Sôi động các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch

Thứ ba, 28/03/2023 19:22
(ĐCSVN) - Trong quý I/2023, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đã được triển khai tổ chức sôi động trên cả nước, các hoạt động lễ hội, văn hóa cổ truyền dân tộc được tổ chức lại sau 2 năm đại dịch COVID-19, góp phần đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân.
Ảnh minh họa (Ảnh: HP) 

Nổi bật thời gian qua là các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 -2023) do Bộ VHTT&DL tham mưu, đề xuất với Ban Bí thư, Chính phủ và chủ trì triển khai đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, được các ngành, các cấp, các địa phương phối hợp tổ chức thực hiện đồng bộ, tích cực.

Đây là dịp để các cấp, các ngành, các địa phương cùng toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có những người thực hành văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thấm nhuần sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Đề cương trong công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, từ đó xác định được những nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL đã triển khai xây dựng Dự án Luật nhiều Di sản văn hóa (sửa đổi); tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022) cho 27 hiện vật và nhóm hiện vật; xếp hạng 5 di tích quốc gia đặc biệt đợt 13; quyết định xếp hạng 12 di tích quốc gia; cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ tại 10 địa điểm; đưa 40 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ VHTT&DL đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện hồi hương ấn vàng Hoàng đế Chi bảo. Xây dựng và triển khai Kế hoạch Việt Nam ứng cử Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027. Hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc" (Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh), Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (An Giang), hang Con Moong (Thanh Hóa) trình UNESCO ghi danh là di sản thế giới. Xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đệ trình UNESCO đối với các di sản văn hóa phi vật thể: Mo Mường (Hòa Bình), võ cổ truyền Bình Định (Bình Định), Nghệ thuật Chèo Đồng bằng Bắc Bộ (Thái Bình).

Trong lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Bộ VHTT&DL đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Tiếp thu ý kiến góp ý, hoàn thiện Nghị định quy định về khung tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hoá", "Thôn, tổ dân phố văn hoá", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu"…

Đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTT&DL tiếp tục hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng nghị định về hoạt động văn học; lập hồ sơ xây dựng nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập.

Về lĩnh vực văn hóa, gia đình: Chuẩn bị nội dung, phối hợp các địa phương để bảo vệ các hồ sơ khoa học trình UNESCO ghi danh trong năm 2023; tổ chức liên hoan trình diễn, thực hành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh lần thứ nhất tại tỉnh Phú Thọ vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm 2023.

Trong thời gian tới, Bộ VHTT&DL tập trung chuẩn bị tổ chức Hội nghị sơ kết Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025; triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền: Văn hóa ứng xử, đạo đức lối sống con người Việt Nam; kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023)...

HP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực