Chợ phiên San Thàng họp vào sáng thứ 5 và sáng Chủ nhật hàng tuần, mỗi dịp chợ phiên đồng bào các dân tộc Tày, Mông, Dao, Giáy, Lự tới chợ tạo lên một chợ phiên xôn xao sắc mầu thổ cẩm.
Chợ phiên San Thàng không biết có từ bao giờ, còn nay đồng bào tới chợ phần lớn là đồng bào các dân tộc sinh sống ở quanh vùng. Họ tới chợ từ sáng sớm, mang theo những sản vật của núi rừng như mật ong rừng, gà rừng hoặc những sản phẩm thủ công truyền thống khăn, áo, đồ mây tre đan, vải thổ cẩm…
Người dân ở đây đều toát lên sự gần gũi thân mật. Các cô gái, chàng trai người Lự, người Mông hay người Dao đều có cái cớ riêng để tới chợ với nhiều người đi chợ phiên đã trở thành một nếp sống. Ngày thường chợ khá vắng vẻ, nhưng đến phiên, chợ San Thàng lại nhộn nhịp, đông vui, rộn rã sắc mầu đến khác lạ.
|
Một góc chợ phiên San Thàng. |
Xưa kia chợ chủ yếu bán các vật dụng thiết yếu do đồng bào tự làm, tự bán như dao quắm đi rừng, cuốc, thuổng, lâm thổ sản, thổ cẩm. Nay thì chợ bán đủ thứ từ cái kim, sợi chỉ cho đến mớ rau, củ khoai, củ sắn, lợn, gà, chó, mèo và cả những sản phẩm thiết yếu cho gia đình.
Không khí chợ rộn ràng, những bộ váy áo sặc sỡ đủ màu, khuôn mặt luôn nở nụ cười. Với đồng bào các dân tộc nơi đây, chợ đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người, xem đây là nơi gặp gỡ trò chuyện sau những ngày xa vắng.
Tô điểm trong chợ phiên là các cô gái dân tộc Lự má đỏ hây hây, hay bài nhạc gọi bạn cùng các bà mẹ địu con trên lưng đến chợ, các phụ nữ dân tộc Mông vừa bán hàng vừa tranh thủ thêu thổ cẩm, tất cả hoà quyện tạo nên một khung cảnh thú vị, độc đáo.
Du khách ở nhiều nơi khi đến thành phố Lai Châu, nếu đúng dịp chợ phiên cũng thường ghé vào chợ San Thàng. Đôi khi chỉ thưởng thức vài miếng bánh bỏng, bánh đúc, miếng bánh bò của đồng bào Mông hay bát chè của bà con người Giáy; hoặc mua sắm chút sản vật địa phương làm quà. Trải qua thời gian, chợ phiên San Thàng vẫn giữ được bản sắc riêng, in đậm âm sắc của một phiên chợ vùng cao Tây Bắc.