Nâng cao chất lượng sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí về học và làm theo Bác

Thứ bảy, 23/05/2020 10:30
(ĐCSVN) - Qua mỗi lần tổng kết, trao giải thưởng, khen thưởng cho thấy số lượng tác phẩm ngày càng tăng, chất lượng được nâng lên cả về nội dung, quy mô, hình thức tác phẩm, sự lan tỏa của Giải thưởng ngày càng sâu, rộng trong giới văn nghệ sỹ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân.

Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2008- 2011; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2011-2020 đã bước sang năm thứ 13. Qua mỗi lần tổng kết, trao giải thưởng, khen thưởng cho thấy số lượng tác phẩm ngày càng tăng, chất lượng được nâng lên cả về nội dung, quy mô, hình thức tác phẩm, sự lan tỏa của Giải thưởng ngày càng sâu, rộng trong giới văn nghệ sỹ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân.

Phát biểu tại Lễ tổng kết, trao giải thưởng nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2020), đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã ghi nhận và biểu dương kết quả to lớn, ý nghĩa nhiều mặt của Giải thưởng, đồng thời phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2020-2025. 

  Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải Đặc biệt cho đại diện các tác giả, tác phẩm đoạt Giải thưởng giai đoạn 2011-2020. Ảnh: Hiền Hòa/CPV

Để Giải thưởng đạt kết quả tốt hơn nữa, xin có vài ý kiến trao đổi xung quanh chủ đề sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về học và làm theo Bác:

Thứ nhất, chủ đề của Giải thưởng là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tuy nhiên, nếu chỉ đọc, ngẫm về 14 từ trong chủ đề trên thì thật khó sáng tác, kể cả đối với 10 chuyên ngành văn học, nghệ thuật hay báo chí. Chính vì vậy, Quy chế Giải thưởng (Điều 6, mục 1 trong Quy chế Giải thưởng) đã nêu rất cụ thể: "Tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được tặng giải thưởng cần đạt một trong các yêu cầu sau: Đúng chủ đề; có tính phát hiện, tính sáng tạo; đạt chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật; góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hăng hái thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên thế giới. 

Đồng thời, có tác dụng tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa, giá trị thiết thực của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bồi đắp nền tảng tư tưởng, đạo đức, văn hóa trong Đảng và toàn xã hội; phát hiện, cổ vũ, nêu gương, góp phần nhân rộng các nhân tố mới; điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Xây dựng nhân cách con người Việt Nam trước yêu cầu mới; đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực; tác động tích cực đối với cộng đồng, xã hội; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, ngành, địa phương, đơn vị."

Như vậy là chủ đề sáng tác có nội hàm rất rộng, người sáng tác có thể tiếp cận thực tế, từ các phong trào, cuộc vận động, đến gương điển hình, người tốt, việc tốt ở các lĩnh vực đời sống xã hội để tìm kiếm chất liệu, khơi mạch cảm xúc sáng tác. Hàng năm, địa phương, cơ quan, đơn vị đều giới thiệu, tuyên truyền điển hình, việc làm sáng tạo, hiệu quả trên các phương tiện thông tin, truyền thông. Đó cũng là nguồn “chất liệu” đầy tiềm năng, phong phú để sáng tác.  

Thứ hai, một yêu cầu nêu trong Quy chế Giải thưởng, cũng thuộc nội hàm của chủ đề sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí, đó là “đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực”. Quá trình tiếp cận với các tác phẩm, ấn phẩm, hầu như khía cạnh này chưa được các tác giả khai thác, thiếu vắng tác phẩm. Lĩnh vực báo chí, sân khấu, văn học có thể sẽ thuận lợi hơn các lĩnh vực khác trong sáng tác, nhưng cũng chưa có tác phẩm nào được Hội đồng sơ khảo chuyên  ngành Trung ương xét chọn, đề nghị tặng giải thưởng.

Thứ ba, về khen thưởng đối với tập thể, cá nhân lĩnh vực quảng bá (Điều 2, mục 2 trong Quy chế Giải thưởng): còn nhiều đơn vị, nghệ sỹ hoạt động quảng bá khá hiệu quả nhưng chưa được cơ quan chức năng định hướng, hướng dẫn để tích lũy kết quả, chủ động tổ chức hoạt động, xây dựng hồ sơ tham gia xét khen thưởng. Ví dụ, lực lượng vũ trang có cả một hệ thống đơn vị hoạt động tuyên truyền như: các đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, Bảo tàng, Thư viện, Nhà văn hóa, Phòng Hồ Chí Minh, hàng trăm nghệ sỹ biểu diễn. Tuy nhiên, quá trình triển khai Giải thưởng mới chỉ chú trọng hoạt động sáng tác, lĩnh vực quảng bá chưa được chỉ đạo, triển khai. Do vậy, giai đoạn 2018-2020, lực lượng vũ trang chỉ có 01 tập thể, 02 cá nhân được Ban Chỉ đạo Giải thưởng khen thưởng về thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá. Toàn ngành văn hóa, thể thao, du lịch với lực lượng hùng hậu là hệ thống thiết chế văn hóa từ trung ương đến cơ sở xã, phường, thị trấn, thậm chí tới làng, thôn, ấp, bản, khu dân cư; hàng nghìn nghệ sỹ biểu diễn, nhưng cả giai đoạn 2018-2020 cũng chỉ đề nghị Ban Chỉ đạo khen thưởng đối với 35 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc về hoạt động quảng bá. Hội Cựu chiến binh Việt Nam có quy mô tổ chức từ trung ương đến cơ sở, lần đầu tiên có 01 đơn vị tham gia và được Ban Chỉ đạo Giải thưởng khen thưởng, đó là Hội Cựu chiến binh quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn chung là hoạt động quảng bá cần được quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn hơn nữa để có kết quả tương xứng với đội ngũ trực tiếp tham gia hoạt động này.
 
Giải thưởng đã bắt đầu một giai đoạn mới, giai đoạn 2020- 2025. Tác phẩm mới sáng tác, sưu tầm, hoạt động quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (đợt I) sẽ được tính từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/12/2022; tổng kết, trao giải thưởng, khen thưởng dịp tháng 5/2023. Nghiên cứu kỹ, hiểu đầy đủ, sâu sắc nội hàm của chủ đề Giải thưởng, sẽ giúp cho việc sáng tác đạt được yêu cầu mà Quy chế đề ra, tác phẩm sẽ có chất lượng tốt hơn, có nhiều hơn nữa tập thể, nghệ sỹ được khen thưởng về thành tích quảng bá./.

Vũ Việt Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực