Chợ phiên – nét văn hóa độc đáo vùng cao

Thứ sáu, 11/11/2022 20:00
(ĐCSVN)- Non nước Cao Bằng còn lưu giữ, phát huy nét đẹp chợ phiên mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ðây không chỉ là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa, mà còn là điểm đến thu hút khách du lịch. Lạc bước giữa những phiên chợ vùng cao, người lữ khách phương xa có dịp khám phá, trải nghiệm và say cái men say của rừng núi, con người miền Ðông Bắc.

 

Chợ phiên nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa và là điểm đến thu hút khách du lịch 

 

Chợ phiên cất giữ cả một kho tàng văn hóa ẩm thực, trang phục, âm nhạc… vô cùng thú vị của người dân bản địa. Người đến chợ đủ mọi lứa tuổi từ già đến trẻ, đặc biệt là đông đảo nam nữ thanh niên. Những bà mẹ, chị em phụ nữ mua bán nông sản, sắm sửa váy áo. Các ông chồng gặp gỡ bạn bè, thổi khèn, uống chén rượu ngô thơm nồng. Trẻ em theo bố mẹ đi chợ ăn bát phở nóng hổi, mua thêm vài chiếc bánh rán mang về, còn nam thanh, nữ tú thì hò hẹn, giao lưu tạo nên một khung cảnh sinh động, vui tươi.

Chợ phiên Cao Bằng được quy định cụ thể vào các ngày trong tháng, cứ 5 ngày 1 phiên tính theo âm lịch. Chợ Quảng Uyên (Quảng Hòa), Nà Giàng (Hà Quảng), Phja Đén (Nguyên Bình) họp vào ngày có đuôi 1 và 6; chợ Trùng Khánh, Bảo Lạc diễn ra vào ngày có đuôi 5 và 0 hằng tháng… Khi mặt trời chưa ló rạng, phố huyện vẫn chìm trong sương lạnh, đồng bào từ các xóm, bản đã nhộn nhịp kéo nhau xuống chợ. Họ mang theo hành lý đơn sơ là chiếc gùi đựng vài bó rau rừng, chục trứng, ít đậu, dưa nhà trồng; chiếc bao tải đựng nếp nương, ngô luộc hoặc mấy con gà, vịt… Cách bày bán cũng mộc mạc, giản đơn với tấm bạt cũ, giỏ tre đặt trên mặt đất. Dẫu đơn sơ nhưng đó là kết tinh của quá trình lao động sản xuất và thể hiện sự gắn bó, sinh sống hòa hợp với tự nhiên của đồng bào. Đến chợ phiên, người ta đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm cùng nụ cười hiền hậu, không khí thân thiện như tính cách con người vùng cao. Những thiếu nữ má đỏ hây hây, tà váy áo rực rỡ đung đưa theo từng bước chân. Mọi sinh hoạt, các mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa, tình cảm... tất thảy đều được khắc họa qua một phiên chợ. Họ hỏi thăm nhau chuyện ruộng nương, nhà cửa, chuyện con cái, dựng vợ, gả chồng. Tiếng nói cười, tiếng khèn, sáo cứ thế râm ran bốn phía.

5 ngày họp một lần, chợ phiên hội tụ những nét văn hóa đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc bản địa 

Đến chợ phiên, hàng ăn uống luôn tấp nập thực khách ghé thăm. Mùi thơm nức mũi của những món ăn dân dã nghi ngút khói xua đi gió rét trời sương. Cả người dân bản địa lẫn du khách đều không thể nào cưỡng lại sức hấp dẫn của đặc sản mang đậm phong vị núi rừng. Món quà quê thơm ngon như bánh trời, bánh bò, khẩu sli, thạch mác púp; đồ thủ công truyền thống như thổ cẩm, giấy bản, hương, vải chàm, sản phẩm nghề rèn, đan lát… Du khách cũng sẽ thêm yêu người Cao Bằng khi chứng kiến phong cách bán hàng thật thà, chất phác của đồng bào dân tộc.

Theo nhiều chuyên gia du lịch, những nét khác biệt về cảnh quan, văn hóa dân tộc, sản phẩm đặc trưng khiến chợ phiên có sức hút rất lớn đối với du khách thập phương. Nếu chợ phiên được tổ chức tốt, gắn kết với hoạt động văn hóa, lễ hội không chỉ góp phần tạo đầu ra cho sản vật địa phương mà hoàn toàn có thể hình thành sản phẩm du lịch mới. Vấn đề cần quan tâm là phải đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, quy hoạch không gian chợ phiên sạch, đẹp, văn minh, đảm bảo kết hợp hài hòa tính thương mại và yếu tố văn hóa du lịch.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực