Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Thủ đô. Là tỉnh có bề dày truyền thống văn hoá, cách mạng và có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp và du lịch, dịch vụ.
Vĩnh Phúc có 40 DTTS cùng sinh sống với khoảng 59 nghìn người, chiếm khoảng 4,8% dân số toàn tỉnh. Tỉnh có 11 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi (DTTS&MN).
Giai đoạn 2019 - 2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Công tác an sinh xã hội được tăng cường, bản sắc văn hóa các DTTS được giữ gìn và phát huy, đoàn kết trong vùng đồng bào DTTS&MN được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao, trình độ phát triển giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng khác trong tỉnh không còn nhiều cách biệt.
|
Tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, từng bước xây dựng vùng đồng bào DTTS ngày càng khang trang, hiện đại. |
Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS&MN của tỉnh đạt khoảng 61 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,98%. 11/11 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông.
100% trường, lớp học các cấp học được xây dựng kiên cố. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nước hợp vệ sinh, xem truyền hình và nghe đài phát thanh. 100% học sinh mẫu giáo, tiểu học, THCS được đến trường; 80% học sinh THPT đến trường. 94,5% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế. 100% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng (nhà văn hóa)...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, kết quả công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, đồng bào các DTTS chưa biết cách khai thác, phát huy lợi thế vốn có của vùng. Khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào DTTS&MN với các vùng khác trong tỉnh vẫn có sự chênh lệch nhất định; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chưa đạt kế hoạch.
Cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư, song nhìn chung vẫn chưa đồng bộ; công tác quản lý, sử dụng công trình sau đầu tư còn nhiều hạn chế, bất cập, một số công trình hạ tầng sau khi đưa vào khai thác sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng… Việc bố trí kinh phí để thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình không được thực hiện, tuổi thọ của công trình giảm, không phát huy được hiệu quả của công trình…
Trong thời gian tới, để công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện có hiệu quả, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc đối với các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh.
Kịp thời thể chế hoá các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh; Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng đồng bào DTTS&MN; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để đồng bào tích cực tham gia xây dựng, thực hiện giám sát việc thi hành chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.
Tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững, đảm bảo đồng bộ, hiện đại hoá. Huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của tỉnh để đầu tư cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ kinh tế - xã hội.
|
Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh phát huy hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thành sức mạnh để chung sức, đồng lòng cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp. |
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS&MN; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS, đảm bảo đội ngũ cán bộ là người DTTS có đủ năng lực, trình độ, trí tuệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người DTTS; huy động nguồn lực để thực hiện đào tạo và giải quyết việc làm cho người DTTS. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện việc tuyển dụng, đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động vùng đồng bào DTTS&MN.
Đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế-xã hội, gắn phát triển sản xuất với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đặc biệt chú trọng các mô hình phát huy nội lực, khắc phục tính tự ty, ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận đồng bào.
Chăm lo giải quyết các chính sách xã hội, ổn định đời sống Nhân dân trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN. Tăng cường đầu tư các dịch vụ để nâng cao mức sống của Nhân dân, giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công cộng, nhất là y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nước sinh hoạt… để người dân yên tâm sinh sống, ổn định sản xuất.
Kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở; đảm bảo an ninh chính trị cơ sở; ngăn ngừa các hoạt động truyền đạo trái phép, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cần phát huy hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thành sức mạnh để chung sức, đồng lòng cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp; nâng niu, tự hào, giữ gìn văn hóa của dân tộc mình bằng cách truyền dạy cho con cháu tiếng nói, chữ viết, các bài hát, điệu múa của tổ tiên để lại; kiên quyết bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ rừng, góp phần phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu./.