Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có đồng bào, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên người Chăm theo đạo Bàlamôn sinh sống, làm việc và học tập tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào đón Tết Katê 2024 trong không khí đoàn viên, vui tươi, an toàn và tiết kiệm. Đồng thời, các địa phương động viên bà con tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế và tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận” – một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, tổ chức thành công lễ hội Katê tại Tháp Pô Sah Inư, kết hợp công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023) đối với Linga vàng phát hiện tại Tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, Tuy Phong).
|
Lễ hội được diễn ra với những nghi thức truyền thống. |
Ban Dân tộc tỉnh phối hợp tham mưu Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh để tổ chức thăm và chúc Tết Katê đến các UBND các xã, Ban Điều hành thôn, các đền, tháp, cũng như các vị chức sắc, người có uy tín và đối tượng chính sách trong cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp để đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các huyện, thị xã và thành phố trong dịp Tết Katê. Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan thuộc UBND tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động thăm hỏi và hỗ trợ thiết thực cho đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn trong dịp Tết Katê 2024.
Thời gian nghỉ Tết Katê 2024 cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên Chăm Bàlamôn trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 2/10 đến hết ngày 4/10/2024.
|
Lễ hội còn quảng bá văn hóa qua những điệu múa uyển chuyển, mềm mại duyên dáng của những thiếu nữ Chăm xinh đẹp. |
Katê là lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Vào lễ hội Katê, không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà người Chăm đang sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè, người thân.
Lễ hội được diễn ra với những nghi thức truyền thống như: Lễ rước y trang của nữ thần Pô Sah Inư lên tháp, lễ mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga-Yoni,… Lễ hội còn quảng bá văn hóa qua những điệu múa uyển chuyển, mềm mại duyên dáng của những thiếu nữ Chăm xinh đẹp. Và tổ chức nhiều hoạt động trò chơi truyền thống mang đậm nét đặc trưng, văn hóa của người Chăm.
Lễ hội Katé là một nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm ở Bình Thuận. Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là dịp để quảng bá văn hóa Chăm đến với du khách trong và ngoài nước./.