|
PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu kết luận Hội nghị. |
Truyền thông chính sách đa văn hóa góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất chung cho toàn xã hội
Hơn 50 tham luận có chất lượng cao của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng các ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo khoa học “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, đã tập trung nêu bật những điểm mới trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong vấn đề truyền thông chính sách về đa văn hóa và việc vận dụng những quan điểm này trong thực tiễn truyền thông. Ngoài ra, các tham luận còn nêu những kinh nghiệm, cách làm hay, thực tiễn tốt tại Việt Nam, Hàn Quốc và các quốc gia khác trong hoạt động truyền thông chính sách về đa văn hóa; từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách về đa văn hóa…
Mở đầu phần tham luận và thảo luận ở phiên 1, trong tham luận “Tăng cường hoạt động truyền thông về bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh giao lưu đa văn hóa”, PGS, TS. Lê Thị Thục – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định văn hóa nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng là một bộ phận quan trọng, là động lực của sự phát triển, và việc bảo tồn, phát huy đa dạng văn hóa các dân tộc chính là một giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa Việt Nam.
|
PGS, TS. Lê Thị Thục – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tham luận tại Hội thảo. |
Quán triệt những quan điểm chỉ đạo, trong thời gian qua, công tác truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Theo thống kê , đến nay đã có 27 trong số 53 dân tộc thiểu số ở nước ta có bộ chữ viết riêng được bảo tồn. Một số ngôn ngữ được sử dụng chính thức trên các kênh truyền thông của Nhà nước và các địa phương, đồng thời được sử dụng để in các tác phẩm văn nghệ truyền thống, các sáng tác mới... Việc tổ chức dạy, học ngôn ngữ dân tộc thiểu số cũng được triển khai ở 30 tỉnh, với 700 trường học tiếng dân tộc thiểu số. Nhiều địa phương đã thực hiện thu thập, bảo tồn tiếng nói, chữ viết và tài liệu cổ của các dân tộc thiểu số, cũng như biên soạn và xuất bản sách bằng ngôn ngữ của các dân tộc này. Các hoạt động giao lưu văn hóa dân tộc được tổ chức ngày càng nhiều trên phạm vi toàn quốc. Công tác bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. Nhiều di tích văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được lập hồ sơ khoa học và xếp hạng cấp quốc gia. Một số di sản văn hóa phi vật thể như “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, “Thực hành Then” và “Nghệ thuật Xòe Thái”... đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc ở Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn có những hạn chế, bất cập. Các chính sách truyền thông về đa dạng văn hóa còn thiếu tính hệ thống và đồng bộ, thiếu chiến lược dài hạn và các biện pháp đồng nhất giữa các cơ quan thực thi. Điều này dẫn đến hiệu quả truyền thông chưa cao, đặc biệt là trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của đa dạng văn hóa. Truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc chưa được triển khai đồng đều ở tất cả các nhóm dân tộc. Một số nhóm dân tộc thiểu số chưa nhận được sự quan tâm truyền thông đúng mức...
Bàn về giải pháp thúc đẩy truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, PGS TS. Lê Thị Thục – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chia sẻ: Xây dựng chiến lược tổng thể truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc một cách dài hạn, mang tầm cỡ quốc gia và triển khai thực hiện đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành; Tăng cường truyền thông đồng đều đến tất cả các dân tộc, trong đó cần chú trọng đến các cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc thiểu số người và những nhóm chưa được quan tâm đúng mức trong từng nhóm dân tộc; Đẩy mạnh tích hợp yếu tố văn hóa, ngôn ngữ bản địa và tính hiện đại hóa về phương thức truyền thông. Tăng cường đầu tư hạ tầng truyền thông và công nghệ truyền thông hiện đại; Tiếp tục quan tâm đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự thực hiện truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc…
|
PGS.TS Đoàn Triệu Long – Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III (HV CTQG HCM) phát biểu tham luận khẳng định: Truyền thông chính sách đa văn hóa đã góp phần phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng tính đồng thuận trong cộng đồng 54 dân tộc, tạo niềm tin của người dân với các quyết sách của Chính phủ, chống lại âm mưu chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch. |
Chung quan điểm với PGS, TS. Lê Thị Thục, dưới góc độ của cơ quan đào tạo, trong tham luận “Truyền thông chính sách về đa văn hóa ở Việt Nam và những vấn đề mang tính định hướng”, PGS.TS Đoàn Triệu Long – Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III (HV CTQG HCM) cũng cho rằng: Trong một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa như Việt Nam, định hướng chính thống, xuyên suốt trong các chính sách văn hóa là: Sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển; Các chính sách phát triển văn hóa dân tộc là một bộ phận hữu cơ của chính sách phát triển bền vững đất nước; Người dân phải là chủ thể trong thực hiện chính sách văn hóa dân tộc và được phát huy tính chủ động, sáng tạo và nội lực của cộng đồng các dân tộc; Chính sách văn hóa dân tộc phải mang tính toàn diện, vừa phải phù hợp với đặc điểm tự nhiên, lịch sử, xã hội, văn hóa của từng vùng, từng dân tộc; Tiếp cận liên - đa ngành trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách.
PGS.TS Đoàn Triệu Long khẳng định: Truyền thông chính sách đa văn hóa phải chủ động đánh giá, dự báo xu hướng biến đổi văn hóa ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập để kịp thời điều chỉnh chính sách văn hóa cho phù hợp. Xu hướng giữ gìn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc phù hợp với điều kiện phát triển mới vẫn là xu hướng chủ đạo, nhằm hiện thực hóa các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Đặc biệt, theo PGS.TS Đoàn Triệu Long, truyền thông chính sách đa văn hóa ở Việt Nam trong thế tiếp biến văn hóa hiện nay cần chú ý bồi đắp lòng tự hào văn hóa truyền thống dân tộc trong mỗi người Việt Nam, nhất là giới trẻ, nhằm khẳng định vị thế quốc gia - dân tộc, giá trị di sản văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trong quá trình đối thoại văn hóa. Cần “chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại”. Chú trọng xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ thực sự am hiểu văn hóa dân tộc, là cầu nối chính sách giữa Nhà nước và người dân. Đặc biệt chú ý đến vai trò của ngôn ngữ các dân tộc trong quá trình truyền thông chính sách đa văn hóa.
Từ thực tiễn đất nước, PGS.TS Đoàn Triệu Long cũng khẳng định, gần 40 năm đổi mới đất nước là minh chứng cho tính ưu việt trong chính sách đa văn hóa của Đảng và Nhà nước ta, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội trong giải quyết các quan hệ dân tộc và văn hóa các dân tộc ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của truyền thông chính sách đa văn hóa đã góp phần phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng tính đồng thuận trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, tạo niềm tin của người dân với các quyết sách của Chính phủ, chống lại âm mưu chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch. Truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam hướng đến sự hòa hợp, khoan dung, đối thoại và hợp tác, mang lại nguồn cổ vũ sáng tạo, tạo nên động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội; bảo đảm tính dân tộc, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát triển đất nước ổn định bền vững.
Kinh nghiệm, mô hình truyền thông chính sách về đa văn hóa tại Việt Nam - Hàn Quốc
Phiên 2 với 04 tham luận, các diễn giả chủ yếu tập trung nêu bật những kinh nghiệm, cách làm hay, thực tiễn tốt tại Việt Nam, Hàn Quốc và các quốc gia khác trong hoạt động truyền thông chính sách về đa văn hóa; từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách về đa văn hóa…
|
Ông. Jinho Hur – Cựu Chuyên gia KOICA tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền giai đoạn 2014-2016 phát biểu tại Hội thảo. |
Với góc nhìn của một chứng nhân đặc biệt về quá trình hợp tác tốt đẹp giữa Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong tham luận chủ đề: “Chủ nghĩa thể chế trong nền kinh tế như một văn hóa”, ông Jinho Hur – Cựu Chuyên gia KOICA tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền giai đoạn 2014-2016 đã khẳng định: Mối quan hệ phức tạp giữa thể chế, văn hóa và kinh tế; đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các thể chế mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đó cũng là những gì mà các nhà hoạch định và thực thi chính sách của Việt Nam có thể nghiên cứu nhằm làm sâu sắc hơn ý nghĩa của quá trình truyền thông chính sách về đa văn hóa gắn với sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước nhà.
Bàn về vấn đề truyền thông chính sách đa văn hóa ở Hàn Quốc, TS Kim Sonho – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu truyền thông, Quỹ xúc tiến Truyền thông Hàn Quốc cũng đã cho biết vai trò của các phương tiện truyền thông Hàn Quốc trong việc định hình các gia đình văn hóa. Đặc biệt, TS Kim Sonho đã làm rõ hệ thống hóa các đặc điểm, vấn đề trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông Hàn Quốc để định hình các gia đình văn hóa. Qua bài tham luận cho thấy tác động của các gia đình đa văn hóa đến sự phát triển chung của kinh tế, xã hội không chỉ của Hàn Quốc mà cả Việt Nam. Những gia đình có cô dâu người Việt ở Hàn Quốc hiện xếp thứ 2 với 13,5%, chỉ sau các gia đình có cô dâu Trung Quốc. Như vậy, sự phát triển sau này của Hàn Quốc sẽ có sự đóng góp không hề nhỏ của các thế hệ tiếp theo của các gia đình Hàn – Việt. Vì vậy, quá trình truyền thông chính sách đa văn hóa sẽ giúp người dân thấu hiểu các định hướng của Chính phủ về vấn đề này để cùng ủng hộ cho những thể chế kinh tế được thiết lập, tận dụng tốt nhất sức mạnh mềm cho quá trình phát triển của quốc gia ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất.
Từ những kinh nghiệm tham gia khóa học bồi dưỡng tại Hàn Quốc năm 2024 nằm trong Dự án Hỗ trợ Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ (giai đoạn 2) với sự hỗ trợ từ phía KOICA, đồng chí Ngô Thị Phương Thảo, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Nhân Dân cuối tuần, Báo Nhân Dân đã chia sẻ nhiều cách làm hay, kinh nghiệm quý thông qua tham luận chủ đề “Truyền thông chính sách Hàn Quốc: Trải nghiệm, dấu ấn và gợi ý cho truyền thông chính sách Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Đồng chí Ngô Thị Phương Thảo không chỉ khái quát về những bước chuyển mình của truyền thông chính sách Hàn Quốc, đặc biệt là sự trải nghiệm thực tế thông qua khóa học bồi dưỡng mà còn nhấn mạnh nhu cầu và những gợi ý cho truyền thông chính sách Việt Nam để thích ứng với thời đại công nghệ số. Đó cũng là những kết quả vô cùng hữu ích mà các học viên nhận được sau khi trở về từ các khóa tập huấn về truyền thông chính sách tại Hàn Quốc.
|
TS Lưu Thúy Hồng, Phó Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu những kinh nghiệm quý trong hoạt động truyền thông chính sách về đa văn hóa tại Việt Nam hiện nay. |
Từ cách tiếp cận “Truyền thông về đa dạng văn hóa với tư cách là một giá trị quan trọng của sức mạnh mềm quốc gia Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, TS Lưu Thúy Hồng, Phó Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã nêu ra những kinh nghiệm quý báu, những hạn chế còn tồn tại trong hoạt động truyền thông chính sách về đa văn hóa tại Việt Nam hiện nay. Từ đó, nhấn mạnh các vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới để nâng cao chất lượng truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tạo ra nguồn vốn xã hội to lớn cho quá trình phát triển của mọi đất nước.
|
Đồng chí Đặng Trần Hiếu, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tham luận “Nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của đa văn hóa trong doanh nghiệp: Góc nhìn từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam”. |
Với góc nhìn từ phía cộng đồng doanh nghiệp, với tư cách là những người thụ hưởng từ chính sách quản lý của Nhà nước, trong bài tham luận “Nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của đa văn hóa trong doanh nghiệp: Góc nhìn từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam”, đồng chí Đặng Trần Hiếu, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã phân tích làm rõ những cơ hội và thách thức mà Tập đoàn gặp phải đối với sự đa văn hóa trong doanh nghiệp. Từ đó, đồng chí đã nêu ra nhiều giải pháp quan trọng, khả thi nhằm tăng cường vị thế Tập đoàn trong ngành năng lượng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và nâng cao giá trị thương hiệu trên trường quốc tế.
|
Hội thảo có sự tham dự của hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước về lĩnh vực văn hóa và truyền thông. |
Chung tay xây dựng thế giới đa văn hóa
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Hội thảo khoa học “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế” đóng vai trò là một cơ hội rất quý báu để chúng ta cùng nhau thảo luận, trao đổi và học hỏi về cách truyền thông có thể đóng góp vào việc xây dựng một thế giới đa văn hóa, nơi mà sự hiểu biết và tôn trọng nhau được thúc đẩy mạnh mẽ.
|
Lãnh đạo các cơ quan đồng tổ chức Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. |
PGS.TS Phạm Minh Sơn nhấn mạnh: “Chúng ta, những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và hoạch định, thực thi chính sách, đều mang trong mình những trách nhiệm to lớn. Chúng ta không chỉ là người truyền tải thông tin, mà còn là người xây dựng cầu nối văn hóa. Chúng ta cần đảm bảo rằng thông điệp về đa văn hóa được truyền tải một cách chính xác, tôn trọng và đầy đủ. Chúng ta cần khám phá và thể hiện sự đa dạng trong các hình thức truyền thông, từ báo chí đến truyền hình, từ mạng xã hội đến phim ảnh”.
Từ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, PGS.TS Phạm Minh Sơn cho rằng, có thể rút ra bài học ý nghĩa là việc khẳng định đa văn hóa là một sức mạnh mềm của quốc gia và việc truyền thông về chính sách đa văn hóa là quá trình làm cho sức mạnh mềm ấy có cơ hội thăng hoa. Đa dạng văn hoá vốn là một đặc tính của văn hoá Việt Nam; trong đó có sự kết tinh giữa bản sắc văn hoá của 54 dân tộc hòa quyện bởi 99,5 triệu dân đang sinh sống ở khắp các vùng, miền của Tổ quốc. Đây là bức tranh về xã hội đa văn hóa đẹp nhất của một Việt Nam phồn vinh đậm đà bản sắc dân tộc trong tâm trí bạn bè quốc tế. Đó cũng chính là nguồn lực quan trọng tạo ra sự thu hút, sức hấp dẫn khó có thể chối từ đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Theo Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khi đa văn hoá vẫn chưa phải là thuật ngữ quen thuộc với đại đa số người dân và công chúng quốc tế thì các hình thức truyền thông chính sách còn cần phải được làm mới nhiều hơn, hướng tới cách thức truyền tải thông điệp sáng tạo và ý nghĩa, thậm chí còn cần phải được cá biệt hóa hơn nữa trong thời kỳ số hóa của nền kinh tế các quốc gia.
|
Các diễn giả và đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. |
Khi các nền văn hóa từ khắp nơi trên thế giới giao thoa và cùng tồn tại trong một không gian xã hội chung, truyền thông chính sách không chỉ phải đáp ứng nhu cầu của cộng đồng bản địa mà còn phải được thiết kế phù hợp với một cộng đồng mang tính quốc tế. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia truyền thông cần có sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa, ngôn ngữ và lối sống của các nhóm văn hóa khác nhau trên thế giới.
Hội thảo "Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế" hôm nay đã bước đầu làm sáng tỏ, hệ thống hóa khái niệm, mục đích, đặc trưng và tầm quan trọng của truyền thông chính sách về đa văn hóa; đồng thời tìm hiểu kinh nghiệm, mô hình truyền thông chính sách về đa văn hóa tại Việt Nam, Hàn Quốc và các nước trên thế giới; từ đó, đưa ra khuyến nghị, bài học kinh nghiệm và giải pháp tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay./.