Tỉnh Phú Thọ có nền văn hóa rực rỡ từ lâu đời, là địa phương có Khu di tích Đền Hùng để thờ tự 18 đời vua Hùng và nhiều di tích văn hóa có giá trị khác. Khu di tích Đền Hùng và các di tích văn hóa Phú Thọ hết sức có giá trị với phát triển du lịch tại Việt Nam. Tuy Lộc là xã miền núi của huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, người dân sinh sống quây quần, đoàn kết cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xã hội, với những phong tục tập quán, văn hóa được duy trì từ xa xưa là cơ sở, nền tảng quan trọng để xã Tuy Lộc tập trung phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.
|
NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ chính là lòng tự hào về cội nguồn và khát vọng thống nhất, minh triết độc đáo của quốc gia, dân tộc Việt Nam, gắn liền truyền thống nông nghiệp lúa nước, ý chí tự cường và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, thiên tai, làm nên sức mạnh Việt Nam. Đây cũng là sức mạnh cội nguồn, quy tụ được sự đoàn kết các thế hệ người dân Việt Nam sinh sống ở mọi miền đất nước, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, trong số liệu di tích phong phú, đồ sộ của cả nước, ngôi đình làng chiếm một tỷ lệ khá lớn. Giá trị về vật thể và phi vật thể của đình làng là rất ý nghĩa, đã và đang được Nhà nước và Nhân dân ghi nhận. Đồng hành với những bước đổi thay, phát triển của làng xã, đình làng còn gìn giữ, bảo lưu di sản văn hóa quý giá, mang ý nghĩa giáo dục lịch sử sâu sắc.
Phát biểu khai mạc chương trình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc Hoàng Quang Trọng cho biết, Đình Hội, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ là nơi thờ tự Vua Hùng Vương thứ 17 là Hùng Nghị Vương và được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 38/QĐ-UBND ngày 21/01/1995 của UBND tỉnh Phú Thọ. Đình Hội được xây dựng vào năm 1853 dưới triều Vua Tự Đức. Năm 1936, giặc Pháp bắn phá làm ảnh hưởng lớn đến quy mô kiến trúc của Đình. Sau đó, được Nhân dân khôi phục, dựng lại, vẫn theo nền kiến trúc đình xưa. Đình Hội hiện còn lưu giữ được một số đồ thờ tự có giá trị nghệ thuật phong phú, có giá trị thẩm mỹ cao, có giá trị lịch sử khoa học, trong đó có 10 sắc phong, để lại cho chúng ta niềm tự hào về các bậc tiền nhân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của thời đại Hùng Vương. Đến thời điểm hiện tại, cơ sở vật chất của Đình đang xuống cấp, cần được tu bổ, tôn tạo.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm. |
Vì vậy, UBND xã tổ chức chương trình này nhằm tôn vinh, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa Đình Hội, đồng thời tìm hiểu sâu sắc thêm về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt Nam.
Tại chương trình, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói chung và tìm hiểu về di tích Đình Hội, nơi thờ cúng Vua Hùng thứ 17 - Hùng Nghị Vương.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, trong truyền thống văn hóa làng xã của Việt Nam, ngôi đình đóng vai trò rất quan trọng, linh thiêng, nơi tập trung các cơ quan chính quyền thời xưa. Ông ghi nhận việc tu bổ, tôn tạo Đình Hội là góp phần gìn giữ nét truyền thống văn hóa rất đáng quý từ thời Vua Hùng mà theo lịch sử ghi chép Đình Hội thờ tự Vua Hùng thứ 17.
Qua báo cáo cho thấy Đình Hội còn lưu giữ nhiều tài liệu quý như các sắc phong, ngọc phả ghi lại dấu tích của Đình Hội xưa kia. Thứ trưởng đề nghị nghiên cứu, tham khảo kỹ lưỡng nhằm giữ được tối đa dấu tích xưa để lại cho hậu thế và muôn đời con cháu chúng ta mai sau. Với ý nghĩa đó, việc tu bổ, tôn tạo Đình Hội là điều rất đáng mừng đối với ngành Văn hóa và lan tỏa trong đời sống cộng đồng. Ông đề nghị các kiến trúc sư, nhà xây dựng trong quá trình tu bổ, tôn tạo tiếp thu ý kiến của các nhà văn hóa, các nhà nghiên cứu về tôn giáo, tâm linh để hoàn thiện đầy đủ ý nghĩa của công trình văn hóa này./.