Nét đẹp trang phục dân tộc Thái ở Quan Sơn

Thứ tư, 12/06/2024 16:10
(ĐCSVN) - Chiếm trên 80% dân số huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), đồng bào dân tộc Thái nơi đây có nhiều nét văn hóa độc đáo. Ngoài tiếng nói, chữ viết đặc trưng thì trang phục truyền thống của đồng bào cũng có những nét tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Phụ nữ dân tộc Thái ở huyện Quan Sơn thường mặc áo cóm chui đầu, thân ngắn ngang lưng, xẻ hai bên vai, chỉ có một khuy hoặc buộc dây vải, nền vải có thể màu đen, xanh chàm hoặc nâu nhạt... Để làm được bộ trang phục truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn, như: Trồng bông, dệt vải, cắt may... Trang phục truyền thống có vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của đồng bào, từ lao động hằng ngày đến các dịp Tết, lễ hội của cộng đồng.

Từ xa xưa, người Thái ở Quan Sơn đã biết trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải để may trang phục. Với sự cần cù và trí tưởng tượng phong phú, phụ nữ Thái ở đây đã tự tạo nên những bộ trang phục giàu tính nghệ thuật, thể hiện qua những nét hoa văn mang tín ngưỡng văn hóa độc đáo.

Dệt vải là một trong những khâu quan trọng của quá trình sản xuất trang phục.  

Bộ trang phục của phụ nữ Thái huyện Quan Sơn bao gồm: áo, váy, thắt lưng, khăn xéo và các loại trang sức kèm theo như hoa tai, vòng cổ, vòng tay bằng bạc... Áo cóm là một loại áo xẻ vai chui đầu, thân áo ngắn ngang lưng, chỉ có một khuy hoặc buộc dây vải, tay áo dài đến cổ tay. Áo cóm có nhiều màu đen, xanh, trắng, hồng... bó sát lấy thân hình, làm nổi bật lên nét đẹp về hình thể, sự mềm mại, duyên dáng của người phụ nữ. Dải thắt khăn xanh (có gài vài sợi dây bạc) quấn chặt cạp trên nhưng thả lỏng cạp váy dưới. Váy được chia làm 3 phần, gồm: cạp váy, thân váy, chân váy. Riêng chân váy có màu chàm đen, thêu hoa văn cầu kỳ ở phần dưới - đây là sự khác biệt rõ nét nhất giữa trang phục của phụ nữ Thái huyện Quan Sơn với các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Mường Lát, Thường Xuân, Như Xuân. Cạp váy được dệt bằng vải bông, dệt hình con rồng (hua hung), màu sắc chủ yếu là màu đen, vàng, hồng. Mỗi khi các cô gái nhẹ nhàng bước đi, cạp váy uyển chuyển như sóng lúa trên nương rẫy.

Nói về bộ trang phục nữ Thái ở Quan Sơn không thể thiếu chiếc khăn piêu. Chiếc khăn piêu thường được các cô gái Thái thêu đơn giản với hoa văn ở hai đầu khăn, được đội theo cách quàng qua trước trán rồi vắt chéo hai đầu khăn ra phía sau, thắt lại gọn gàng, chắc chắn. Ngoài ra, phụ nữ Thái rất thích đeo các đồ trang sức, như: Vòng cổ, vòng tay, hoa tai, trâm cài tóc trên đầu, xà tích và cả cúc bạc... đã góp phần tạo nên sắc thái riêng trong trang phục truyền thống của người phụ nữ Thái ở Quan Sơn.

 Áo cóm là trang phục đặc trưng của phụ nữ dân tộc Thái ở Quan Sơn. 

Trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không thể không giữ gìn trang phục. Trang phục có từ lâu đời và gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người tạo nên những nét rất riêng, rất độc đáo. Có thể nói, việc làm ra những bộ trang phục không chỉ đáp ứng nhu cầu mặc của các thành viên trong gia đình mà rộng hơn còn góp phần phát triển kinh tế hộ. Hơn thế nữa, những bộ trang phục Thái ngày nay còn góp phần quảng bá văn hóa của dân tộc tới du khách và bạn bè trên thế giới.

Trang phục là một nét bản sắc văn hóa tộc người cần phải giữ gìn và phát huy giá trị của nó trong bối cảnh hiện nay. Trong quan niệm chung của người Thái, vải vóc bao hàm nhiều ý nghĩa: tượng trưng cho phái nữ, cho cái đẹp; vật dụng dùng suốt cả đời người; tượng trưng cho sự giàu sang trong xã hội truyền thống; phản ánh trình độ kỹ thuật của nghề thủ công./.

NK

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực