Huyện Con Cuông là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, và văn hóa, gồm nhiều dân tộc anh em sinh sống như: dân tộc Kinh, dân tộc Thái…tạo lên những giá trị văn hóa cộng đồng đa dạng và lưu giữ nhiều làn điệu dân ca đặc sắc Thái như điệu hát lăm, nhuôn, xuối, hát ru…trong đó các bài hát đồng dao về tuổi thơ của người Thái là một phần văn hóa của miền quê xứ Nghệ.
Hát đồng dao loại hình âm nhạc dân gian của người Thái, được sáng tạo trong quá trình vui chơi của tuổi thơ. Đồng dao có vần, có nhịp điệu đơn giản,. Nội dung thường minh họa các truyện cổ tích, sự tích các loài vật, mượn các con vật trong thiên nhiên để tái hiện cuộc sống ở bản mường. Những bài đồng dao Thái đi vào cuộc sống một cách hồn nhiên, mộc mạc, lưu giữ những giá trị nhân văn. Người ta còn thấy đồng giao trong lễ hội hay trong tiếng mẹ ru êm đềm, được lưu truyền qua những thế hệ người Thái.
Hát đồng dao của các em thiếu nhi dân tộc Thái thường gắn với những trò chơi dân gian của các em thiếu nhi dân tộc Thái. Những bài đồng dao của trẻ em người Thái rất phong phú, hát đồng giao có các điệu Thả bươn, Đố Trăng thì, Ông trăng ơi trăng vàng, Hai cô nàng giã gạo, Hai già cho lợn ăn, Hai con rắn bện, Hai con Rồng cổ vằn, Châu chấu biết bừa ruộng, Gà con biết ru con ngủ ngày, Sâu đóm bò trên cầu vẽ bản. Hay những điệu đồng dao vui tươi, dí dỏm khác như: Mời đánh trống, Mời thông gia uống rượu, Đánh sắt đánh đồng, Dắt trâu lên bản thượng, Rước đưa dâu rộn ràng, Chồn bay đậu cầu thanh, Ông vò vè đậu nóc nhà... nội dung mỗi bài đồng dao liên quan đến cuộc sống thường ngày, được thể hiện trong những hoàn cảnh khác nhau.
|
Các em thiếu nhi Trường Dân tộc nội trú THCS Con Cuông, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An biểu diễn hát đồng dao dân tộc Thái. Ảnh: T Bình. |
Những bài hát đồng dao trẻ em Thái được các em biểu diễn rất vui tươi, sôi động qua những giọng hát trong trẻo, hồn nhiên của các em, thu hút du khách dừng chân hòa mình vào những bài hát, hay thích thú tham gia các trò chơi dân gian hay điệu múa sạp.
Môi trường diễn xướng của đồng dao Thái là sinh hoạt tập thể, đông người, từ đó, đã tạo ra môi trường thuận lợi để trẻ em xích lại gần nhau hơn, thiết lập và củng cố tình bạn bè, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau cùng vui chơi, học tập.
Đồng dao của dân tộc Thái giúp các em nhỏ được vui chơi giải trí, tăng cường khả năng nhận thức, phát triển tư duy ngôn ngữ. Những lời hát đồng dao góp phần giáo dục cảm xúc cho các em trong quan hệ với thiên nhiên, xã hội và sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, các em còn được giáo dục về lòng kiên trì, tính trung thực và lòng dũng cảm.
Ngày nay, cùng với các trò chơi dân gian, hát đồng dao không còn phổ biến như xưa, vì vậy việc tổ chức hát đồng dao càng thêm ý nghĩa, giúp các em thiếu nhi hiểu và thêm yêu văn hoá truyền thống dân tộc Thái. Để lưu giữ và lan toả những bài đồng dao, trò chơi dân gian của các em thiếu nhi dân tộc Thái phải kể đến công sức, lòng nhiệt huyết rất lớn của các nghệ nhân dân tộc Thái và các thầy cô giáo Trường Dân tộc nội trú THCS Con Cuông, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã và đang truyền dạy giúp thế hệ trẻ hôm nay biết đến, trân trọng và phát huy nét văn hóa này trong cuộc sống hôm nay.