Xã Nậm Sài vùng đất cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 40km về phía Nam, đường đi đến đây tuy chưa được thuận lợi, nhưng nhiều du khách biết đến nơi này bởi nền văn hóa đậm nét của đồng bào Tày, Dao, Xá Phó. Ở đây đồng bào cùng chung sống đoàn kết với nhau, cùng nhau gìn giữ văn hóa dân tộc, bởi vậy phong tục, tập quán hầu như còn vẹn nguyên những “nét xưa”. Đặc biệt là các dân tộc thiểu số nơi đây đang phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống đó, để phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo ở địa phương.
Đến Nậm Sài dịp nông nhàn, du khách sẽ bất ngờ bởi những nét độc đáo trong văn hóa của người Xá Phó. Thôn Nậm Sang nằm ngang sườn núi, yên ả và thanh bình. Bên những nếp nhà truyền thống còn nguyên sơ, khói chiều lan tỏa, chị em người Xá Phó say mê với những sản phẩm thêu thùa. Tài năng thêu thùa của phụ nữ Xá Phó khéo léo không kém phụ nữ người Hmông hay người Dao.
Bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, phụ nữ Xá Phó đã dệt nên những bộ trang phục tinh tế, cầu kỳ, mang bản sắc riêng, làm phong phú đời sống tinh thần của mình. Các hạt cườm được phụ nữ Xá Phó trang trí khắp bộ trang phục với nhiều chi tiết lạ mắt. Những hạt cườm trắng, thuôn dài, mầu sắc tương phản, nổi bật trên nền vải sẫm màu. Các hoa văn được đặt đối xứng chạy dài xuống thân áo, mảng dưới thêu những chi tiết có hình cánh bướm, hình mái che và dích dắc.
Chân váy được trang trí hình cây thông, ngọn núi, ngôi sao với những gam màu vàng, xanh và đỏ. Chiếc thắt lưng bằng vải trắng thêu viền cả hai mép cuốn quanh cạp váy, tạo nên điểm nhấn cho bộ trang phục. Cả áo và váy của người Xá Phó được làm bằng vải bông, ghép ngang từng phần. Mỗi phần là một kiểu họa tiết với cách pha màu tỉ mỉ, giàu tính thẩm mỹ. Nhờ đó, trang phục của người Xá Phó không chỉ có độ bền cao, mà còn mang nhiều giá trị về nghệ thuật trang trí, bố cục và tạo hình.
|
Đan lát, thêu dệt thủ công là thước đo đánh giá tài năng, sự khéo léo của người phụ nữ dân tộc Xá Phó. |
Cùng trang phục truyền thống, những điệu múa truyền lại từ đời này sang đời khác của người Xá Phó đến nay vẫn giữ được nguyên bản, dù họ biểu diễn trong hoàn cảnh nào, dịp lễ tết hay những ngày vui nơi rẻo cao. Điều đó làm nhiều du khách thích thú khi thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân gian còn vẹn nguyên bản sắc dân tộc.
Dân ca người Xá Phó phảng phất vẻ trầm lắng, thoạt nghe như những lời độc thoại, tự sự chứ không mang giai điệu trầm bổng và rõ nét. Nhưng nội dung mỗi bài dân ca lại diễn tả tâm trạng của người hát trong những hoàn cảnh cụ thể. Múa kéo sợi, múa gùi, múa đi lấy nước, múa khăn, múa xòe… và các điệu múa khác đều giản dị, gần gũi với cuộc sống thường nhật. Người dân ở các bản làng Xá Phó đều hiểu ý nghĩa của những điệu múa ấy. Trong nỗi nhọc nhằn khó khăn của cuộc sống, những sắc mầu văn hóa của người Xá Phó luôn thấm đẫm và lấp lánh vẻ đẹp của lao động sản xuất. Cuộc sống lao động đã được nghệ thuật hóa, dân gian hóa thành vẻ đẹp trường tồn với thời gian.
Các bé gái người Xá Phó khi đến tuổi biết hát, múa, đều được làm quen với những giai điệu thân quen, đậm bản sắc của dân tộc mình. Không chỉ được dạy để biết hát, múa, các em còn được dậy phải chăm chỉ, cần mẫn, yêu lao động để xây dựng bản làng, cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Bản sắc của người Xá Phó thể hiện đậm nét trên trang phục, hiện hữu trong phong tục tập quán, đặc biệt trong kho tàng văn nghệ dân gian. Những làn điệu dân ca, dân vũ uyển chuyển, nhịp nhàng hình thành từ cuộc sống lao động, sản xuất đã theo đồng bào suốt chiều dài lịch sử dân tộc mình. Trong hành trình đó, nền văn hóa Xá Phó đã góp vào bức tranh văn hóa Sa Pa, một điểm nhấn văn hóa độc đáo. Đồng thời góp vào sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam những sắc mầu văn hóa lung linh, rực rỡ.