|
Bánh ngải thành phẩm có lớp vỏ màu xanh ngọc dai dai, dẻo dẻo cùng lớp nhân ngọt thanh thơm mùi mè, mùi lạc
|
Món bánh ngải hiện nay đã không còn xa lạ với mọi người. Khi nhắc đến bánh ngải, thực khách thường nhớ đến lớp vỏ màu xanh ngọc dai dai, dẻo dẻo cùng lớp nhân ngọt thanh thơm mùi mè, mùi lạc. Món bánh đơn giản, khi ăn tựa như một “phiên bản” khác của bánh giầy, nhưng cách chế biến lại phức tạp hơn nhiều.
Bánh ngải hay còn được biết tới với cái tên bánh giầy ngải, là một món ăn đặc trưng của dân tộc Tày, Nùng. Bánh thường được làm vào ngày Tết thanh minh hằng năm, nhưng hiện nay, đã được bán phổ biến ở các chợ tại tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn… Mỗi chục bánh (khoảng 10 chiếc) sẽ có giá từ khoảng 10-15 nghìn đồng, nhưng khi được đem về bán tại Hà Nội sẽ có giá cao hơn từ 30 – 50 nghìn đồng/chục bánh.
Tuy nhiên, đây là món ăn được rất nhiều người Hà Nội yêu thích. Bởi bánh không chỉ thơm, dẻo giống như bánh giầy, mà còn có vị ngọt thanh nhẹ nhàng, dễ chịu. Khi ăn cũng không cần kẹp thêm với giò, chả như loại bánh giầy thông thường. Có rất nhiều người trẻ, “nghiện” món bánh này đến mức chọn để làm đồ ăn sáng thay cho phở, bún, xôi vốn đã quá quen thuộc.
Trần Hồng Hạnh (sinh viên năm cuối trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Từ lần đầu tiên thấy món bánh ngải được rao bán trên mạng, tôi đã bị thu hút vì màu xanh lạ mắt của bánh”. Sau khi mua về, nếm thử và thấy hợp khẩu vị, Hạnh đã đặt mỗi lần dăm ba hộp (mỗi hộp khoảng 10 cái bánh), cứ mỗi sáng cho vào lò vi sóng quay lại trong vài phút. Cô chia sẻ bánh ngải ăn ngon nhất, khi vỏ bánh còn âm ấm, cắn một miếng lớp đường trong nhân hơi chảy ra, hòa với mùi vừng rang bùi béo, như vậy là hoàn hảo.
|
Lá ngải là thành phần không thể thiếu khi làm bánh
|
Món bánh ngải được mọi người từ khắp các vùng miền yêu thích, cũng tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người ở các vùng cao. Như hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, có gần 50 hộ tại các thôn: Khòn Khuyên, Khòn Phổ, Co Măn… thường xuyên làm bánh ngải để bán. Trung bình mỗi hộ làm và bán khoảng 200 đến 300 chiếc/ngày; vào dịp lễ, tết, mỗi hộ làm và bán ra thị trường từ 1.000 đến 2.000 chiếc/ngày. Trừ đi một số chi phí về nhân công, nguyên liệu, vận chuyển,… mỗi hộ thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Ở các điểm du lịch ở vùng như Lạng Sơn, bánh ngải thường được bán tại các chợ, các địa điểm thu hút khách với mức giá từ 10 – 20 nghìn đồng/chục bánh.
Tuy nhiên, không chỉ việc mua, bán bánh ngải phát triển trong những năm gần đây. Mà có nhiều người vì yêu thích món bánh này, nên đã dày công “nghiên cứu” cách làm bánh để có thể tự chế biến cho gia đình mình. Chị Trần Thị Hường (sinh sống tại Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Món bánh ngải nhìn tưởng chừng đơn giản, nhưng công phu, phức tạp hơn rất nhiều”.
Đầu tiên, là công đoạn chọn lá ngải cứu, phải lựa những lá non, tươi. Bản chất lá ngải cứu là một thảo dược với nhiều công dụng tốt, tuy nhiên, lại có vị đắng nhẹ. Vì vậy, người làm bánh ngải thường chọn những lá non, để hạn chế vị đắng. Đặc biệt, lá ngải cứu non cũng tạo màu xanh đẹp hơn so với những lá già.
Bánh ngải là một món ăn kén gạo, không phải bất kỳ loại gạo nào cũng làm được bánh. Muốn bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương và không được lẫn gạo tẻ. Đường để chấm bánh cũng phải là đường phên có màu vàng, ngọt và không có sạn. Chị Hường chia sẻ: “Tôi thường mua sẵn bột nếp, chứ không đủ sức khỏe, thời gian để giã gạo làm bánh”. Đối với người Tày, công đoạn giã gạo nếp sao cho thật mịn là khó nhất, thậm chí phải nhờ đến sức khỏe của những người đàn ông. Tuy nhiên, về miền xuôi, nhiều người sử dụng bột nếp, để đỡ tốn thời gian hơn.
Nhiều người ở Hà Nội đã từng thử làm bánh ngải cho biết, so với loại bánh họ được thưởng thức khi đến vùng cao mang hương vị thơm bùi của nếp nương, quyện với vị ngọt thanh của đường phèn, vừng rang. Bánh tự làm sẽ không thể bằng được, nhưng khi tự làm, họ có thể gia giảm độ ngọt, hoặc mời bạn bè, họ hàng bất cứ khi nào, chứ không lệ thuộc vào người bán bánh.
Từ một món bánh truyền thống của dân tộc Tày, Nùng vào mỗi dịp Tết thanh minh, nay đã trở thành món ăn làm “say lòng” không biết bao người Hà Nội. Điều đó cho thấy ẩm thực Việt Nam vô cùng đa dạng, phong phú, rất mực tinh tế và gắn với đặc trưng riêng, sử dụng sản vật địa phương có của từng vùng miền luôn hấp dẫn du khách.