Yên Bái: Lễ hội đền Đông Cuông là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Thứ năm, 02/02/2023 08:01
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Tối 1/2 (tức 11 tháng Giêng năm Quý Mão), Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đã long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định ghi danh "Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và khai mạc Lễ hội năm 2023.
Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn phát biểu khai mạc buổi lễ (Ảnh: Mỹ Vân)

Đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông (huyện Văn Yên), xung quanh có đại ngàn bao phủ, phía trước đền là dòng sông Hồng. Đền có dáng dấp kiến trúc của đền chùa truyền thống, góc mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật, các cột đền được làm bằng gỗ tứ thiết, được sơn son thiếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm.

Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm, ngoài đền Chính còn có miếu Cô, miếu Cậu và miếu Đức Ông (tọa bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi đền Chính về hướng nam cách 150m đường chim bay thuộc cụm di tích đền Đông Cuông). Hàng năm, cứ xuân thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh”.

Đông Cuông cũng là nơi phát hiện Văn hóa Sơn Vi, theo giới khảo cổ học có niên đại cách ngày nay khoảng 23.000 năm đến 11.000 năm.

Đền có từ lâu đời, qua sử sách thư tịch được biết đền có muộn nhất vào đời Lê. Được phát triển từ một miếu cổ thờ Đông Quang (thuộc trung tâm trại Quy Hóa thời Trần).

Theo Đại Nam nhất thống chí, đền Đông Cuông thờ Cao Quan Đại Vương, húy là Thổ Lệnh và Thạch Khanh, đã có công chu du thiên hạ, tìm phương thuốc quý để chữa bệnh cho nhân dân. Đến khi mất lại rất linh ứng, ngầm theo để giúp các vị tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương, được nhân dân suy tôn, vua gia phong là "Thần vệ quốc" và đã hóa thân thành Mẫu Thượng ngàn, là người mẹ của vũ trụ. Năm 1258, nghĩa quân của tướng Hà Đặc sau khi thắng trận đã tập kết quân tại đền Đông Cuông và tổ chức mổ trâu khao quân. Đền và khu vực đền có liên quan đến đền Ngọc Tháp và đền Hùng (Phú Thọ).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo buổi lễ  (Ảnh: Mỹ Vân)

Lễ hội đền Đông Cuông là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời, kết hợp nhiều tín ngưỡng dân gian bản địa từ tục thờ thủy thần tới thờ Mẫu Thượng ngàn - Đông Cuông công chúa, tín ngưỡng thờ các anh hùng văn hóa (như thần Vệ Quốc - Ngũ Vị Tôn Ông) và các vị anh hùng dân tộc (Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương...) cùng nhiều lớp tín ngưỡng dân gian khác và đã bắt rễ trong tâm thức của đồng bào nơi đây.

Hàng trăm năm qua, Lễ hội đền Đông Cuông đã trở thành sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng các dân tộc là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng các dân tộc.

Với giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu, ngày 16/1/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Đông Cuông vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sau phần lễ là phần hội, các hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co và các hình thức sinh hoạt mang đậm chất dân gian như ném còn, đánh yến, kéo co, đấu vật, hát chèo với đủ sắc màu các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Nùng...

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn khẳng định, những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Yên Bái coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của tỉnh.

Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 132 di tích được xếp hạng; 714 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, bên cạnh nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Yên Bái còn có 4 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết: Đền Đông Cuông từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng; một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng Tây Bắc. Đền là nơi thờ chính Mẫu Thượng ngàn - Mẫu đệ nhị trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; thờ Thần Vệ Quốc và các vị anh hùng dân tộc hi sinh trong các cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm.

Lễ hội truyền thống Đền Đông Cuông giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng; là sản phẩm sáng tạo thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Bản sắc văn hóa trong Lễ hội Đền Đông Cuông đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, lễ công bố Quyết định ghi danh “Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hôm nay là dịp để chúng ta tôn vinh di sản với giá trị vững bền và sức sống mãnh liệt; ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền huyện Văn Yên, xã Đông Cuông, các sở, ngành có liên quan của tỉnh và cộng đồng các dân tộc huyện Văn Yên trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa đền Đông Cuông và Lễ hội truyền thống đền Đông Cuông; đồng thời, thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết lễ hội đền Đông Cuông có những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu. Chính vì vậy, ngày 16/1/2023, Bộ đã quyết định ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao chứng nhận ghi danh “Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái (Ảnh: Mỹ Vân)

Trao chứng nhận ghi danh “Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị tỉnh Yên Bái cần xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội đền Đông Cuông để có các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình cụ thể cho các hoạt động bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị tốt đẹp của lễ hội trong đời sống văn hóa của cộng đồng gắn với phát triển kinh tế xã hội và du lịch.

Đồng thời, Yên Bái cũng cần tăng cường công tác quản lý thực hành tín ngưỡng và nghi thức phục vụ tín ngưỡng tại đền để đảm bảo giữ gìn và thực hành đúng với giá trị gốc của lễ hội, kiên quyết ngăn chặn và loại bỏ những hoạt động tín ngưỡng không phù hợp.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Yên Bái cũng cần xây dựng nếp sống văn minh, trật tự tại không gian di tích, lễ hội; xây dựng thương hiệu lễ hội gắn với địa danh có di sản Lễ hội đền Đông Cuông - huyện Văn Yên, Yên Bái, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, để Yên Bái trở thành điểm du lịch văn hóa lành mạnh và hấp dẫn du khách…

Chương trình Lễ hội Đền Đông Cuông diễn ra trong 2 ngày 1 - 2/2/2023 (tức ngày 11 và 12 tháng Giêng) với nhiều hoạt động đặc sắc khác như: Nghi lễ dâng trâu tế thần theo truyền thống tại cây mít cổ thụ trước cửa đền chính - đền Đông Cuông; Lễ dâng Chúc văn; Nghi lễ rước Mẫu sang Sông; Nghi lễ cúng chính tiệc và các hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi…/.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực