Gỡ bỏ rào cản cho các nhà làm phim trẻ

Thứ bảy, 09/12/2023 17:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN)- Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến cả về số lượng và chất lượng. Một số gương mặt làm phim trẻ thế hệ 8x - 9x đã dần khẳng định tên tuổi. Tuy nhiên để thực sự có chỗ đứng, tìm được cơ hội phát triển vẫn không phải là điều dễ dàng đối với các nhà làm phim trẻ.
  PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.

“Tre già, măng mọc” là sự tất yếu của các ngành nghề, trong đó có lĩnh vực điện ảnh. Thực tế những năm qua tại các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế, một số nhà làm phim trẻ đã được xướng tên như: Trương Minh Quý, Phạm Hoàng Minh Thy và Huỳnh Công Nhớ với các giải thưởng tại LHP quốc tế Singapore (SGIFF); Phạm Ngọc Lân với hàng loạt các giải thưởng tại LHP ngắn quốc tế Vienna (Áo), LHP Locarno (Thụy Sĩ)… Đặc biệt, mới đây nhất tại LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 6, các nhà làm phim trẻ của Việt Nam đã ghi được những dấu ấn, trong đó bộ phim “Khu rừng của Páo” của đạo diễn trẻ Nguyễn Phạm Thành Đạt đã xuất sắc giành giải Phim ngắn xuất sắc nhất...

Đánh giá về tiềm năng và lợi thế của những nhà làm phim trẻ, đạo diễn Phan Đăng Di đã từng nhận xét: các nhà làm phim trẻ có lợi thế về ngoại ngữ, có cơ hội tốt hơn để đến với các liên hoan phim quốc tế. Các em hoàn toàn tự quyết định hướng đi của mình dựa trên năng lực. Ở nước ta, sáng tạo điện ảnh còn nhiều chủ đề thú vị cần được khai thác. Bên cạnh đó, các nhà làm phim trẻ Việt Nam đang có nguồn năng lượng khá tốt, có nhiều thứ kích thích họ, nhiều cơ hội mở ra.

Tuy nhiên để phát huy được hết tiềm năng sẵn có của những nhà làm phim trẻ, theo đạo diễn Phan Đăng Di, các nhà làm phim trẻ cần kết nối với các dự án, quỹ đầu tư điện ảnh để nâng cao chuyên môn, có kinh phí làm phim.

Cùng chung quan điểm với đạo diễn Phan Đăng Di, Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng: Lịch sử chuyển giao thế hệ là điều tất yếu và hiện nay khi nói đến thế hệ những nhà làm phim trẻ người ta hay nhắc đến một loạt những cái tên 8x, 9X như: Nhật Linh, Vũ Ngọc Đãng, Victor Vũ….Đây là những tên tuổi trong làng làm phim trẻ đang sung sức và có những tác phẩm trình làng được đánh giá cao. Thế nhưng để sự chuyển giao thế hệ thực sự có hiệu quả và không bị đứt gãy chúng ta cần phải có một chiến lược đầu tư về con người, cần phải đưa các nghệ sĩ đi học ở các nước phát triển để họ thay đổi tư duy, phương pháp và tiếp cận với công nghệ làm phim tiên tiến.

Thực tế hiện nay cho thấy dù đã gặt hái được nhiều thành tích, song để các nhà làm phim trẻ có thể “cất cánh” và tìm được chỗ đứng thì vẫn còn là một hành trình dài đầy gian nan. Chia sẻ về vấn đề này một số chuyên gia cho rằng, dù có nhiều năng lượng, nhiệt huyết nhưng sở dĩ các nhà làm phim trẻ vẫn còn gặp khó, loay hoay ở nhiều dự án, ít bứt phá lên được chủ yếu là do họ có kiến thức nhưng kinh nghiệm, mối quan hệ còn ít vì thế để có được các dự án làm phim từ nguồn vốn đầu tư khác là vô cùng khó khăn.

Để tìm hướng phát triển cho các nhà làm phim trẻ, dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, Tổng Giám đốc BHD Ngô Thị Bích Hạnh cho rằng, trong làm phim, “cộng sinh” là vấn đề then chốt. Hiện nay, xuất hiện thực trạng các nhà làm phim trẻ rất khó thu hút đầu tư cho phim của mình, nhất là những bộ phim giàu tính thể nghiệm, nghệ thuật. Để đến được với đồng vốn của nhà đầu tư là cả một quá trình, đòi hỏi các nhà làm phim trẻ không chỉ hoàn thiện, chuyên nghiệp mà còn phải có đủ đam mê và kiên trì.

Với các nhà làm phim trẻ, để thực hiện được một tác phẩm hoàn thiện rất cần sự hỗ trợ về cả chuyên môn và kinh phí. Mỗi nhà làm phim độc lập mất vài năm để có được tác phẩm điện ảnh thực sự.Chính vì vậy các nhà làm phim trẻ có các tác phẩm đến được liên hoan phim quốc tế cho thấy điện ảnh nước ta có nhiều tài năng. Điều họ cần là kết nối với các dự án, quỹ đầu tư điện ảnh để nâng cao chuyên môn, có kinh phí làm phim.

Để có được "chỗ đứng", những nhà làm phim trẻ phải vượt qua rất nhiều khó khăn .

Để sự chuyển giao thế hệ trong điện ảnh thực sự hiệu quả, những nhà làm phim trẻ tiếp nối và phát huy được những kinh nghiệm, tài năng của thế hệ cha anh đi trước, ngoài việc bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, tích cực tổ chức các lớp học làm phim để trau dồi kỹ năng, nghề nghiệp cho đạo diễn trẻ nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ các nhà làm phim trẻ tiếp cận được các nguồn vốn, dự án làm phim do nhà nước đặt hàng.

Việc tạo ra những sân chơi cho các nhà làm phim trẻ cũng chính là bước quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực điện ảnh chất lượng cao, bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp này.

Bên cạnh đó, các nhà làm phim trẻ rất cần có những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để phát triển và tạo sức bật. Để nền điện ảnh đa dạng, hài hòa cần lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, ưu tiên dành cho các dự án phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ. Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa được thông qua có nhiều quy định hướng đến hỗ trợ các dự án nghệ thuật của tài năng trẻ. Đặc biệt, dự thảo sửa đổi một số nội dung về thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, nhằm nâng cao tính khả thi. Bên cạnh đó, các sự kiện điện ảnh lớn của nước ta, như: Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội sẽ mở hạng mục phim ngắn, phim đầu tay dành cho các bạn trẻ… Từ đây, các nhà làm phim trẻ của Việt Nam sẽ có động lực, môi trường phát triển để đóng góp cho điện ảnh nước nhà. Để Luật Điện ảnh (sửa đổi) đi vào cuộc sống, gỡ bỏ những rào cản cho những nhà làm phim trẻ, cần sự công tâm, khách quan của các cơ quan chủ quản, nhà đầu tư để những Quỹ hỗ trợ điện ảnh tài trợ đúng địa chỉ, đúng đối tượng…/.

TT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực