Lâm Bình - điểm đến du lịch, văn hoá hấp dẫn

Thứ hai, 06/06/2022 11:25
(ĐCSVN) – Vùng đất hội tụ những nền văn hoá đặc sắc của trên 10 dân tộc anh em, với các lễ hội truyền thống đậm màu sắc dân gian, các danh lam thắng cảnh hữu tình, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Tày, H’Mông, Dao, Phà Thẻn…tất cả những sắc thái văn hoá cùng tổng hoà tạo lên sức hấp dẫn riêng có ở Lâm Bình.

Huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 xã và 1 thị trấn, 100 thôn, bản; dân số trên 51 nghìn người với trên 10 dân tộc anh em cùng chung sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, trong đó: Dân tộc Tày chiếm 62%, Dao trên 25%, Mông 6%, còn lại là các dân tộc khác... Đặc biệt tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình có dân tộc Pà thẻn sinh sống, chiếm khoảng 2% dân số toàn huyện. Dân tộc Pà Thẻn có nét văn hóa đặc sắc, với Nghi lễ Nhảy lửa huyền bí. Thôn Thượng Minh cũng là nơi có tộc người Thủy duy nhất tại Việt Nam, hiện còn 54 hộ, 105 khẩu. Người Thủy có, nguồn gốc, tiếng nói, trang phục, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng biệt.

Văn hoá, con người trên vùng đất đa sắc tộc

Những năm gần đây thực hiện chủ trương bảo tồn, phát huy nghề truyền thống thu hút khách du lịch của chính quyền địa phương. Để thực hiện kế hoạch đề ra huyện Lâm Bình đã triển khai nhiều giải pháp như: Đầu tư cơ vật chất hạ tầng; đa dạng hoá sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm đặc thù; phát triển nghề thổ cẩm gắn với mô hình du lịch Homstay; phục dựng bảo tồn lễ hội truyền thống; đẩy mạnh tuyên truyền thu hút đầu tư; thành lập mô hình Hợp tác xã thổ cẩm, hướng đến xây dựng, phát triển thông qua chuỗi liên kết giữa các cá nhân, hộ gia đình sản xuất với thị trường tiêu thụ. Đây là những nỗ lực để gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên địa bàn huyện Lâm Bình.

Đầu năm 2020, ba cô gái dân tộc Tày, Chẩu Thị Mai, Hỏa Thị Minh Thùy và Vi Thị Thùy Trang ở Lâm Bình xây dựng mô hình tổ, nhóm dệt thổ cẩm. Sau một thời gian vừa làm vừa nghiên cứu cải tiến khung cửi và mẫu mã sản phẩm. Từ mô hình tổ, nhóm đến nay đã phát triển thành Hợp tác xã thổ cẩm với trên 20 thành viên, gồm những phụ nữ dân tộc Tày, Dao thành thạo nghề, làm ra những sản phẩm thổ cẩm đạt chất lượng cao, thu hút du khách.

Nét đặc sắc ở các sản phẩm thổ Lâm Bình đó là các công đoạn làm ra tấm vải đều theo quy cách truyền thống, dệt bằng chất liệu tự nhiên, màu nhuộm sản phẩm chế tác từ thiên nhiên. Sản phẩm của HTX cũng đa dạng, từ quần, áo đến đồ lưu niệm chăn, mũ, khăn quàng thổ cẩm. Hoa văn sản phẩm được thêu dệt tinh xảo cùng chất liệu truyền thống của đồng bào trên các sản phẩm được du khách ưa thích.

Bên cạnh đó tại thôn Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can có khoảng 10 hộ gia đình đang giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thông qua các hoạt động triển khai điểm đến du lịch, tổ chức các Tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây được du khách ưa thích tìm hiểu và trải nghiệm như: nghề đan lát, nghề thêu, dệt vải thổ cẩm...

Đồng bào dân tộc H’Mông, huyện Lâm Bình với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. 

 Cùng nghề dệt thổ cẩm độc đáo, Lâm Bình được biết đến với nền văn hoá đa dạng của trên 10 dân tộc anh em chứa đựng nhiều giá trị nhân văn đặc sắc. Trong không gian văn hoá có các làn điệu dân ca, dân vũ (hát Then, hát quan làng, hát Páo dung, hát cọi, múa khèn,…), trò chơi dân gian, kiến trúc nhà ở (nhà sàn của người Tày, nhà đất của người Dao, Pà Thẻn, nhà trình tường của người Mông…

Hệ thống các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày, Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, lễ cấp sắc của người Dao, Lễ giã cốm, Lễ mừng cơm mới,... Mỗi lễ hội có một ý nghĩa, nét đẹp văn hóa độc đáo khác nhau, song đều thể hiện khát vọng của người dân cầu trời đất, các bậc thánh thần, tổ tiên phù hộ cho sức khỏe, làm ăn ngày càng phát đạt, bản làng yên vui, hạnh phúc.

Nền ẩm thực truyền thống ở Lâm Bình hấp dẫn du khách với nhiều sản phẩm đặc sản địa phương như: Mật ong, nấm hương rừng, chè Khau mút, rượu ngô, rượu thóc men lá, cá đặc sản lòng hồ,… và các món ăn đặc sản địa phương như: Thắng cố, mèn mén, thịt chua, cá chua, cá mắm ruộng, xôi ngũ sắc, thịt lợn bí, cá khuy suối lam ống nứa, bánh trứng kiến, bún cổ truyền, ốc suối, rêu suối, rau rừng, thịt trâu gác bếp, da trâu khô, các loại rau rừng: nõi chuối rừng, bắp bi chuối rừng, bò khau, rau ngót rừng, thảo dược từ rừng, giảo cổ lam, sâm đá, sâm cau, tầm gửi…

Tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch

Lâm Bình là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất toàn quốc, độ che phủ rừng đạt trên 80% so với diện tích toàn huyện. Thảm rừng nhiệt đới xanh quanh năm, hệ động vật, thực vật đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Pơ Mu, Thông tre, Thông đỏ, Nghiến, Trai, Đinh, Sến, Dổi, các loài dược liệu quý (tâm thất rừng, cây một lá, Thất diệp nhất chi hoa,…); Động vật có: Voọc đen má trắng, Vượn, Khỉ, Hươu, Nai, Lợn rừng, Mèo rừng, Cu li, Sóc, Cầy, Nhím,… Đặc biệt Lâm Bình đang bảo tồn loài: Voọc đen má trắng, hiện còn trên 100 cá thể nằm trong sách đỏ thế giới,…

Diện tích hồ Tuyên Quang rộng trên 8.000 ha, chia 2 tuyến (dọc theo Sông Gâm và Sông Năng trước đây). Lòng hồ thuộc địa bàn huyện Lâm Bình quản lý dọc theo tuyến Sông Gâm kéo dài đến địa phận huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, chỗ rộng nhất 3km, lòng hồ mở ra mênh mang. Đây cũng là nơi sinh sống, nuôi trồng nhiều loài cá đặc sản như: Dầm Xanh, Anh Vũ, Chiên, Lăng, Bỗng, Chạch, Nheo,…Cùng với lòng hồ rộng lớn, trên địa bàn huyện có hệ thống các con suối lớn, nhỏ khác nhau, cung cấp nước cho sinh hoạt, đời sống và sản xuất của nhân dân các dân tộc trong vùng, đồng thời các con suối uốn quanh các bản làng, những hàng tre soi bóng, tạo nên nét thơ mộng, bình yên nơi miền sơn cước. 

 Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình.

Lâm Bình được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như: Danh thắng Quốc gia 99 ngọn núi Thượng Lâm huyền thoại, được coi là Vịnh Hạ Long cạn giữa đại ngàn; Phong cảnh, núi non Khuôn Hà, Lăng Can, Bình An, Thổ Bình, Hồng Quang, Xuân Lập, Phúc Yên; hòn Cọc Vài, Núi Đổ địa phận giáp ranh giữa huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang và huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang; Đèo Ái Au, xã Thượng Lâm; đèo Kéo Nàng, xã Lăng Can; đèo Tát Nga, Khau Cau, xã Phúc Yên…

Hòa quyện với núi rừng xanh thẳm và lòng hồ rộng lớn là các thác nước với nhiều tầng thác, nguyên sơ: Thác Bản Lòa, Nặm Me, Khuổi Súng, Tát Ngà,… trên khu vực Hồ Lâm Bình; Thác Vằng Dân, Tát Trà, xã Lăng Can; Thác Khủng Cho, xã Hồng Quang; Thác Hang, xã Phúc Yên,…Mỗi danh lam, thắng cảnh đều có vẻ đẹp tự nhiên, kỳ vĩ và chứa đựng những sự tích, huyền thoại, gắn với sinh hoạt, đời sống ngàn đời của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Cùng với các danh lam, thắng cảnh, Lâm Bình còn có các di tích lịch sử, khảo cổ, tâm linh: Di tích Quốc gia Đền Pú Bảo, Chùa Phúc Lâm, Xưởng Quân Khí H52 của Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm, Đền Pác Vãng, Đền Bà Chủa (Bà Chúa); Chùa Ông, Chùa Bà, Đền Nà Thếm, Hang Xum Lôm, Hang Phia Vài (nơi phát hiện 2 ngôi mộ táng có niên đại trên dưới 12 nghìn năm).

Cùng đó là rất nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác ở vùng đất đa sắc tộc đang chờ đón du khách đến trải nghiệm và khám phá.

N Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực