Tháp Mường Luân: Điểm hẹn văn hóa - du lịch - lịch sử

Thứ sáu, 09/02/2024 20:00
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Tháp Mường Luân ở xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên là một công trình kiến trúc đặc biệt, với hình dáng cùng những nét hoa văn trang trí không giống bất cứ một cây tháp nào hiện đang có mặt Việt Nam. Đó là một nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu các tháp cổ tại Việt Nam.

Truyền thuyết về tháp Mường Luân

Trong một chuyến công tác tại huyện Điện Biên Đông, đồng chí Lò Hải Dung - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy gợi ý chúng tôi nên dành thời gian tới thăm tháp Mường Luân, xã Mường Luân - một công trình minh chứng cho mối tình đoàn kết của hai dân tộc Việt Nam - Lào và hiện đang là một điểm đến mà huyện rất muốn quảng bá rộng rãi cho du khách muôn phương.

 Tháp Mường Luân

Từ sự gợi ý của lãnh đạo huyện, đoàn chúng tôi quyết định tới Mường Luân một chuyến. Đường từ trung tâm huyện Điện Biên Đông tới xã Mường Luân dài gần 40km nhưng đã được nhựa hóa phẳng lỳ nên đi lại rất thuận lợi.

Sau gần tiếng đồng hồ di chuyển dưới bầu trời xanh ngắt và giữa cái nắng hanh vàng của mùa đông miền sơn cước, chúng tôi đặt chân tới bản Mường Luân 1. Bản Mường Luân 1 có thể coi là bản người Lào vì cư dân trong bản đều là người Lào. Vậy nên, nếu ai đó nói rằng nơi đây là “thủ phủ” của đồng bào dân tộc Lào ở tỉnh Điện Biên thì cũng chẳng có gì là sai cả.

Bản Mường Luân 1 có rất nhiều cái hay. Dù sinh sống ở nơi xa xôi, hẻo lánh nhưng đồng bào Lào nơi đây có cuộc sống khá văn minh. Chúng tôi xin phép sẽ kể về chuyện này trong một dịp khác. Còn trong bài viết này, chúng tôi muốn mượn lời chính quyền địa phương và người dân trong bản để nói riêng về tháp Mường Luân.

Được biết, từ nhiều đời nay, các thế hệ người dân ở bản Mường Luân 1 vẫn truyền tai nhau chuyện kể rằng, năm 1569, Miến Điện tấn công nước Lào. Một bộ phận dân chúng vùng Thượng Lào chạy sang tỉnh Điện Biên lánh nạn. Năm 1594, chiến tranh Miến Điện - Lào kết thúc, nhưng một bộ phận người Lào đã định cư lại Điện Biên, trở thành những công dân người Việt gốc Lào.

Trong thời gian chiến tranh, được sự giúp đỡ của những cư dân sở tại, đồng bào dân tộc Lào đã cùng nhau dồn công góp của xây tháp Mường Luân. Tháp Mường Luân được xây dựng ở vị trí rất trang trọng, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Hình ảnh của tháp được ví như một cô gái duyên dáng, dịu hiền, đứng lặng lẽ cạnh chân núi Hua Ta (hay còn gọi là núi đầu nguồn) soi bóng xuống dòng sông Mã trong xanh, hiền hòa. Tháp Mường Luân là một minh chứng cho mối tình đoàn kết của hai dân tộc Việt Nam - Lào đã cùng nhau đóng góp đê xây dựng nên công trình kiến trúc nghệ thuật đặc biệt này.

Tháp Mường Luân đặc biệt thế nào?

Theo tài liệu do anh Nguyễn Thịnh, Cán bộ Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện Điện Biên Đông chuyển cho chúng tôi tham khảo thì tháp Mường Luân được xây dựng theo hình bút tháp thân vuông, bên dưới to, lên trên nhỏ dần. Tháp có chiều cao 15m, được chia làm 3 phần chính (phần chân tháp, thân tháp và ngọn tháp). Nhìn từ xa, tháp Mường Luân cao vút lên trời xanh với những đường nét vừa thanh lịch, uyển chuyển, vừa sắc sảo, càng tạo thế hiên ngang và uy nghi của công trình.

 
 Tháp Mường Luân là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của dân tộc Lào ở Điện Biên để cùng nhau nhớ về cội nguồn, tổ tiên, nguồn gốc dân tộc Lào, hoà trong dòng chảy văn hoá của cộng đồng 54 dân tộc anh em ở Việt Nam

Tháp được xây dựng bằng gạch, vôi, vữa, cát và mật mía. Gạch để xây tháp gồm 2 loại là gạch vồ và gạch chỉ. Gạch vồ dùng để xây chân tháp, gạch chỉ dùng để xây phần thân và ngọn tháp. Bên ngoài tháp được trát một lớp áo bằng cát trộn mật. Tất cả nguyên vật liệu dùng để xây tháp đều được khai thác tại chỗ.

Toàn bộ phần chân tháp hay còn gọi là bệ tháp được xây đặc, hình vuông vững chãi, cao 1m, không trang trí hoa văn phía ngoài, có hành lang rộng để du khách có thể đi lại quanh tháp.

Phần thân tháp xây hình ống vuông, xây đặc phần dưới to, lên trên nhỏ dần. Toàn bộ trang trí hoa văn nổi bật nhất của tháp được thể hiện ở phần thân tháp.

Phần dưới thân tháp xây hình vuông đặc, mỗi cạnh dài trung bình 5,5m và được chia làm 6 bậc, xung quanh không trang trí hoa văn. Ở đầu mỗi góc vuông được uốn cong hình móc tạo thành một tòa cánh sen cách điệu.

Phần dưới giáp thân tháp là hai bệ tròn vai to, nhẵn, giữa hai bệ là những hoa văn khắc chìm, khắc nổi; phía trên là những hình khắc nổi nhỏ thể hiện hình chim cách điệu, hình hoa lá được bố cục hài hòa.

Nổi bật nhất ở phần thân tháp là hình rồng cách điệu, được đắp nổi tạo thành hình số tám kép chạy quanh cây tháp. 4 mặt của tháp đều thể hiện 5 cặp rồng tạo dáng bề thế, vững chãi, chắc khỏe. Đáng chú ý là những con rồng trang trí quanh thân tháp đều mang trên mình lớp vẩy đặc trưng không giống với bất cứ phong cách nào từng thể hiện rồng ở các thời kỳ lịch sử Việt Nam. Rồng nhỏ như những con rắn mà văn hóa Ấn Độ giáo vẫn tôn thờ. Phần giữa thân xung quanh tháp trang trí hoa văn là những đường gờ nổi, hình tròn nối tiếp và hình bệ tròn vai.

Phần trên của thân tháp trang trí hình một tòa sen. Các cánh sen cách điệu hình lá đề, lá nhọn và hình mặt trời, các họa tiết trang trí được kết nối với nhau hài hòa, chặt chẽ. Bên trong các cánh sen gắn những mảnh gương nhỏ. Đặc biệt, hình mặt trời được gắn ở giữa bốn mặt tháp. Chính giữa hình mặt trời cũng được gắn gương để mỗi khi mặt trời tự nhiên chiếu rọi sẽ tỏa ánh hào quang ra cả bốn phương.

Phần ngọn tháp được chia làm hai phần không trang trí hoa văn. Ở giữa phình to, hai đầu thóp lại giống hình quả trám. Giữa hai phần của ngọn tháp và trên cùng của ngọn tháp trang trí hoa văn, họa tiết như phần trên của thân tháp nhưng được thu nhỏ để tạo vẻ thanh thoát, mềm mại cho toàn bộ bố cục của tháp

Tất cả họa tiết, hoa văn trang trí trên tháp Mường Luân đều được làm bằng đất nung màu đỏ tươi, xen lẫn màu xám trắng, xám nâu và xám đen càng tạo cho tháp nét cổ kính nhưng nổi bật trên nền xanh thẫm của núi rừng cùng màu xanh biếc của bầu trời.

Tháp Mường Luân là một di sản văn hóa cổ đang tồn tại nơi vùng núi Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc. Theo đánh giá của địa phương, đây là một công trình kiến trúc có giá trị về mặt nghệ thuật rất lớn. Thông qua di tích giúp các nhà nghiên cứu và khách tham quan tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử nghệ thuật kiến trúc cổ, hiểu được ý tưởng và mong ước của cha ông đã gửi gắm vào những đường nét miêu tả trong kiến trúc; hiểu được những thành quả lao động rất nghiêm túc của cha ông để tạo ra những công trình lịch sử văn hóa để lại cho con cháu mai sau.

Ngoài giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, tháp Mường Luân còn có giá trị rất lớn về mối tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào đã gắn bó keo sơn từ lâu đời. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật biểu trưng cho tình đoàn kết dân tộc. Ngày nay, mối tình đoàn kết ấy vẫn không ngừng được củng cố và vun đắp như mong muốn của Chủ tich Hồ Chí Minh đã gửi gắm qua những vần thơ về tình hữu nghị Việt - Lào:

Việt Lào hai nước chúng ta

Tình sâu như nước Hồng Hà Cửu Long

Hay tại trang 65 cuốn sách “Đất nước Lào” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm 1972 đã viết:

“ Việt Nam và Lào

Đất tiếp đất

Núi tiếp núi

Sông tiếp sông

Kẻ thù đừng hòng xâm phạm thiên nhiên

Đừng hòng chia rẽ Lào và Việt Nam.”

Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Mường Luân đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích cấp Quốc gia ngày 09/02/1991. Hiện nay, di tích đã được bàn giao cho UBND huyện Điện Biên Đông, Phòng Văn hóa - Thể thao huyện cùng UBND xã Mường Luân trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy tác dụng.

Phòng Văn hóa - Thể thao đã giao cho UBND xã Mường Luân phối hợp với trường THCS xã thường xuyên quét dọn vệ sinh xung quanh khu vực di tích.

Địa điểm du lịch gắn với sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào

Trải qua thăng trầm của lịch sử cùng tác động bào mòn của tự nhiên, di tích tháp Mường Luân đang ngày càng xuống cấp. Tuy vậy, khu vực tháp Mường Luân vẫn được đồng bào nơi đây coi là nơi linh thiêng, chốn gửi gắm những nhu cầu về mặt tâm linh.

 Tháp Mường Luân là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Điện Biên

Hàng năm, vào dịp đầu xuân Tết Nguyên đán, các chàng trai, cô gái yêu nhau và nhân dân quanh vùng lại tụ tập về tháp Mường Luân để tổ chức Lễ hội “Hốt Nặm” (hội té nước).

Từ chiều hôm trước khi diễn ra lễ hội, tượng phật trong chùa được rước lên kiệu đưa về cạnh chân tháp. Sau đó, tượng được tắm bằng một loại nước đun từ năm loại cỏ thơm (cỏ ngũ sắc). Tối đến, tượng được rước vào trong chùa theo nghi thức rất trang trọng. Bà con dân bản cùng sư thầy tổ chức tụng kinh, niệm phật cầu nguyện cho mưa thuận, gió hòa, nương rẫy tốt tươi, bản mường no ấm, con cháu đầy đàn, khỏe mạnh, hạnh phúc.

Ngày hôm sau, lễ hội được tiến hành với nhiều hoạt động như: lễ dâng hương, dâng lễ vật vào chùa và các hoạt động vui chơi văn nghệ như: hát múa lăm vông, té nước, đẩy gậy, kéo co... nhằm cầu phúc, cầu lộc, cầu tài cho tất cả mọi người. Các hoạt động vui chơi giải trí, văn hoá, văn nghệ diễn ra trong vòng một ngày.

Với những giá trị đó, tháp Mường Luân là một điểm hẹn văn hóa - du lịch - lịch sử rất thú vị mà du khách nên thăm quan, trải nghiệm khi đến với Điện Biên trong Năm Du lịch quốc gia 2024. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, từ ngày 2/1 - đến hết mùng 5/1 (Âm lịch) tết Giáp Thìn, huyện Điện Biên Đông sẽ tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc như: Hội thi đấu bò truyền thống, thi trình diễn trang phục truyền thống dân tộc, thi gói bánh chưng, giã bánh dày, thi biểu diễn khèn Mông, thi ẩm thực, các hoạt động thi đấu các môn thể thao truyền thống: Tù lu, tung còn, cà kheo, kéo co, nhảy bao bố,... Các hoạt động trưng bày, giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc, Các hoạt động vui chơi, trải nghiệm (văn hóa, văn nghệ; các môn thể thao dân tộc: tung còn, tù lu, tó má lẹ, đi cầu tre hái lộc, bịt mắt bắt vịt…). Tất cả tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu về vùng đất anh hùng, kiên cường trong kháng chiến và đang không ngừng đổi mới, vươn tới cuộc sống mới tốt đẹp hơn./.

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực