Theo truyền thuyết, đình được xây dựng lần đầu tiên vào thời Lý Thái Tổ (1010 – 1026). Đình thờ Lý Phục Man, một danh tướng của Lý Bí, sống ở thế kỷ thứ VI, quê ông ở làng Cổ Sở (huyện Hoài Đức). Tương truyền, ông giỏi võ nghệ, theo Lý Bí khởi nghĩa chống quân Lương (Trung Hoa) xâm chiếm nước ta, lập nhiều chiến công. Nhà Tiền Lý (544-555) thành lập, ông được cử trông coi vùng đất phía Nam, đánh tan cuộc xâm lấn của Chăm pa. Sau đó, ông trở về quản lĩnh vùng đất Đỗ Động, Đường Lâm. Nhà Lương lại đưa quân sang xâm lược nước Vạn Xuân. Ông chỉ huy quân sĩ đánh giặc và hi sinh ở chiến trường. Thương nhớ và biết ơn ông, nhân dân ở nhiều nơi như Yên Sở (Hoài Đức), Xuân Đỉnh (Từ Liêm)… dựng đền, đình thờ danh tướng Lý Phục Man.
Đình Quán Giá được thiết kế theo phong cách kiến trúc thuần Việt với ba nhà đại đình, trung đình và thượng điện. Các công trình kiến trúc cổ, và các hiện vật đang được chính quyền và nhân dân làng Giá đang lưu giữ có giá trị tư liệu về lịch sử, văn hoá cao. Đình được xây dựng theo hình chữ “Công” cổ, có lối kiến trúc của cung điện nhà vua, rất hiếm có ngôi đình nào có được kiến trúc này. Đình Quán giá bao gồm đền Thượng, đền Trung và đền Hạ.
Trong không gian kiến trúc đình, có kiến trúc tòa thượng điện được phục dựng từ thời Nguyễn. Tổ hợp nhà ngang nơi nhân dân các thôn trong xã tụ hội dịp diễn ra các sự kiện. Hai bên sân trong là nhà tả mạc, hữu mạc rất dài, mỗi dãy nhà ngang đó chia thành 11 gian dành cho những nhóm người dự hội. Nhà ngang cũng là nơi để các bậc chức sắc, cao niên trong xã gặp nhau bàn bạc vào dịp diễn ra các lễ hội hoặc sự kiện lớn. Công trình có kiến trúc đặc trưng của đình đền ở nước ta, có giá trị nghiên cứu nhiều mặt về nghệ thuật kiến trúc, xây dựng.
|
Một góc đình Giá. Ảnh:TL |
Bên trong hậu cung có tượng Lý Phục Man đặt giữa tượng hai bà Phương Dung và Ả Nương cùng bốn pho tượng các thị nữ, hộ sĩ đứng hầu. Đặc biệt còn lưu giữ được 5 tấm bia đá mang niên đại các năm 1620, 1671, 1681, 1728, 1803 và một số tài liệu cổ như thần phả, hương ước, phản ánh lịch sử của vùng đất này. Đối xứng với nhà bia, ở phía đông là nhà để con ngựa bằng đồng hun, được đúc năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707), ngày nay được sơn trắng.
Các hoa văn, chạm khắc trên tường bao, cổng, mái đình còn lưu dấu ấn các triều đại phong kiến ở nước ta, tiêu biểu là dấu ấn thời Lý trên gạch trang trí tường ngoài công trình. Trải qua 17 lần trùng tu và tôn tạo, đình Quán Giá đã trở thành một địa chỉ văn hóa tâm linh và du lịch với cảnh quan đẹp có tiếng của Hà Nội. Kiến trúc đình phản ánh rõ nét về không gian sống thường nhật, những phong tục tập quán của người dân ở vùng đất này. Ngày 4/4/1994, Bộ Văn hóa- Thông tin - Thể thao đã công nhận đình Giá (đình Yên Sở) là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.
Hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, nhân dân 3 xã Yên Sở, Đắc Sở và Tiên Yên của huyện Hoài Đức mở hội, rước giá để tưởng nhớ công lao của tướng quân Lý Phục Man.Hội Giá có một di sản văn hoá phi vật thể là tích “nghiềm quân”, diễn tả sự gắn kết của quân dân với tướng công Lý Phục Man. Trước những năm 1980, thường chỉ vài ba trăm người diễn tích này. Đến nay, dân số Yên Sở đông lên thành khoảng một vạn nhân khẩu và hội Giá nay đã có tới gần 600 thanh thiếu niên và các cụ già tham gia đội hình nghiêm quân rước kiệu.
Sự quan tâm gìn giữ, thành kính hướng về tiền nhân và bảo tồn phát huy những giá trị di sản của cha ông cũng khắc hoạ rõ nét qua câu thành ngữ "Bơi Đăm, Rước Giá, Hội Thày" - phản ánh một thời kỳ dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta.
Nét đẹp văn hoá phi vật thể này đã góp phần làm cho tinh thần bất diệt cuộc khởi nghĩa năm 542 lan tỏa mãi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.