Tưng bừng Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn

Thứ năm, 26/09/2024 08:36
(ĐCSVN) - Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một tập tục cổ, có từ xa xưa của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng diễn ra vào ngày 9 tháng 8 âm lịch hàng năm. Năm 2012, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Được mệnh danh là vùng đất huyền thoại, Đồ Sơn mang trong mình vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ của trời mây sóng nước, ghi dấu những truyền thuyết xưa và nay. Vùng đất giàu truyền thống văn hóa với nhiều di tích lịch sử và danh thắng mang đặc trưng của miền biển. Trong đó, nổi bật và đặc sắc nhất là Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Trong văn hóa cộng đồng người dân tỉnh Hải Phòng, còn lưu truyền câu ca cổ: "Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mùng chín tháng tám chọi Trâu thì về".

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, còn gọi là đấu ngưu, là một tập tục cổ, có từ xa xưa, là lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Diễn ra vào ngày 9 tháng 8 âm lịch hàng năm, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được xem là một trong những lễ hội độc đáo nhất của cư dân đồng bằng Bắc Bộ.

Màn đọ tài giữa các "ông" trâu.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hoá nông nghiệp đồng bằng với văn hoá cư dân ven biển; mang sắc thái riêng, gắn liền việc thờ cúng thủy thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu; thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển hàng ngày đối diện với biển khơi và bão tố để mưu sinh.

Nếu như, cộng đồng địa phương các nơi khác lưu truyền về lễ hội của mình với câu "Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ", thì Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn gắn với truyền thống "trống mọi làng cùng đánh, thánh mọi làng cùng thờ" để tưởng nhớ công ơn của các vị thần, duy trì kỷ cương làng xã, để cầu nguyện cho "nhân khang, vật thịnh", để tinh thần đoàn kết, ý thực cộng đồng được duy trì, khẳng định.

Cũng theo quan niệm của người dân vùng biển, nhất là đối với ngư dân đi biển ở vùng ven biển Đồ Sơn, hình ảnh của trăng có liên hệ mật thiết với thủy triều. Hình ảnh đôi trâu chọi nhau dưới ánh trăng bạc trong truyền thuyết về hội chọi trâu ở Đồ Sơn đã phản ánh mối liên hệ nào đó giữa mặt trăng với biển cả. Đôi sừng trâu cũng chính là hình tượng của mặt trăng khuyết, gắn với thần Độc Cước mà dân miền biển vẫn tôn thờ.

Vì lẽ đó, trước đây, những trâu chiến thắng trong hội được đưa lên thuyền, mang ra khơi xa rồi hắt xuống để tế thần. Về sau này, những trâu giải nhất hàng tổng được rước bát hương đền Nghè và rước cờ đại "Thượng đẳng thần" về làng, sau đó được dân làng làm lễ hiến sinh tế lễ dâng thành hoàng, xin thành hoàng cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, cho mùa đánh cá sau được may mắn, thuận lợi.

Các chủ trâu đã tích cực tập luyện để trâu sẵn sàng xung trận tại vòng chung kết lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. 

Như nhiều lễ hội khác, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng có hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm những nghi thức truyền thống, trang trọng, mở đầu là lễ tế thần Điểm Tước ở đình Tổng, được thực hiện từ ngày 1/8 âm lịch, do các vị cao niên trong làng đảm nhiệm. Lúc này, các làng có trâu chọi đều phải ra làm lễ. Tiếp theo là lễ rước nước, có gắn với tục tế Thuỷ Thần. Lọ nước thần mỗi năm thay một lần được từng làng (phường) mang về đình riêng. Tại đình làng, các chủ trâu được cho trâu ra làm lễ Thành Hoàng. Sau khi làm lễ,  trâu chọi sẽ chính thức được gọi là "ông trâu", là biểu tượng tâm linh, đại diện cho niềm tin và ước vọng của người dân nơi đây.

Sáng ngày chính hội, 9/8 âm lịch, khoảng 1 giờ sáng, chủ tế các làng làm lễ xin phép Thành Hoàng đưa trâu đi thi đấu. Khoảng 6 – 7 giờ sáng, tổ chức lễ rước "ông trâu" ra đấu trường. Dẫn đầu đám rước là cơ ngũ phương, trống, chiêng, long đình, long kiệu, bát bửu. Người khiêng long đình, long kiệu, trống, chiêng… chít khăn đỏ, mặc áo đỏ viền vàng, thắt lưng và quấn cạp đỏ. Người gọi loa, hay dịch lao đội khăn xếp, mặc áo lương đen, thắt lưng bố hậu đỏ, quần trắng. Theo sau là các bô lão, chức sắc và thứ tự các ông trâu (theo kết quả xếp hạng đấu loại), trên lưng được chùm một tấm vải đỏ, sừng quấn một dải lụa điều. Đi bên cạnh mỗi ông trâu có hai chàng trai tay cầm cờ đuôi nheo để múa. Lễ rước các "ông trâu" vào các xào xá rộn rã trong tiếng nhạc bát âm, cờ bay phất phới kèm theo tiếng cổ động của dân cư trong vùng... Khi ông trâu bước vào xào xá, tiếng trống, tiếng loa nổi lên dõng dạc, đổ hồi như tiếng sóng dội vào Hòn Độc, nơi trâu sẽ được hiến tế Thủy Thần.

Tiếp theo là nghi thức múa cờ khai hội được 249 tráng niên của làng chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, màu sắc biến hoá linh hoạt và huyền ảo trong những âm thanh của trống, thanh la; tái hiện lại lễ ra quân của Quận He Nguyễn Hữu Cầu trước giờ xuất trận; thể hiện ước nguyện cầu mong Thần Gió phù hộ cho thuyền bè cưỡi sóng vượt ra ngoài biển khơi.

Múa cờ vừa dứt, từ hai phía hai "ông trâu" được dẫn vào xới, có người che lọng và múa cờ hai bên. Khi hai "ông trâu" cách nhau 20 m, người dắt nhanh chóng rút "sẹo" cho trâu rồi khẩn trương thoát ra ngoài sới chọi. Hai ông trâu hoàn toàn tự do lao vào chọi nhanh giành thắng bại.

Kết thúc lễ hội, ông trâu thắng cuộc được làm lễ rước trở về. Sáng ngày 10 tháng 8, toàn bộ ông trâu tham gia lễ hội được đem giết thịt làm lễ vật tế thần ở đình, có kèm theo một đĩa đựng tiết và lông trâu (mao huyết). Khoảng 12 giờ trưa lễ tế bắt đầu. Sau đó, đĩa mao huyết được đổ xuống biển, phần còn lại được chia lộc thần cho dân với niềm tin một vụ khai thái mới bình an, nhiều tôm cá.

Nét độc đáo của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được thể hiện ở chỗ, dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, các trâu đều được mổ thịt để tế thánh thần, trời đất. Người ta tin rằng, nếu trâu làng nào thắng trận trong lễ hội, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn và người nào được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, cũng sẽ gặp được nhiều điều may mắn. Lễ hội lưu giữ những nét sinh hoạt văn hoá tâm linh, bản sắc văn hóa mang tính cộng đồng, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân Đồ Sơn với khát vọng chinh phục thiên nhiên, làm chủ biển cả, cầu mong phong điều vũ thuận, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc…

Ngày nay, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được nhân dân cả nước và du khách bốn phương biết tới như là một lễ hội lớn, gắn liền với tên tuổi của vùng đất Đồ Sơn nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung. Lễ hội được tổ chức mang lại nhiều ý nghĩa về giá trị văn hóa, lịch sử. Ngoài ra lễ hội còn là một hoạt động quảng bá cho du lịch của thành phố. Sự phục hồi lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một việc làm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Chấn hưng lễ hội này với những đặc điểm vốn có của nó sẽ góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước cứ đến hội lại nô nức đổ về, tạo nên một sản phẩm du lịch văn hoá độc đáo có một không hai trên cả nước./.

NK

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực