Đổi mới từ học và làm theo Bác

Thứ bảy, 02/12/2017 23:33

LTS: Phong trào học tập và làm theo tấm gương Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh đang đi vào cuộc sống. Có thể nhận thấy tại khắp 63 tỉnh thành trong cả nước, mỗi nơi đều có cách làm sáng tạo, vận dụng việc học và làm theo Bác cho phù hợp với cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương, và tất cả đều hướng tới khát vọng để mỗi cán bộ, đảng viên sống tốt hơn, đạo đức trong sáng hơn, sống với nhau có tình, có nghĩa hơn; mỗi địa phương, mỗi vùng đất dần đổi thay, đời sống nhân dân no ấm hơn, hạnh phúc hơn…

Đi nhiều nơi, đắm mình trong thực tiễn, mới thấy rõ sự đổi mới, hiệu quả từ việc học tập và làm theo Bác, từ Hà Giang tới Ninh Thuận, đến Cà Mau… trong loạt bài phản ánh, là những minh chứng sống động cho phong trào học tập và làm theo Bác hiện nay.

Bài 1:  Là đảng viên, là cán bộ của Bác, thì phải làm gương!

(ĐCSVN)- Cuối tháng 9, những vồng ruộng bậc thang chạy dài từ Thông Nguyên của huyện Hoàng Su Phì, vắt vẻo trên các sườn núi chờn vờn mây tưởng nối tới đỉnh trời, lúa đã hanh hanh vàng. Con đường huyền thoại bên núi cao thăm thẳm, bên vực sâu hút mắt, liên tục những khúc cua tay áo, đã thấp thoáng bóng các chàng trai, cô gái “phượt thủ” canh mùa lúa chín xuyên đêm từ xuôi lên.

Cầu Cốc Pài - cây cầu Đại đoàn kết, đưa lại nhiều đổi thay cho Xín Mần.( Ảnh:PV )

Trước chuyến đi, điện thoại cho anh Lê Quang Minh, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, nói về đề tài muốn thực hiện và vùng đất cực bắc sẽ đi để “Mắt thấy, tai nghe” những thay đổi trên mảnh đất này sau một năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, anh nói, hãy lên Xín Mần và Hoàng Su Phì, vùng đất khó phía tây của tỉnh được coi là nghèo nhất nước, sẽ gặp nhiều con người, nhiều kỳ tích... Chúng tôi tỏ ý e ngại, bởi đang mùa mưa, vùng đất đồi phía tây Hà Giang thường xuyên sụt lở, chuyện tắc đường đột ngột do lở đất là chuyện thường ngày… Nghe xong, bằng giọng nhanh và quyết liệt, anh Lê Quang Minh quả quyết: Đi được! mình vừa ở đó về, đi mới thấy vượt khó không uổng phí, sẽ gặp nhiều điều hay đấy! Sực nhớ, anh Lê Quang Minh là một trong những người góp phần tạo nên dấu ấn Xín Mần, nhiều năm gắn bó với vùng đất “ Nghèo nhất của nghèo nhất” này, bởi anh đã có thời gắn bó với Xín Mần với cương vị là Bí thư Huyện ủy - người đã góp phần tạo nên dấu ấn của Xín Mần hôm nay.

Phải nhớ lại, hơn chục năm trước, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức cuộc thi Tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Rất bất ngờ, trong hàng vạn bài dự thi, Ban tổ chức nhận được một bài viết từ Xín Mần, rất mộc mạc, kể về tấm gương đồng bào người Mông làm theo lời Bác, hết mình vận động bà con tăng gia sản xuất, xây dựng đời sống mới, không nghe theo lời kẻ xấu để đi theo tà đạo, phá bàn thờ tổ tiên, thậm chí nhảy vực tự tử để được đi theo chúa trời… Chúng tôi khi ấy, còn rất trẻ, đã đi theo những con chữ mộc mạc lấm lem đất rừng, gửi về từ rất xa, để qua những dốc cua tay áo đến với Xín Mần, đêm nằm nhà khách trống hoác nghe tiếng suối gầm gào dưới sàn nhà, đã được gặp người nông dân trên lưng chừng trùng điệp bậc thang, nghe người nông dân ấy nói về tình cảm thiêng liêng với Bác mà lòng muốn khóc, chiều về viếng nghĩa trang liệt sĩ Xín Mần, nơi ghi tên rất nhiều liệt sĩ quê miền xuôi xa rất xa, chắc chẳng bao giờ mong chờ nén hương của người ruột thịt, để tim nhói đau… Cũng là cái duyên, hơn chục năm quay lại Xín Mần, là lần nữa đo lại tình cảm của mình, đo lại tình cảm của những người đã gặp, xem còn nguyên vẹn như xưa?

Chiều muộn, đến Xín Mần sau những lắc lư, những mỏi mệt qua hàng trăm ki lô mét đường chênh vênh bên vực thẳm, bên núi cả, cái nắng đầu thu trong vắt hắt bóng cây cầu mới quàng qua dòng sông Chảy xa vút dưới vực sâu, nối Xín Mần với Hoàng Su Phì, đẹp lạ lùng. Chị Mai, Phó chánh văn phòng Huyện ủy- vốn là cô giáo cắm bản nhiều năm, người đầu tiên dẫn chúng tôi dạo quanh thị trấn Cốc Pài đầy dốc, cười rạng rỡ: Đây là cây cầu nối những bờ vui, cây cầu đoàn kết các anh chị à! Chỉ là hơn mấy chục mét thôi, mà mấy chục năm chia cắt, mà khó khăn chất chồng… Đã hết chia cắt rồi, giờ một ngày có 4 - 5 chuyến xe chạy từ Xín Mần ra Thành phố Hà Giang, từ Xín Mần đi Hà Nội… Hà Giang có cái gì, Xín Mần có cái đó rồi anh chị ơi…

Ôi niềm vui, niềm hạnh phúc, có lúc chỉ đơn giản vậy thôi ư?!

Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại Hoàng Su Phì.
( Ảnh:PV )

Chứ sao, chị Mai cười, nhẹ như mây chiều - không xa đâu, chỉ ngay năm trước thôi, Xín Mần còn như một vùng tách biệt. Cùng một cung đường, nhưng dường như người đến chỉ nhớ Hoàng Su Phì với thiên đường ruộng bậc thang, và chỉ tới đó là chân đã mỏi. Hỏi có đi tiếp đến Xín Mần không, trả lời cũng là một câu hỏi: Xín Mần có gì? Ừ, Xín Mần có gì nhỉ, có thêm 40 ki lô mét đường chênh vênh bám mép vực, là vùng đất bị chia cắt mạnh bởi sông, suối, đồi, cây con đều khó lên, khó sống, đất thì nhiều mà lương thực không đủ ăn, đến nước cũng không đủ để tắm, những chuyến xe khó nhọc lên Xín Mần cũng chỉ là gạo, là lợn, những thứ no bụng người mà chẳng để giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngày ấy, chỉ lo cho đủ no là đã hạnh phúc lắm... Và, cứ như thế, Xín Mần lửng lơ như một dấu hỏi không câu trả lời.

Học Bác thì phải kết đoàn!


                       Nhớ lời Bác dạy “Nói đi đôi với làm”, Cán bộ huyện Hoàng Su Phì thường xuyên xuống đồng cùng bà con.(Ảnh: PV)

Cuộc gặp lúc chiều muộn với Bí thư huyện ủy Vàng Seo Cón rất nhanh, không phải vì thời gian eo hẹp, bởi ở đây, khái niệm giờ làm việc dường như bị xóa nhòa. Hai ngày ở Xín Mần, chúng tôi càng khẳng định điều đó, khi chứng kiến không khí làm việc nghiêm túc lúc 7 giờ tối, lúc cán bộ các phòng ban vượt núi về tới huyện sau một ngày đi Bản. Cuộc phỏng vấn ngắn gọn, là bởi ngay từ khi bước vào phòng, bằng giọng chậm và chắc đặc trưng của người miền núi, Vàng Seo Cón nói, dù Bí thư mới được phân công về huyện 4 tháng, nhưng tất cả công việc đang bắt nhịp, rất rõ, rất mới, các nhà báo cần gì xin cung cấp thật nhanh; rằng không phải chỉ 4 tháng khi Bí thư mới về, mà hàng năm rồi, tất cả các công việc, các chương trình của huyện đều gắn với cuộc Vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, mời các nhà báo đi thị sát thực tế từng xã, từng bản, từng chi bộ...để thấy rõ việc học Bác nơi đây ghi dấu bằng những việc làm cụ thể, những kết quả cụ thể, đo được bằng bát cơm người già, manh áo trẻ thơ, bằng từng bước chân trên con đường đất đơn sơ mới mở nối bản với bản, nhà với nhà, bằng tình đoàn kết, yêu thương...

Lướt qua tài liệu, chộp được dòng báo cáo về việc Bí thư đối thoại với dân, tôi hỏi, kế hoạch này được duy trì như thế nào, nội dung bà con yêu cầu đối thoại thường gồm những vấn đề gì? Bí thư Vàng Seo Cón bộc bạch, đây là một trong những nhiệm vụ của mỗi cá nhân lãnh đạo trong thường vụ Huyện ủy, thường mỗi tháng, Bí thư và các đồng chí được phân công sẽ về tận Xã, gặp gỡ, đối thoại, giải đáp tại chỗ những thắc mắc của dân, vấn đề nào liên quan đến Luật, chính sách, sẽ ghi nhận và sau đó giao cho đơn vị chức năng giải quyết, đưa ra kết quả nhanh nhất... Còn nội dung đối thoại, nhà báo biết đấy, ở cấp cơ sở cuối cùng, lại là vùng 100% đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vô cùng khó khăn, thì thắc mắc của bà con nhiều lắm! Từ đất đai sản xuất, cây giống, con giống, nguồn nước, chính sách hộ nghèo, đến việc nhỏ như sinh đẻ, mâu thuẫn họ hàng... bà con đều lôi ra chất vấn cán bộ hết! – Vậy có khi nào cán bộ tránh né những việc vụn vặt hoặc nhạy cảm, hay là có cảm giác đối thoại cho xong nhiệm vụ? – Không, nhà báo à, anh em ở đây đã xác định về với dân thì là con của dân, như Bác Hồ dặn cán bộ là đầy tớ của dân đấy. Nhà báo xem, đa số cán bộ ở đây là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, mang cái họ Vàng, họ Sùng, họ Lý... sống thẳng như cây rừng, cũng như cái cây rừng mọc lên từ núi, sao sống khác nguồn cội cho nổi?  Được học tập, thấm nhuần những bài học về đạo đức Bác Hồ, anh em càng thấy trách nhiệm. Không phải là lý luận suông đâu, cũng không phải là điều gì xa xôi, nhà báo cứ đến thăm bất cứ nhà bà con nào nơi đây, hỏi về tình cảm của bà con với Bác, sẽ hiểu! Lời nhắc của Bí thư Vàng Seo Cón làm nhớ lại chuyến đi nhiều năm trước, khi anh Lê Quang Minh còn là Bí thư Huyện ủy, lên Xín Mần, chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên và xúc động, khi đến nhiều gia đình nơi đây, dù giàu nghèo, nhà gỗ hay vách đất mái tranh, thì nhà nào cũng giành một vị trí trang trọng nhất để treo ảnh Bác. Khi ấy chúng tôi đã nghẹn ngào hỏi một cụ già, rằng có cán bộ nào hướng dẫn gia đình cụ làm việc này không. Cụ xua tay, không, Bác Hồ là người trong nhà, thương lắm, không có Bác, cả nhà tao không được như thế này đâu…

Bí thư Vàng Seo Cón cho biết, Huyện Xín Mần có 19 xã, 1 thị trấn, trong đó có 4 xã giáp biên. Với địa hình phức tạp, địa bàn rộng, đường đi lại khó khăn, khoảng cách giữa các xã cách xa nhau, trình độ dân trí còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới nên công tác bồi dưỡng và phát triển đảng viên ở huyện còn gặp nhiều khó khăn, cũng chính vì thế mà việc triển khai Chỉ thị 05, đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào thực chất, cũng không phải là điều đơn giản. Để thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên trên địa bàn toàn huyện, nhất là vùng biên giới, Huyện ủy đã chỉ đạo các Chi, Đảng bộ thường xuyên quan tâm nâng cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05; chỉ đạo các cấp ủy cơ sở xây dựng kế hoạch, chương trình hành động trọng tâm, cụ thể, đồng thời phân công đảng viên chính thức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp đỡ người vào Đảng; lãnh, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tích cực phát động các phong trào thi đua, qua đó phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng.

Những ngôi trường khang trang, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho các em nhỏ.( Ảnh:PV )

Nhiều năm qua, huyện đã thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Tỉnh ủy và Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng tỉnh trong việc tăng cường cán bộ Bộ đội Biên phòng có uy tín, năng lực giữ chức vụ chủ chốt là Bí thư, Phó Bí thư tại các xã biên giới. Các cán bộ được tăng cường sẽ tham gia cấp ủy địa phương, giúp tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cơ sở kiện toàn, củng cố tổ chức Đảng và hệ thống chính trị cơ sở, từ đó phát hiện, bồi dưỡng quần chúng để phát triển đảng viên, đồng thời, tham mưu, giúp đỡ các tổ chức Đảng nâng cao chất lượng sinh hoạt và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ trong thực hiện phát triển kinh tế, xã hội, ổn định an ninh, chính trị và nâng cao đời sống cho người dân. Khó khăn như xã Nàn Xỉn của huyện, nơi đông bà con người dân tộc La Chí, số lượng đảng viên ở chi bộ các thôn không nhiều, thì chế độ sinh hoạt mẫu luân phiên vẫn được duy trì tốt, công tác phát triển đảng viên mới trong lực lượng thanh niên, người có uy tín tại các thôn vẫn đặc biệt được chú trọng…

Bí thư Vàng Seo Cón  nhấn mạnh: Chúng tôi xác định, để triển khai tốt Chỉ thị 05,  cần  phát huy vai trò của mỗi đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng, phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên; gắn trách nhiệm với người đứng đầu trong việc thực hiện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị,

                                                   

Chúng tôi, trên chiếc xe lấm lem bùn đất, nắng lên, bùn đất hóa bụi, mỗi lần mở đóng cửa, bụi mù quẩn theo người vào xe – hăm hở theo anh Vương Văn Minh – một kỹ sư tin học rất trẻ của Văn phòng Huyện ủy, vượt qua đèo Gió – con đèo mà chúng tôi đùa gọi đèo Ù tai, bởi chưa lên đến đỉnh thì tai ù đặc, để đến Nấm Dẩn và Khuôn Lùng, 2 xã đang là điểm sáng trong phong trào xóa đói giảm nghèo của Xín Mần. Trên đường,  Vương Văn Minh – chàng trai  người La Chí - đã kể cho chúng tôi nghe về phong tục và văn hóa dân tộc của cậu. Rất ngạc nhiên, con người nơi đây, như cây ngô, cây lúa trên núi cao, dù khắc nghiệt đến đâu, cũng vươn mầm xanh dưới mặt trời…. Sinh năm 1988, Minh là đứa  con La Chí hiếm hoi của xã Bản Díu đỗ đại học, với suy nghĩ phải vượt ra khỏi con dốc đầu bản, đến với thế giới, để bên ngoài hiểu, có một dân tộc như thế đang vươn lên. Mơ ước của Minh trở thành sự thực, và còn xa hơn, em đã có thể liên kết với cả thế giới qua máy tính, với những kiến thức em được học. Minh kể về cái Tết Khu Cù Tê, hay còn gọi là Tết tháng bảy mang đậm bản sắc riêng của cộng đồng người La Chí. Tại buổi lễ, bà con tiến hành các nghi thức dâng hương, mâm lễ vật và thực hiện lễ cúng để cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng quanh năm tươi tốt, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc... Minh cất tiếng hát - bài dân ca La Chí bằng tiếng dân tộc em. Mặc dù không hiểu, nhưng nhìn ánh mắt lấp lánh của Minh, chúng tôi tin rằng nó rất hay và giá trị vô cùng...

 

Du lịch homestay - hướng đi mới, sáng tạo của đồng bào dân tộc Nùng xã Khuôn Lùng ( Xín Mần).( Ảnh:PV )

Trụ sở làm việc của xã Nấm Dẩn vắng teo dù chỉ vỏn vẹn một dãy nhà. Lững thững đứng đợi, một cậu thanh niên chạy chiếc xe máy cũ đậu vào sân rồi mời chúng tôi vào phòng. Đang dợm miệng hỏi thăm đồng chí Bí thư Đảng ủy, cậu thanh niên đã xin lỗi vì Bí thư đi họp huyện, và: “ Em là Nguyễn Văn Kinh, Chủ tịch xã, anh em trong xã đi họp và xuống bản với bà con hết rồi, em đang họp bên Trường tiểu học gần đây, nghe tin các anh chị tới, xin được làm việc với các anh chị!”. Từ Nấm Dẩn đến Khuôn Lùng, chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Là xã xa trung tâm huyện, vốn vô cùng khó khăn, để vượt lên chính mình, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Nấm Dẩn đã đặt trọn niềm tin vào thế hệ lãnh đạo có tuổi đời rất trẻ như Kinh, đầy năng nổ, đầy nhiệt huyết, dám nghĩ, dám quyết, dám làm... Còn ở Khuôn Lùng, chúng tôi lại gặp sự từng trải, hiểu biết, nhãn quan chính trị vững vàng của Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Định, khiến không khỏi ao ước, giá như nhiều cấp cơ sở, kể cả vùng xuôi, có được những cán bộ như Chủ tịch xã  Nguyễn Văn Kinh, như Bí thư xã Nguyễn Văn Định... Niềm tin tưởng ấy được củng cố khi Kinh ào ào đạp lên những bậc đá sắc như dao và trơn trượt, dẫn chúng tôi đi sâu vào khu rừng đặc dụng nguyên sinh nằm cạnh thác Tiên để tận mắt xem mô hình trồng cây thảo quả dưới tán rừng nguyên sinh – Chương trình mà Kinh gọi là “ Trồng thảo quả kết hợp bảo vệ rừng”, nghĩa là chương trình luôn luôn song hành rõ ràng 2 tiêu chí, không đặt nặng hay nhẹ bất cứ tiêu chí, mục đích nào. Thảo quả là loại cây dễ trồng, ít phải chăm sóc, tuy thân mềm, nhưng vòng đời dài, có thời gian thu hoạch kéo dài vài chục năm. Hiện thương lái thu mua tại chỗ đã xấp xỉ 70 ngàn đồng /1kg, thu hoạch bao nhiêu thương lái thu mua luôn đến đó… Chủ tịch xã Nguyễn Văn Kinh cho biết, hàng chục hecta rừng nguyên sinh đã phủ kín thảo quả dưới tán rừng, và con số này sẽ tăng lên nhiều nữa theo kế hoạch, hứa hẹn một cuộc sống đủ đầy hơn… Điều đáng mừng hơn cả, kể từ đó, hàng ngàn hecta rừng đặc dụng được bảo vệ tuyệt đối, đến một thân chuối rừng cũng không suy suyển. Bà con đoàn kết, hướng dẫn nhau, cùng nhau ý thức chăm lo bảo vệ rừng, thành một phong trào thi đua sôi nổi giữa các tổ, thôn, bản…

Đến Xín Mần, chúng tôi được nghe, tận mắt chứng kiến nhiều cách làm, nhiều chương trình sáng tạo, nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Đơn cử, việc mạnh dạn áp dụng Quyết định 352 và Nghị quyết 209/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh đang là hướng đi để huyện Xín Mần chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản hàng hóa. Cho đến nay, ngành chăn nuôi đã và đang vượt lên chiếm ưu thế trong sản xuất nông nghiệp chất lượng cao tại Xín Mần.Tính đến cuối năm 2014, Xín Mần có đàn trâu 16.548 con, bò 8.320 con, lợn 63.753 con, dê 17.609 con và gia cầm trên 435.000 con. Đến hết năm 2016, đàn trâu của huyện đã có 20.244 con, tăng trên 3.400 con; đàn bò 9.792 con, tăng trên 1.000 con, đàn lợn 75.445 con và đàn dê gần 22.000 con, đàn gia cầm có 535.000 con... Mức tăng trưởng tổng đàn gia súc, gia cầm của Xín Mần tăng liên tục qua các năm và đạt bình quân mức tăng đàn là 106%. Có thể khẳng định, phát triển chăn nuôi tại Xín Mần là hướng đầu tư hiệu quả được vận dụng sáng tạo trong thực tiễn sản xuất. Sáng tạo ở chỗ đã đưa bà con nông dân chuyển một phần đất trồng ngô, lúa kém hiệu quả bởi khô hạn, mất mùa sang trồng cỏ, giữ đất, nuôi trâu, bò, dê mang lại lợi ích kinh tế cao.

Phát huy vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế, mỗi đảng viên đang sinh hoạt tại các Chi bộ thực hiện đăng ký mô hình phát triển chăn nuôi hoặc chọn mô hình phát triển sản xuất khác phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Các hộ có đảng viên cũng sẽ tiên phong, gương mẫu thực hiện xây dựng Nông thôn mới, hiến đất làm các công trình phúc lợi, xây dựng bể nước, nhà tắm và các công trình phụ hợp vệ sinh..., gương mẫu trong công tác xã hội, vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh, đoàn kết, góp công, góp sức trong xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn… Sau hơn 1 năm phát động, nhiều mô hình phát triển sản xuất của đảng viên được triển khai và nhân rộng, qua đó, phong trào xây dựng Nông thôn mới trên toàn huyện được nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện rộng rãi. Điển hình là xã Khuôn Lùng, có 89 đảng viên thực hiện mô hình nuôi trâu từ 3 con trở lên, kinh tế trong xã phát triển rất nhanh, phong trào xây dựng nông thôn mới vì thế mà cũng được đẩy mạnh. Kết quả, năm 2016, xã Khuôn Lùng đã được công nhận đạt Chuẩn nông thôn mới giai đoạn I, không có nợ đọng…

 Được biết, Xín Mần đã thực hiện cải cách hành chính triệt để, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội, tạo  bước đệm cho kinh tế phát triển, các phong trào văn hoá, xã hội khởi sắc. Cho đến cuối năm 2016, tổng đầu tư từ các nguồn lực vào địa bàn ước trên 100 tỷ đồng.  Cây cầu Cốc Pài vắt ngang sông Chảy được Nhà nước đầu tư 159 tỷ đồng; Công trình đầu tư nâng cấp và mở rộng đầu tư vào khu kinh tế Cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) – Đô Long (Trung Quốc) có quy mô trên 30 ha đang nhộn nhịp dựng xây, hứa hẹn thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ và kinh tế cửa khẩu nơi này. Với tất cả những điều ấy, có thể tin chắc rằng Xín Mần sẽ trở thành một vùng kinh tế năng động, phát triển trong tương lai không xa.

Những ngày ở Xín Mần, “Đại đoàn kết” là từ mà chúng tôi được nghe nhắc tới nhiều nhất.  Nhiều con đường Đại đoàn kết, Chợ đại đoàn kết, trường học Đại đoàn kết đã hiển hiện, và hơn thế, có cả bữa cơm đại đoàn kết... Sức mạnh Đại đoàn kết bắt nguồn từ lời dạy của Bác đã được Đảng bộ, chính quyền nơi đây xây dựng, huy động, vun đắp đã trở thành biểu tượng của vùng đất này. Vụ tranh chấp nguồn nước trên đỉnh núi Sảng Phùng Sư, xã Ngán Chiên -Trung Thịnh -Sán Sả Hồ (Hoàng Su Phì) kéo dài 43 năm-  43 năm đầy rẫy những cừu oán đã được hóa giải. Sau 43 năm không nhìn mặt dù nghe chung tiếng con gà gáy sáng, lần đầu tiên bà con 3 xã tập trung cùng nấu, cùng ăn với nhau bữa cơm Đại đoàn kết, cùng sẻ chia nỗi niềm, cùng cảm thông để chia nhau nguồn nước trên dãy núi Sảng Phùng Sư, và từ nay yêu thương lại trở về, ấm áp mỗi nóc nhà dưới dãy núi này… Cũng chính đại đoàn kết đã là sức mạnh huy động nên hơn năm mươi ngàn ngày công của bà con các dân tộc trong huyện tham gia làm các công trình nông thôn mới, kiên cố hoá 42 km đường các loại; tu sửa và kiên cố hoá trên 5,2 km kênh mương; cải tạo và xây mới 57 phòng học, nâng cấp và xây mới 12 nhà văn hoá thôn; cải tạo 1 chợ xã, xây 2 công trình nhà lưu trú… Ngoài ngày công, bà con đã hiến tặng gần 17 ha đất để mở rộng đường, làm nhà văn hoá, xây trụ sở, trường học và đóng góp 921 triệu đồng làm các công trình phúc lợi xã hội… Những hành động đẹp đó, không gì khác, bắt nguồn từ sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân, được khơi dậy và nhân lên nhờ tin vào cán bộ, vào sự công tâm của cán bộ, những người đang hàng ngày phấn đấu, thi đua sống và làm việc theo ánh sáng của con người vĩ đại Hồ Chí Minh.

 

Là đảng viên, là cán bộ của Bác, thì phải làm gương!

Mùa đã về trên khắp dải núi Hoàng Su Phì. Trên miên man triền dốc, ruộng bậc thang đang ngả vàng, một màu vàng no ấm.  Giữa tháng 9, vậy là vụ này lúa chín sớm, cá chép ruộng cũng đã thu mấy lứa, như thế nghĩa là năm nay bà con sẽ ăn Tết to... Nhớ  xưa nơi đây, nhà nào cũng bữa ăn, bữa nhịn, cái đói thường trực, in trên da mặt vàng vọt của từng đứa trẻ, đừng nói đến có con cá, miếng thịt, đời sống cơ cực như không có lối thoát. Vậy mà mới chỉ vài năm, quay lại, cảm nhận đầu tiên là xe đang bon bon chạy trên những con đường bê tông phẳng phiu trải dài, những công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa mọc lên như từ trong cổ tích.. Mảnh đất Vỏ cây vàng (tiếng địa phương của Hoàng Su Phì) phía Tây Hà Giang đang thực sự từng giờ thay đổi.

 

Xây dựng thương hiệu chè hữu cơ - hướng đi mới của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ ( Hoàng Su Phì).( Ảnh:PV )

 

Trước giờ đi họp, Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì Hoàng Hải Lý đã trao đổi với chúng tôi về kết quả sau một năm thực hiện Chỉ thị 05 tại Đảng bộ huyện. Đồng chí khẳng định: Những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 đã trở thành tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn của địa phương mình. Đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong toàn Đảng bộ đã và đang tổ chức triển khai bằng nhiều hình thức, cách làm phù hợp, với quyết tâm thực hiện thắng lợi Chỉ thị, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, thúc đẩy phát triển Kinh tế- xã hội tại địa phương.

 

Bí thư Hoàng Hải Lý cho biết, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đã trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, cơ quan, đơn vị; mỗi cán bộ, đảng viên tự giác xây dựng các chuẩn mực đạo đức phù hợp với bản thân để rèn luyện, phấn đấu thực hiện. Lãnh đạo huyện xác định rõ, với các cán bộ đảng viên, người lãnh đạo thì việc “Nói đi đôi với làm” rất quan trọng và cần thiết, vì cán bộ là gốc của mọi công việc, là những tấm gương để quần chúng noi theo. Đội ngũ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và đảng viên phải làm gương, phải bắt tay cùng người dân tham gia trực tiếp vào việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông  thôn mới. Chỉ khi cán bộ đồng hành cùng người dân, mới củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, gắn với việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của tỉnh, huyện. Ban hành Nghị quyết sát, đúng với thực tiễn cơ sở, có cách làm sáng tạo, phù hợp, mỗi người dân đều phát huy được năng lực, sở trường, khơi dậy tiềm năng sẵn có của địa phương, phát huy được sức mạnh tổng hợp để vượt qua khó khăn, tiếp tục đưa Hoàng Su Phì đi lên, tận dụng mạnh mẽ các lợi thế mà thiên nhiên ưu đãi, chủ động, sáng tạo, có nhiều cách làm hay, vươn lên thoát nghèo, hoàn thành 8 điều dạy của Bác đối với đồng bào các dân tộc Hà Giang.

Lái chiếc bán tải băng băng vượt dốc đưa chúng tôi đi thăm các mô hình phát triển kinh tế gia đình, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì Lý Chòi Nhàn cho biết, nuôi cá Chép xen lúa là phương thức hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đây là mô hình hiệu quả, vừa tốn ít vốn vừa tận dụng được diện tích nuôi trồng, tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác và hạn chế được thuốc hóa học, làm giảm ô nhiễm môi trường. Lý Chòi Nhàn cho biết, mô hình nuôi cá Chép ruộng đang được một số địa phương trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì tích cực triển khai, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của bà con. Đơn cử như gia đình anh Lý Ngọc Thanh ở xã Bản Luốc có gần 2 ha ruộng lúa, đều được anh tận dụng thả cá Chép. Ngoài 5 tấn thóc thu hoạch, gia đình anh còn thu được 7 triệu đồng từ bán cá. Chỉ riêng 4 tháng canh tác vụ mùa với gần 2 ha ruộng, gia đình anh đã thu về gần 40 triệu đồng… Là một huyện nông nghiệp, Hoàng Su Phì xác định phát triển chăn nuôi là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, huyện đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, nhất là tập trung hỗ trợ về vốn vay, kỹ thuật chăn nuôi cho người dân; khuyến khích người dân mở rộng quy mô đàn, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại địa phương. Huyện đang có trên 28 nghìn con trâu, bò, 70 ngàn lợn, trên 23 nghìn con dê và hàng trăm ngàn con gia cầm... Huyện cũng đang có 18 trang trại, gia trại phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn; trên 300 mô hình phát triển kinh tế hộ đạt hiệu quả và cần được nhân rộng... Hầu hết các trang trại, gia trại trên địa bàn đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều trang trại thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cũng như vậy, những năm gần đây, các vùng chè trọng điểm theo hướng VietGap và hữu cơ đã được xây dựng, mở ra hướng đi mới trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè ra thị trường. Toàn huyện hiện có trên 225 ha chè sản xuất theo hướng hữu cơ. Dự kiến trong năm 2017 nâng tổng diện tích chè hữu cơ của toàn huyện lên 375 ha. Nhận thấy tiềm năng phát triển chè hữu cơ, Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ đã mở rộng nhà xưởng chế biến, đầu tư trang, thiết bị máy móc hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và xây dựng thương hiệu chè hữu cơ, an toàn. Phìn Hồ trà là thương hiệu đã được người tiêu dùng biết đến, không chỉ trong nước, mà còn vươn ra thị trường ngoài nước.

 

Đồng chí Hoàng Hải Lý, Bí thư Huyện ủy chia sẻ: Được ví là vùng đất thiên đường của ruộng bậc thang, vùng đất ẩn chứa tầng sâu văn hóa, thì việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được Hoàng Su Phì xác định là một mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng. Hiện  toàn huyện có 17 di sản văn hóa phi vật thể đang được điều tra, sưu tầm; có 1 di tích cấp Quốc gia, 4 di tích cấp tỉnh. Lễ cúng Thần rừng của người Nùng, Lễ hội Khu cù tê dân tộc La Chí, Lễ hội Quýa Hiéng của dân tộc Dao đỏ đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Điều giá trị nhất chúng tôi cảm nhận trực quan nơi đây, là trùng điệp nguyên vẹn những cánh rừng nguyên sinh kỳ vĩ,  Di tích Quốc gia Ruộng bậc thang, nương chè Shan tuyết cổ thụ, đỉnh Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi cao trên 2.400 m so với mực nước biển... Đây những tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái và du lịch văn hoá cộng đồng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Năm 2016, đã có trên 12.700 lượt khách đến huyện, trong đó, có trên 3 nghìn lượt khách nước ngoài, doanh thu ước đạt trên 6 tỷ đồng.

 

Khi có điểm tựa trong tim, không gì cản được bước đi về phía mặt trời!

 

Trong danh sách hơn 60 huyện trong cả nước thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững ( Nghị quyết 30a), Hoàng Su Phì và Xín Mần đứng đầu! Kể ra để thấy rõ, mảnh đất này, từ khi lập địa, với nhiệm vụ trấn giữ một vùng biên ải, nơi ghi dấu cương vực quốc gia, đã gặp khó khăn biết chừng nào. Núi non trùng điệp, nhưng đất để canh tác lại thiếu, người dân đời này qua đời khác còng lưng gùi đất, tay chắt chiu chia từng nắm đất vào hốc đá, để từ đó nảy mầm từng hạt ngô, nuôi mầm xanh của sự sống giữa sương, giữa băng giá... Nhưng cũng thật may mắn, do đất canh tác hiếm hoi, người dân nơi đây, hàng trăm năm bền bỉ, đã chọn các sườn núi có đất màu, bạt tam cấp để tạo thành những vạt đất bằng, đánh bờ giữ nước và dẫn nước từ những đỉnh núi cao về. Bài ca lao động của các thế hệ đã nối dài sự sống ở mảnh đất khó khăn này, đồng thời cho ra đời một tuyệt tác nghệ thuật: Ruộng bậc thang. Câu chuyện về ruộng bậc thang gắn với chương trình phát triển du lịch, là câu chuyện rất xa sau này. Chỉ biết, với địa hình ấy, thổ nhưỡng và khí trời thời tiết ấy, thì nhiều năm trước, Xín Mần và Hoàng Su Phì, dù có rực rỡ đồng vàng bậc thang tháng 5, tháng 10, thì đồng bào vẫn đói, trẻ con vẫn thất học nơi bản xa không lối đến... và thực tế, cuộc sống nghèo nàn, khó khăn, lạc hậu kéo dài không ít thập kỷ, là nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ.  Hết con cá đến cần câu, được hưởng nhiều ưu tiên, ưu đãi từ tỉnh cũng như Trung ương, nhưng sự đổi thay nơi đây hầu như không đáng kể, chỉ là cầm cự! Để có sự chuyển mình, lột xác thật sự ở vùng đất này, chỉ có thể bắt đầu từ nội lực- thay đổi từ chính nhận thức, bước đi, các làm đổi mới và sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên, của mỗi người dân - Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì Hoàng Hải Lý rưng rưng xúc động: Và chúng tôi đã làm được! Câu khẳng định ngắn gọn, bởi lời nào cho hết những gian nan đã trải!.

 

Trong suốt các cuộc trao đổi với Bí thư Hoàng Hải Lý, chúng tôi đọc được ở anh sự nhiệt thành hiếm có. Anh say sưa kể về kỹ thuật nuôi cá Chép ruộng của một nông dân trong bản xa rất xa, thông hiểu như chính câu chuyện của gia đình mình. Anh kể về nhưng bước chân ruộng đến các xã vùng cao, cùng ăn, cùng ngủ với đồng bào để tìm hiểu vì sao có những vấn đề đã đối thoại, đã giải thích có lý có tình mà bà con vẫn chưa thông, để cuối cùng tìm ra căn nguyên của khúc mắc… Hỏi anh, điều gì quyết định sự thay đổi chóng mặt nơi đây, anh trả lời không do dự: Cán bộ! cán bộ là gốc của mọi việc, như Bác Hồ đã dạy. Trong tất cả các cuộc đối thoại, điều lo lắng nhất của bà con là cán bộ không công tâm, không trong sáng khi giải quyết vụ việc. Khi cán bộ đã gương mẫu, đã được dân tin tưởng tuyệt đối, thì mọi việc trở nên nhẹ nhàng như đám mây trắng vờn trên thung lũng kia... Bao đời nay, đến bông lúa trên nương còn thiếu nước để nuôi thân, trổ bông còn nghẹn sữa, ai tin thả được cá dưới chân ruộng? Nhưng cán bộ bảo làm được, bà con tin theo, khoanh bậc thang chắc hơn, dẫn nước về theo hệ thống, đảm bảo ruộng đủ nước… Mùa, lúa tốt, suốt lúa tại ruộng mỏi tay, cá rạch lúc lỉu dưới đám rạ, đời sống thêm ấm no, không tin cán bộ sao được? Từ đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thay đổi cây giống, con giống… bà con đều thực hiện theo hướng dẫn. Hiến tặng đất làm đường, cán bộ hiến trước, bà con đồng lòng làm theo. Đảng viên Hoàng Văn Pẳn, Bí thư Chi bộ thôn Tân Sơn, xã Nà Chì (Xín Mần) luôn tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình,thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, trao đổi cách làm ăn với các hộ dân trong thôn, cũng là người đầu tiên hiến 30 mét đất vườn nhà để xây kè chống sạt lở, làm đường giao thông, kéo theo đó là nhiều gia đình noi gương làm theo ông làm kinh tế giỏi, tham gia hiến đất làm đường… Hỏi, ông trả lời đơn giản, là đảng viên, là cán bộ của Bác Hồ, thì phải làm gương! Nhiều, nhiều lắm những tấm gương cán bộ, đảng viên như đảng viên Pẳn ở vùng đất này, và không gì khác, chính những con người ấy là điều kiện đầu tiên làm nên sức mạnh để đổi thay cho quê hương.

 “Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm. Nghĩa là tự phê bình phải thường xuyên...”, thực hiện lời dặn đó của Bác Hồ, công tác tự phê bình và phê bình đã trở thành kim chỉ nam trong công tác xây dựng Đảng ở hai huyện vùng cao này. Những buổi họp kiểm điểm tới từng đảng viên đã làm thay đổi cách nghĩ của các đảng viên khi tham gia các buổi họp, giúp cho đảng viên tự nhận thấy điểm thiếu sót, tồn tại của mình, được các đảng viên khác cùng tìm ra cho hướng khắc phục. Vui hơn khi được biểu dương, tự thấy phải khắc phục ngay những tồn tại khi bị phê bình, là cảm nghĩ của mỗi đảng viên sau mỗi cuộc họp chi bộ...

Rời mảnh đất phía tây Hà Giang, ngàn ngạt mây trắng tràn về các thung lũng. Mây trắng, trời xanh, nương vàng và núi thẳm… trôi dần xa sau những vòng  xe chạy. Thấy bâng khuâng, thương quá mảnh đất này, nhọc nhằn tìm ra lối đi ngay dưới chân mình, tìm ra đột phá qua những điều bình dị để trăn trở đi lên. Có thể một năm, hai năm, có thể lâu hơn, Xín Mần và Hoàng Su Phì mới đạt được mục tiêu giảm nghèo, xóa nghèo bền vững, nhưng nhớ lại ánh mắt có lửa của những con người như Bí thư Hoàng Hải Lý, ánh mắt khao khát đổi thay của anh cán bộ nông nghiệp Lý Chòi Nhàn, ánh mắt tin tưởng của anh nông dân người Nùng nuôi bò trên lưng chừng núi, thấy một điều không gì thay đổi được, rằng khi đã có niềm tin, khi đã có điểm tựa trong tim, không gì có thể cản được bước đi về phía mặt trời!

Một trong những điểm tựa ấy, ngắn gọn trong một dòng giản dị, năm xưa Bác dặn Đảng bộ và nhân dân Hà Giang, nhân dịp Người về thăm mảnh đất địa đầu Tổ quốc: “Trước hết, tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà...”!.

Doãn Tiến - Thu Hiên - Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực