|
Phạm Thị Lương chia sẻ trong chương trình. |
Hành trình trao đi yêu thương và nhận lại yêu thương sẽ được kể lại trong chương trình Trạm yêu thương, chủ đề “Hạt mầm san sẻ”, phát sóng 10h00 thứ Bảy, ngày 12/10/2024 trên kênh VTV1.
Sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo, ngay từ khi mới chào đời, cô bé Phạm Thị Lương đã bị khuyết tật vận động. Dù được bố mẹ hết lòng chạy chữa, đưa đi các bệnh viện lớn, nhỏ để tìm các bác sĩ chỉnh hình, nhưng các bác sĩ đều lắc đầu vì bệnh của Lương là dạng liệt đặc biệt, bại liệt mềm, không thể chữa được. Chấp nhận số phận, từ khi còn nhỏ, ý thức được bản thân không được như bao bạn bè cùng trang lứa khác, thay vì tự ti, buồn tủi, Phạm Thị Lương luôn tự động viên mình phải tìm được những niềm vui trong cuộc sống: "Buồn rầu không mang lại cho mình cái gì cả mà chỉ mang lại những sự thương hại mà thôi.”
Với tinh thần lạc quan, sự nhanh nhạy và tự lập từ khi còn rất nhỏ, năm 13 tuổi Phạm Thị Lương đã có niềm cảm hứng đặc biệt với việc kinh doanh. Cô gái nhỏ mạnh dạn đề xuất với mẹ cho mình được thử sức với công việc bán hàng. Từ lúc này, người mẹ đã luôn đặt niềm tin ở con gái, luôn dặn con sự tự lập, không phụ thuộc vào gia đình cũng như không để mình trở thành gánh nặng cho xã hội. Gia đình không giàu có về vật chất, nhưng Phạm Thị Lương may mắn được tình cảm yêu thương của cha mẹ, đó cũng là nguồn động lực lớn lao, hun đúc nên tính cách của chị luôn cố gắng, ham học hỏi, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, mong muốn được khám phá thế giới và có tấm lòng nhân hậu.
Từ gánh hàng nhỏ, chị Lương nuôi dần những ước mơ lớn hơn, chị luôn mơ ước sau này có một quầy hàng nhỏ ở chợ. Mẹ chị cũng là người đồng hành gánh con gái và những món hàng ra chợ bán suốt những năm tháng ấy. Đây cũng là những viên gạch đầu tiên để nuôi dưỡng chị Phạm Thị Lương trở thành một người kinh doanh thành công sau này. Càng khó khăn càng cố gắng, rất nhiều lần cuộc sống đã “không mỉm cười” nhưng chị Lương càng quyết tâm, phải biết đọc biết viết và dùng chính những bộ phận còn lành lặn: 2 tay và miệng để ngậm bút và viết chữ. Chính điều này đã mở ra cho chị Lương con đường tri thức, tươi sáng trong tương lai. “Đầu tiên là mình tự lập tự chủ, mình không phụ thuộc vào người khác, và thứ hai là mình giúp được nhiều người, những người họ còn rất trẻ để có thể vượt lên chính mình, đó cũng là điều mang lại hạnh phúc, niềm vui nhất cho mình” - chị Lương chia sẻ.
Với năng lượng tích cực, tinh thần lạc quan, Phạm Thị Lương đã lan tỏa niềm vui ấy đến rất nhiều người. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ của chị, tuy còn nhiều tạm bợ nhưng lại là nơi các hoàn cảnh khó khăn tìm đến, những đứa trẻ tìm đến với chị Lương để được chăm chút, dạy dỗ. Chị Lương như người mẹ thứ hai giúp những đứa trẻ trưởng thành với đầy đủ tình yêu thương và sự kiên nhẫn chia sẻ: “Mình không sinh ra nhưng lại có những đứa con rất là ngoan, và những bạn đó đều gọi em là “Mẹ”. Sự xuất hiện của các con trong chương trình đã mở ra nhiều câu chuyện xúc động về hành trình san sẻ yêu thương của chị Lương.
Dù hành trình phía trước còn rất dài, nhưng Phạm Thị Lương đã chứng minh với cuộc đời rằng, mình đủ nghị lực, để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp cho bản thân và chia sẻ những yêu thương ấy với những người xung quanh. Đến với chương trình Trạm yêu thương, chị Lương mang đến một bức tranh hoa hướng dương với màu sắc tươi sáng được vẽ bằng miệng như một lời khẳng định "khiếm khuyết về thể xác không thể giới hạn được khả năng con người”.
Với trái tim hồng và tấm lòng ấm áp, chị Phạm Thị Lương đã chứng minh những người khuyết tật không hề vô ích, ngược lại, họ hoàn toàn có thể tự làm chủ cuộc sống và truyền cảm hứng cho mảnh đời kém may mắn. Món quà của Trạm yêu thương sẽ tiếp thêm sức mạnh cho chị Lương trên hành trình nhân văn ấy.