờ, về đúng giờ, cẩn trọng trong từng câu chữ, trong cả những phát ngôn. Giữ mãi được mạch cảm xúc cho thơ, và có lẽ cũng chính nhờ thơ mà tạo nên một nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh trong lòng bạn bè, cùng những câu thơ còn mãi với thời gian. Nhớ đến thơ ông, thấy hình ảnh ông hôm nào đang đàm đạo, chuyện thơ, chuyện đời với chúng tôi: Cao Khắc Thùy, Nguyễn Hữu Nhàn, Sao Mai, Xuân Mai, Trịnh Hoài Đức, Hoàng Bình Trọng, Triệu Huyền Ngọc, Đỗ Ngọc Dũng hay cả những anh chị em văn phòng cơ quan Hội: bà Dần, anh Nhật, chị Doanh, chị Tuất, chị Hương ngày ấy.
Nhớ về gia đình ông cùng căn nhà nhỏ đơn sơ bên sườn đồi năm nào, nhớ đến cái quán nước nhỏ ven đường gần cổng Hội, các con ông thay nhau túc trực, bán mua mấy chén trà, vài thanh kẹo lac, bao thuốc lá mong có thêm chút ấm lòng, vượt qua những ngày khó khăn của một thời khốn khó, cũng có lúc tin bạn bèn người thân, tưởng ai cũng như mình làm cho gia đình đã khốn khó lại càng khốn khó hơn. Nhưng ông trời có mắt, giờ thì họ đều đã trưởng thành. Xin được mượn một bài thơ của ông để nhớ về một Nguyễn Đình Ảnh- thi sĩ tài hoa, người thơ nho nhã:
"Đi khắp Bắc chí Nam
lấy thơ là bầu là bạn
dáng dấp - Trông thì hom hem
mà lạ: Đã bao giờ ốm?
Chỉ cần có ánh điện sáng
là nằm ngửa - Viết trên gường
mỗi khi tứ thơ vụt đến
viết - Không cần ghế cần bàn!
Suốt ngày tim, óc ngổn ngang
việc nhà riêng, việc công sở
vẫn luôn thấy mình mắc nợ
với bao kiếp người trần gian...
Sống - Còn có lúc cơ hàn
nhưng thơ... chẳng bao giờ thiếu!"
(Chân dung tự họa - viết năm 2000).