Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam

Thứ năm, 30/03/2023 06:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ngày 29/3, Báo Đại biểu nhân dân phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Tọa đàm “Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam trong thực hiện cách mạng văn hóa Việt Nam theo tinh thần "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943, tính kế thừa và phát triển qua các giai đoạn lịch sử.”
 Các đại biểu chụp ảnh tại buổi Tọa đàm (Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân).

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền nêu rõ: Cách đây 80 năm, trong tình thế nước sôi lửa bỏng của cuộc Cách mạng Giải phóng dân tộc, Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 được xem như bản Tuyên ngôn, Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng ta. Không chỉ là sự đúc kết văn hóa Việt Nam mà còn khái quát xu thế thời đại và nhiệm vụ cách mạng, vừa có giá trị trực tiễn, vừa có ý nghĩa lâu dài như ngọn đèn soi rọi cho văn hóa Việt Nam trong nhiều giai đoạn cách mạng về sau. 80 năm qua, kể từ ngày bản Đề cương Văn hóa ra đời, văn hóa Việt Nam tiếp bước phát triển và có nhiều thành tựu rực rỡ. Chính văn hóa nâng bước cho con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam tỏa sáng, là nền tảng, nguồn lực để nâng cao trí lực, bồi dưỡng trí thức và được kế thừa, phát triển vào các giai đoạn lịch sử.

Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh, qua Toạ đàm, làm rõ những nội dung quan trọng như vấn đề nâng cao trí lực và bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam qua những mốc phát triển quan trọng trong bổ sung và hoàn thiện Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943; vai trò giáo dục trong nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức; những bước kế thừa và phát triển của văn nghệ - lĩnh vực quan trọng làm nên bản sắc văn hóa dân tộc qua các thời kỳ kể từ khi ra đời Đề cương về văn hóa 1943, tác động đến trí lực và tri thức con người Việt Nam; những nguyên tắc trong hoạt động văn hóa đề ra từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 được ghi nhận qua các kỳ đại hội, đặc biệt là Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tại Toạ đàm, các đại biểu nhắc lại tầm quan trọng về tính kế thừa và phát triển qua các giai đoạn lịch sử theo tinh thần Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943. Hiện nay, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới" có vai trò đặc biệt quan trọng.

TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhắc lại điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021: “Văn hóa còn thì dân tộc còn!” Theo TS. Nhị Lê, Đề cương về Văn hóa năm 1943 cho thấy tầm vóc vĩ đại, tầm chiến lược, cho thấy nhu cầu cấp bách của dân tộc ta trong bối cảnh đó như thế nào. Đảng đã lựa chọn vấn đề văn hóa là khó nhất, sâu sắc nhất nhưng căn bản nhất. Sáu chữ “Dân tộc, Khoa học, Đại chúng” là linh hồn trong bản Đề cương, gốc rễ để kiến tạo dung mạo, hệ giá trị của toàn bộ sự vận động của nền văn hóa Việt Nam. Sự phát triển này mới từng bước làm nên nấc thang mà sau này chúng ta đạt được", ông nhấn mạnh.

GS.TS.NGND Trần Văn Bính khẳng định, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng như một văn kiện, cương lĩnh hành động, như lời hiệu triệu đối với toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt đối với giới trí thức văn hóa và nghệ sĩ lúc bấy giờ. “Ở thời kỳ nào cũng vậy, tầng lớp trí thức văn hóa và nghệ sĩ luôn có tác động quan trọng cả về tinh thần và vật chất đối với quần chúng nhân dân. Bản đề cương về văn hóa của Đảng năm 1943 như một văn kiện quan trọng để chuẩn bị tinh thần cho cuộc cách mạng tháng 8/1945 và mở đầu cho thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ sau này" - ông nhận định.

Tọa đàm khẳng định giá trị to lớn của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 (Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân).

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, ba tính chất Dân tộc, Khoa học, Đại chúng trong 80 năm qua đã tiếp tục được bổ sung, phát triển, tuy nhiên những nền tảng ban đầu vẫn được giữ vững. "Nhìn lại 80 năm qua có thể thấy rằng, từ khi chưa giành được chính quyền chúng ta đã có Đề cương về văn hóa. Bác Hồ nói trong Hội nghị văn hóa toàn quốc 1946: Văn hóa phải soi đường quốc cho quốc dân đi. Đến hôm nay, chúng ta tự hào có nhiều thành tích mà khởi nguồn chính là từ bản Đề cương lịch sử", ông Nguyễn Thế Kỷ nhận định.

Chia sẻ giải pháp đưa các Nghị quyết về văn hóa, đặc biệt là quan điểm, định hướng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định sức mạnh, tầm quan trọng của văn hóa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Thứ trưởng, đầu tiên, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ tri thức trong giai đoạn hiện nay cũng như các thể chế, chính sách dành cho văn hóa.

Thứ hai, phải tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tin cậy của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển bền vững của đất nước và được đặt ngang hàng với chính trị và kinh tế.

Thứ ba, chúng ta cũng đã có rất nhiều chiến lược về văn hóa, về văn hóa đối ngoại, về các Nghị quyết như Nghị quyết 33. Đó là những chiến lược rất cụ thể đã có để ngành văn hóa phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thể chế các đường lối quan điểm này và tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, không để các khoảng trống trong khung khổ pháp lý, hướng tới các lĩnh vực đều có văn bản pháp quy điều chỉnh, đặc biệt là các vấn đề về chính sách đặc thù cho khối văn hóa, nghệ thuật.

Cuối cùng là cần sự phối hợp, tương quan chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương và coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên. Hiện nay, Bộ VHTTDL đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ban, ngành để tổ chức các Hội nghị bàn về văn hóa, về cách ứng xử văn hóa, triển khai những mục tiêu để phát triển văn hóa tại các bộ, ngành, địa phương. Qua hơn 1 năm triển khai các ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, có một sự chuyển biến rất mạnh mẽ ở các địa phương cũng như bộ, ban, ngành trong việc đầu tư cho văn hóa cũng như phát triển đội ngũ những người làm văn hóa.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam. Đội ngũ viên chức, công chức, người lao động của ngành phải thực sự am hiểu về lĩnh vực và đến năm 2030, Bộ VHTTDL đặt mục tiêu có 100% đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về văn hóa nghệ thuật trong các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu đạt chuẩn theo quy định và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng, Bộ VHTTDL cũng đã hoàn thiện Đề án xây dựng đội ngũ trí thức ngành thể thao, du lịch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035; trong đó đặt ra rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách tuyển dụng nhân tài, những người có năng khiếu đặc biệt, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng và các chính sách liên quan đến phát triển đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ trong cả nước, làm cơ sở cho công tác quy hoạch và định hướng chiến lược của ngành; Triển khai số hóa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; Tiếp tục triển khai các đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong nước cũng như ở nước ngoài, các kế hoạch đào tạo, bổ sung, nâng cao trình độ đội ngũ trí thức hiện đang có.... Đó là những việc mà ngành văn hóa, thể thao, du lịch trong thời gian tới sẽ hướng đến để nâng cao trí lực, xây dựng đội ngũ trí thức đặc biệt, những người làm công tác văn hóa trong thời kỳ mới./.

Thu Uyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực