Lễ cúng trăng - nét đẹp tín ngưỡng độc đáo của người Khmer

Thứ tư, 21/08/2024 21:33
(ĐCSVN) - Lễ cúng trăng mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, thể hiện khát vọng và tình cảm của con người đối với con người và con người đối với thiên nhiên.

Theo quan niệm của người Khmer, cúng Trăng là để tạ ơn thần Mặt trăng trong năm đã bảo vệ, đem lại mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu cho mọi nhà, mong giúp nông dân trúng mùa năm tới. Sau lời khấn vái tạ ơn và đọc kinh cầu phúc là nghi thức đút cốm dẹp.

Mâm lễ dâng cúng khá đơn giản, chủ yếu là sản vật gần gũi, trồng hoặc hái được trong vườn nhà. 

Lễ cúng Trăng là một trong những lễ hội truyền thống mang nét đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ. Do lễ cúng trăng có hoạt động đút cốm dẹp - tiếng Khmer gọi là Oóc Om Bóc, nên lễ cúng Trăng còn gọi Lễ Oóc Om Bóc.

Lễ cúng Trăng có nguồn gốc dân gian lâu đời của người Khmer. Lễ hội diễn ra hàng năm vào ngày rằm tháng 10 âm lịch. Đây là ngày cuối một chu kỳ của mặt trăng xoay quanh Trái Đất và cũng là thời điểm hết thời vụ của năm.

Theo quan niệm của người Khmer, cúng Trăng là để tạ ơn thần Mặt trăng trong năm đã bảo vệ mùa màng, đem lại mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu cho mọi nhà, và đồng thời giúp nông dân trúng mùa trong năm tới.

Ngoài cốm dẹp là thức cúng bắt buộc còn có trái dừa tươi, chuối, khoai lang, cam, bưởi, bánh kẹo... Chuẩn bị xong mọi người trải chiếu ngồi chắp tay quay mặt về phía mặt trăng để chờ làm lễ.

Lễ cúng trăng còn có ý nghĩa tâm linh được thể hiện qua các vật cúng và vật trang trí như: Hai cây trụ làm cổng ngay bàn cúng tượng trưng cho “Vành đai vũ trụ”, chiếc bàn tượng trưng cho “Trái đất”, 2 cây mía tượng trưng cho “sự sinh sôi, nảy nở”, 12 lá trầu được treo hai bên cổng tượng trưng cho “12 tháng trong năm và 12 con giáp”… và một số bánh kẹo, khoai củ, cốm dẹp để cúng dâng, tưởng nhớ đến công ơn Thần Mặt Trăng vốn được người Khmer coi là thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi, giúp cho con người làm ăn phát đạt trong năm mới.

Cúng trăng có thể được tổ chức tại chùa, tại nhà hoặc một nơi có thể nhìn thấy mặt trăng. 

Khi trăng lên đỉnh đầu, bà con cử một người lớn tuổi, đức độ, có uy tín đại diện ra cúng tạ mặt trăng. Người cúng thắp nhang, rót trà và khấn nguyện.

Nội dung cúng là cảm ơn thần mặt trăng trong năm qua đã làm cho thời tiết thuận lợi, nhà nhà được ấm no, và cầu mong sang năm mới, thần tiếp tục phù hộ cho phum, sóc, xóm làng được no ấm, yên vui.

Trong buổi lễ, trụ trì vẩy những giọt nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát lên phật tử mong đem lại những phước lành. Sau lời khấn vái tạ ơn và đọc kinh cầu phúc là nghi thức đút cốm dẹp. Dưới ánh trăng, trụ trì chùa tận tay đút từng miếng cốm vào miệng của trẻ nhỏ kèm theo những câu hỏi về ước mong, hoài bảo và cuộc sống tương lai.

Khi kết thúc nghi lễ đút cốm, mâm cúng được dọn xuống để mọi người cùng thưởng thức các vật lễ đã cúng và xem trình ca, múa truyền thống và hòa mình vào những điệu nhảy truyền thống cho đến khuya.

Tổ chức Lễ cúng trăng hằng năm không chỉ là việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer, mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, trở thành một điểm nhấn về những sắc màu văn hóa du lịch của tỉnh Sóc Trăng, để thu hút du khách đến với Sóc Trăng ngày một nhiều hơn. Đồng thời, tôn vinh giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer và nhằm nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các DTTS của tỉnh.

Tại buổi lễ, sau lời khấn tạ ơn và đọc kinh cầu phúc là nghi thức đút cốm dẹp. Dưới ánh trăng, đại diện các vị cao niên là Người có uy tín trong đồng bào Khmer tận tay đút từng miếng cốm dẹp cho trẻ nhỏ, thanh thiếu niên… kèm theo những câu hỏi về ước mong, hoài bão trong cuộc sống.

Kết thúc nghi lễ đút cốm dẹp, mọi người cùng thưởng thức các vật lễ đã cúng và xem các nghệ nhân Khmer tái hiện hoạt động làm cốm dẹp của đồng bào Khmer./.

 

Khánh Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực