Gia Điền – Nơi khai sinh Báo Văn nghệ

Kỷ niệm 75 năm Báo Văn nghệ ra số đầu tiên 1948 - 2023
Thứ hai, 10/04/2023 21:09
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta chống thực dân Pháp, với chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 đập tan ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” nhằm kết thúc sớm việc xâm chiếm Việt Nam thứ 2, của thực dân Pháp. Phú Thọ với những điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã được chọn làm nơi hội tụ của nhiều trí thức, văn nghệ sỹ, nhà báo.

Mùa thu năm 1947, Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Tố Hữu lên Việt Bắc cùng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi phụ trách công tác văn nghệ. Thời điểm này, quân Pháp cay cú mở nhiều cuộc tấn công lớn đánh vào các căn cứ kháng chiến nhằm vây bắt và cô lập các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ ở Việt Bắc.

Với lợi thế của một vùng đồi núi cây cối rậm rạp, mảnh đất Hạ Hòa - Phú Thọ là nơi có nhiều văn nghệ sỹ, nhà báo trong và ngoài quân đội đến làm việc, lãnh đạo phong trào và hoạt động sáng tác, tuyên truyền. Gia Điền (Hạ Hòa) được chọn làm nơi để đóng trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam và trụ sở của Tạp chí Văn nghệ - cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam do nhà thơ Tố Hữu làm Thư ký tòa soạn, cùng với Thế Lữ, Văn Cao, Nguyên Hồng và các cộng sự: Tô Ngọc Vân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Kim Lân, Huy Cận, Hoài Thanh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Hữu Đang, Trần Huyền Trân, Lưu Quang Thuận, Như Phong, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Xuân Diệu, Thép Mới, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Thủy, Nguyễn Xuân Khoát...

Trong hoàn cảnh kháng chiến thiếu thốn nhưng với nhiệt huyết của các văn nghệ sỹ, nhiều đầu sách được ra đời, trong đó có những cuốn như: "Những người ở lại" của Nguyễn Huy Tưởng, "Vượt lên bão táp" của Nam Cao, "Phố mới"của Kim Lân, "Dãy người" - thơ của Nguyên Hồng, "Vỡ tỉnh" của Tô Hoài, "Nhận đường" tùy bút của Nguyễn Đình Thi, "Núi yên ngựa" của Ngô Tất Tố, "Văn Lỗ Tấn" của Phan Khôi dịch... Nơi đây, Hội Văn nghệ Việt Nam cũng làm những công việc cần thiết để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội văn nghệ Việt Nam - tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam ngày nay. Số Tạp chí Văn nghệ đầu tiên, tiền thân của Báo Văn nghệ ngày nay ra đời cuối tháng 3 và được phát hành rộng rãi đầu tháng 4/1948. Ở đây còn đóng trụ sở đầu tiên của Nhà xuất bản Văn nghệ do nhà văn Nguyễn Đình Thi làm giám đốc…

Nhà thơ Tố Hữu và Phu nhân thăm Hội VHNT Phú Thọ (trong chuyến trở về Nguồn - xã Gia Điền năm 1997).

Là người công tác nhiều năm ở Hội Văn học Nghệ thuật Phú Thọ, những năm qua, tôi được tháp tùng nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi của đất nước như: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Kim Lân, Tô Hoài, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Sanh, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Vũ…, tham gia cùng nhiều đoàn văn nghệ sỹ khác trong những chuyến trở về nguồn.

Qua tìm hiểu, tôi được biết rõ hơn về một thời văn nghệ kháng chiến gan khó lúc đó, nhưng lại sản sinh ra biết bao tên tuổi lớn của nền văn nghệ nước nhà, cùng với những tác phẩm của họ sẽ trường tồn với thời gian, gắn bó với các địa danh của Phú Thọ như: Gia Điền, Xuân Áng, Yên Kỳ. Đồng thời cũng hiểu thêm về sự ra đời của những số tạp chí văn nghệ đầu tiên; tạp chí được biên tập bản thảo ở Gia Điền, rồi được giao cho hai nhà văn Nguyên Hồng và Kim Lân đi in tận Thản Sơn, huyện Lập Thạch của tỉnh Vĩnh Phúc. Khi tạp chí in xong, ai ai cũng hồ hởi chào đón đứa con tinh thần của mình ra đời trong kháng chiến. Đặc biệt là Huy Cận và Xuân Diệu lúc đó đang ở Bắc Giang nhận được tạp chí gửi sang rất cảm động.

Sau này Xuân Diệu có viết: "Huy Cận và tôi nhận được số văn nghệ đầu tiên tay run run, giấy bản sản xuất ở Thanh Cù, nơi có nhiều cây dó. Có lần tôi đi qua một đồi dó Phú Thọ đang nở hoa tím phớt, thơm ngạt ngào suốt đời không quên, suốt mấy số văn nghệ in bằng thứ giấy thủ công ấy, đôi lúc mắt vừa đọc văn, tay lại tẩn mẩn giở trang sách ra một cọng rơm nhỏ. Ôi! Cái sức mạnh của sản phẩm tinh thần tuyệt làm sao! Cái vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang này có con chim từ bên Phú Thọ, từ chỗ Tố Hữu đóng, bay sang nó tung đôi cánh 72 trang của nó ra, nó vỗ vỗ còn nghe tiếng giấy reo với mực nhà in; và thế là một cái gì tinh túy nhất trong tâm trí chúng tôi được xâu chuỗi lại thành một sức mạnh! Cất lên thành nghệ thuật..." Rồi các tạp chí số 2, 3, 4, 5 cũng đều được biên tập hoàn thiện bản thảo ở Gia Điền và được giao cho nhà thơ Xuân Diệu đem đi in ở Báo Cứu quốc, lúc đó cũng đóng tại xã Gia Điền - Hạ Hòa - Phú Thọ.

Đoàn công tác Báo Văn nghệ bên tấm bia ghi dấu nơi ra đời của Báo Văn nghệ.  

Lần giở mục lục số Văn nghệ đầu tiên có: "Nhận đường" của Nguyễn Đình Thi, "Cá nước" của Tố Hữu, "Nhớ máu" của Trần Mai Ninh, "Ấp đồn cháy" của Nguyên Hồng, "Làng" của Kim Lân.

Mục Văn nghệ - Thời đại có: Ý nghĩa của một bạn văn nghệ - chuyện thơ của Tố Hữu; kịch của Nguyễn Huy Tưởng; Đọc sách: Một trò chơi ngồ ngộ của Như Phong; Những con người và những con khác của Vittorini; mục Trên những nẻo đường đất nước có: Lá thư trong Quảng Trị; Nét quê; Hai ông cụ; Ông chủ tịch xã Th.s... "Ông già Diện" của Nguyễn Huy Tưởng; Một sống một chết của Lãng Khê; "Sống" của Như Mai; Dọc đường tàn phá; Phiên chợ; Vực thẳm của Nguyên Hồng. Số 1 còn có nhạc phẩm Sông Lô của Văn Cao.

Trong bút kí "Nhận đường", chúng ta thấy toát lên ở Nguyễn Đình Thi là một nhà văn yêu nước. Ông nghĩ về những anh bộ đội mặt vàng sốt rét nhưng đang lội bùn quần nhau với giặc ở những nơi thăm thẳm. Đó là những địa danh như Thu Cúc, Nghĩa Lộ, Khau Có, Tú Lệ, Đồn Vàng rồi Tam Đảo, Cây số Tám, Làng Mạ, Làng Mấu, Bến Then... Ông cho rằng đất nước đang bị xâm lăng bôi bẩn, quyền sống, quyền làm người của chúng ta lại bị xâm hại lần nữa. Và ông viết: "Chúng ta quây quần tất cả quanh ngọn cờ dân tộc, viết, vẽ, làm nhạc kháng chiến trên mặt trận văn nghệ, mặt trận văn hóa, tư tưởng những mong mỗi sáng tác là một viên đạn bắn vào đầu kẻ thù”.

Trong bài viết "Những kỉ niệm xung quanh Tạp chí Văn nghệ", nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết: "Tôi còn nhớ những địa điểm mà Hội Văn nghệ, đồng thời là Tạp chí Văn nghệ đã ở: Đan Hạ trên bờ sông Thao, giáp giới tỉnh Yên Bái; Thản Sơn cũng bên bờ sông Thao, nhưng ở phía xuôi hơn; lá cọ Phú Thọ như mặt trống căng mà lại dựng thẳng, mưa tạt nghiêng vào lá, đánh từng nốt nhạc tròn trịa du dương. Bài thơ "Bầm ơi"của Tố Hữu (1947) là viết trong vùng này:

Mưa phùn ướt áo tứ thân

Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu!

Tôi liên tưởng đến lòng ưu ái của nhà thơ. Sợ bà Bầm ướt anh cầm cái nón hay chí ít một tàu lá cọ che mưa cho bà cụ.

Bà Bủ nằm ổ chuối khô

Bà không ngủ được; bà co bời bời.

Báo Văn nghệ tặng quà và học bổng cho học sinh giỏi môn ngữ văn của xã Gia Điền. 

Cũng là ở vùng đất Phú Thọ - Hùng Vương có nhiều tiếng cổ này... rồi sau đó do yêu cầu của cuộc kháng chiến, cơ quan Hội và Tạp chí Văn nghệ chuyển sang huyện Đại Từ - Thái Nguyên bên cạnh các cơ quan Trung ương. Các số Văn nghệ tiếp theo được thực hiện ở đó, trong đó có nhiều số chuyên đề: số Văn nghệ bộ đội; số Chiến dịch sông Thao; số Hội nghị tranh luận; Văn nghệ các nước bạn... đặc biệt là số mừng thọ Hồ Chủ tịch 60 tuổi với những bài viết thể hiện niềm yêu thương và thành kính của lớp văn nghệ sỹ kháng chiến đối với Bác Hồ”.

Thấm thoắt đã 75 năm kể từ khi số Văn nghệ đầu tiên ra đời. Từ đó đến nay, liên tục có các chuyến trở về nguồn của các lớp văn nghệ sỹ sau này, thăm lại cái nôi của nền văn nghệ Việt Nam, của báo chí văn nghệ, nơi các văn nghệ sỹ hàng đầu đất nước đã có những năm tháng sống và sáng tác trong điều kiện kháng chiến vô cùng khó khăn thiếu thốn. Bên cạnh đó là các hoạt động tình nghĩa nhằm tri ân mảnh đất năm xưa nuôi dưỡng bao tâm hồn văn nghệ sỹ như: Tặng quà, sách báo, những suất học bổng cho quỹ khuyến học các xã nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam, nơi khai sinh ra Báo Văn nghệ...

Gần đây nhất trong chuỗi sự kiện hoạt động kỷ niệm 75 năm Báo Văn nghệ ra số đầu tiên, 80 năm đề cương văn hóa Việt Nam, ngày 23-24/3/2023, đoàn công tác Báo Văn nghệ do nhà văn Khuất Quang Thụy, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam - Tổng Biên tập làm trưởng đoàn, đã có chuyến dâng hương Khu di tích Đền Hùng, gặp gỡ giao lưu với đại diện các thế hệ văn nghệ sỹ Phú Thọ. Rồi cùng nhau trở về Gia Điền, nơi đặt tấm bia ghi nhớ: “Tại thôn Gia Điền, trong kháng chiến chống Pháp đã đóng trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam (1948-1949). Cùng với cơ quan thường trực Hội có Tạp chí Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn nghệ” ngay trên nền nhà cũ của bà Bù Gái. Khi đoàn công tác thăm lại nơi đây, các đồng chí cán bộ, cùng đại diện người dân xã Gia Điền đều nhắc nhớ những kỉ niệm xưa với các văn nghệ sĩ tên tuổi, đặc biệt nhà thơ Tố Hữu với bài thơ nổi tiếng Bầm ơi!. Bà Bù Gái, nguyên mẫu người mẹ trong bài thơ ở xóm Gốc Gạo, đã nhường căn nhà tranh vách đất cho Hội Văn nghệ Việt Nam lúc ấy.

Dịp này, đoàn công tác cũng tặng 10 suất học bổng và quà cho 10 em học sinh giỏi môn ngữ văn trường tiểu học và THCS của xã. Hy vọng các em sẽ yêu thích văn chương và có thể trở thành những nhà văn, nhà thơ tên tuổi trong tương lai, nối tiếp truyền thống thủ đô văn nghệ kháng chiến của quê hương.

Ngày nay, Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam và Thời báo Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cùng với báo, tạp chí văn nghệ của các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, trong đó có Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Phú Thọ, chính là sự tiếp nối, kế thừa và phát triển của Tạp chí Văn nghệ đầu tiên; kế tục sự nghiệp của các văn nghệ sỹ tài năng trong kháng chiến đã không ngừng phát triển về mọi mặt, trở thành những diễn đàn quan trọng của giới văn nghệ sỹ cả nước và các vùng miền, phản ánh những vấn đề của đời sống xã hội, thông qua các tác phẩm văn chương, nghệ thuật.

Vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xứng với công lao gây dựng của cả một lớp văn nghệ sỹ tài năng và tâm huyết đã để lại./.

 

Đỗ Ngọc Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực