Lễ hội Chá Mùn của người Thái ở Thanh Hóa là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ ba, 27/08/2024 11:58
(ĐCSVN) - Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng lễ hội Chá Mùn của người Thái xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa vừa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình lễ hội truyền thống.

Lễ hội Chá Mùn là một nét đẹp sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng và tiêu biểu của cộng đồng dân tộc người Thái ở xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.

Theo truyền thống, cứ vào tháng 9 tháng 10 hàng năm, Lễ hội Chá Mùn được đồng bào dân tộc Thái ở Mường Lúm, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh tổ chức. Đây là dịp để đồng bào Thái gắn tình đoàn kết trong cộng đồng thôn bản và gìn giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc bao đời nay.

Vào tháng 9 tháng 10 hàng năm, Lễ hội Chá Mùn được đồng bào dân tộc Thái ở Mường Lúm, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh tổ chức. 

Lễ hội Chá Mùn gồm nghi lễ mời Pó Then và linh hồn các thầy mo Mùn quá cố, gọi vía người bệnh về tham dự, đón người cai quản địa phương, khách tham dự. Bên cạnh đó là các hoạt động tổ chức các trò chơi, trò diễn. Cuối cùng là tiễn Pó Then, các linh hồn mo Mùn trở về Mường trời, chia tay và hẹn gặp nhau vào mùa lễ hội sau.

Xưa kia ở bản làng Mường Lúm đất đai cằn cổi, hạn hán kéo dài, người dân đói khổ, vất vả, ma quỷ quấy phá, thường xuyên bị dịch bệnh, ốm đau triền miên, không có thuốc để chữa bệnh. Để cứu giúp dân làng, đồng bào dân tộc Thái đã cử người lên Mường Trời cầu cứu Pó Then.

Lời kêu cứu của người Mường Lúm đã làm Pó Then động lòng thương xót và ra lệnh mở cổng trời cho quân lính, thần y xuống trần gian diệt trừ tà ma, chữa bệnh cứu giúp dân làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, khoai sắn đầy sân, bản làng yên ấm.

Đây là dịp để đồng bào Thái gắn tình đoàn kết trong cộng đồng thôn bản và gìn giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. 

Lễ hội Chá Mùn là một trong những lễ hội dân gian, văn hóa tín ngưỡng của người Thái đen. Lễ hội là nơi mọi người trong bản, trong mường đoàn kết, vui tươi, phấn khởi với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chiêm ngưỡng cây bông, chuẩn bị cho tinh thần để đón chào một mùa xuân mới. Đối với các mo Mùn, lễ hội là dịp để tổng kết quá trình hành nghề 3 năm hái thuốc và chữa trị bệnh.

Trong Chá Mùn chứa đựng cả văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể. Văn hóa phi vật thể toát lên từ các câu từ, âm nhạc, điệu múa, phản ánh sự tương tác giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Giá trị văn hóa vật thể trong Chá Mùn, làm người xem khâm phục sự khéo tay của các nghệ nhân người Thái đã đan kết nên hình các loại vật, gọt tạo các loài hoa trang trí trên cây bông của lễ hội.

Thông qua Lễ hội Chá Mùn người dân sẽ gửi gắm những ước vọng lớn lao về cuộc sống bình yên, no ấm, đồng thời là dịp để mọi người giao lưu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vun đắp nên những nét đẹp trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, cũng như lối ứng xử thân thiện, mến khách, tạo nên một sắc thái văn hóa đặc sắc.

Việc Lễ hội Chá Mùn của người Thái ở xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự tự hào của không chỉ với người Thái, mà còn là của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Thanh Hóa.

Đây là cơ hội để cộng đồng người người Thái ở Thanh Hóa tích cực gìn giữ, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương gắn với phát triển du lịch.

H.L

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực