Về thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Thứ tư, 24/12/2014 10:38

(ĐCSVN) - Cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một trong những trang hào hùng trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Là sản phẩm tinh thần của thời đại anh hùng và đầy đau thương, hy sinh ấy, thơ cũng như cả nền văn học đã làm trọn sứ mệnh lịch sử đối với dân tộc và thời đại.

Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Thơ kháng chiến chống Mỹ thực sự là vũ khí tinh thần có sức mạnh to lớn trong việc khơi dậy lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng, ý chí chiến đấu, niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của mỗi người, cũng như toàn dân tộc Việt Nam.

Thơ kháng chiến chống Mỹ không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, mà còn là một hiện tượng nghệ thuật lớn, đặc sắc, là một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, có nhiều thành tựu xuất sắc trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam. Những giá trị tư tưởng và nghệ thuật của thơ kháng chiến chống Mỹ đã được khẳng định trong thực tiễn, từ đông đảo công chúng văn học đương thời cũng như trong nhiều công trình phê bình, nghiên cứu cả trước và sau năm 1975.

 

 Các đại biểu tham dự hội thảo “Thế hệ nhà văn trưởng thành
trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.


Từ thời kỳ đổi mới, nhu cầu nhận thức lại để đánh giá khách quan, toàn diện về văn học thời kỳ chiến tranh là một đòi hỏi tất yếu để đổi mới nền văn học. Trong xu hướng ấy, thơ kháng chiến chống Mỹ đã được tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn, với những cách tiếp cận đa dạng. Nhiều giá trị của giai đoạn thơ này tiếp tục được khẳng định. Tuy nhiên, đã xuất hiện những ý kiến hoài nghi, thậm chí phủ định giá trị của thơ kháng chiến chống Mỹ, cho đó chỉ là thơ ghi chép sự việc, thơ chính trị đơn nghĩa, nặng ngợi ca một chiều, thậm chí là một khúc đứt gãy, một bước lùi trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam.

Vì thế, rất cần có thêm những công trình nghiên cứu đánh giá khách quan, toàn diện về giai đoạn thơ kháng chiến chống Mỹ từ nhiều bình diện và giá trị, đặt trong những điều kiện lịch sử của thời đại ấy, đồng thời xem xét thơ kháng chiến chống Mỹ trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam. Chuyên luận “Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” của tôi là một nỗ lực nhằm đáp ứng một phần nào những đòi hỏi nói trên. Trong khuôn khổ bài viết tham gia Hội thảo “Thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, tôi chỉ xin đề cập tiếng nói phi sử thi bên cạnh tiếng nói sử thi vốn là yếu tố chủ đạo trong nền văn học cách mạng.

Cảm hứng sử thi - yếu tố chủ đạo của nền văn học cách mạng

Sử thi vốn là một khái niệm dùng để chỉ một thể loại hoặc một loại hình nội dung văn học thường xuất hiện trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Thường xây dựng hình tượng ở thang giá trị cao nhất, đẹp nhất, hoàn hảo nhất, nên sự thể hiện cái tôi sử thi luôn ở tâm thế ngưỡng mộ, sùng kính. Lời nói của sử thi là lời của nhân dân, lời của cộng đồng, lời đầu tiên và cũng là lời kết luận cuối cùng…

Sau này, những đặc trưng cơ bản của sử thi dần biến đổi, từ khái niệm sử thi - thể loại văn học, giới nghiên cứu văn học đã đưa ra khái niệm văn học sử thi. Văn học sử thi không thuộc thể loại sử thi, nhưng chứa đựng những đặc điểm cơ bản của sử thi. Nghĩa là cái tôi trữ tình sử thi vừa phải mang đặc tính loại hình (sử thi) vừa phải mang đặc trưng loại thể (trữ tình). Không lặp lại sử thi cổ đại, nhưng nguyên tắc sử thi vẫn được các nhà nghiên cứu vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào phạm trù văn học hiện đại. Sự biến đổi của thể loại sử thi đã được tiểu thuyết hiện đại tiếp nhận để hình thành một thể loại mới: “Tiểu thuyết sử thi”. Văn học sử thi hướng tới cái chung, cái cao cả, sự kiện lịch sử, số phận toàn dân, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nó thường phản ánh những sự kiện có ý nghĩa lịch sử và có tính cách toàn dân. Đồng thời, văn học sử thi cũng hướng đến “đời sống tinh thần của thực thể xã hội với ý nghĩa đối lập với cái chủ quan, cái bên trong, cái thực thể cá nhân”. Vì thế, sử thi không phải là những số phận cá nhân mà là tiếng nói của cộng đồng, của dân tộc trước thử thách quyết liệt. Nhân vật trung tâm không đại diện cho con người cá nhân, mà đại diện cho giai cấp, dân tộc, thời đại với tính cách dường như kết tinh đầy đủ những phẩm chất cao quý của cộng đồng. Con người sống chủ yếu với hiện tại và tương lai.

Văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám là một nền sử thi hiện đại mà đặc điểm nổi trội là “thấm nhuần tính chất sử thi”. Cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã nuôi dưỡng nền văn học sử thi. Bối cảnh lịch sử đó là mảnh đất màu mỡ cho thể tài sử thi anh hùng xuất hiện. Như một lẽ tất yếu, tính chất sử thi xâm nhập và chi phối mạnh mẽ đến mọi loại hình nghệ thuật, tạo nên diện mạo và đặc điểm riêng của văn học nghệ thuật thời kỳ này.

Cái tôi sử thi xuất hiện trong nền văn học sử thi - một nền văn học ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh. Sự phát triển cái tôi sử thi có cơ sở từ chính hiện thực cuộc kháng chiến. Nguồn gốc cái tôi sử thi có từ trong truyền thống văn chương yêu nước chống ngoại xâm, phát triển qua các thời kỳ văn học cách mạng đầu thế kỷ, văn học kháng chiến chống Pháp, được tiếp tục ở mười năm hoà bình và phát huy trong hoàn cảnh mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và cũng chính ở cuộc kháng chiến này, cái tôi sử thi đã trở thành hình tượng chủ đạo. Biểu hiện cái tôi trữ tình sử thi hết sức đa dạng. Nó chính là cái tôi trữ tình công dân phát triển đến đỉnh cao, nhà thơ và nhân dân đã nhập thành một khối thống nhất. Nền tảng tinh thần chung của cái tôi sử thi có thể thấy rõ qua câu thơ có tính chất tuyên ngôn của Xuân Diệu:

Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi
Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu
(Những đêm hành quân)

Cái tôi “bám sát các sự kiện, biến cố lịch sử không thể là một cái tôi nào khác ngoài cái tôi công dân ý thức được mình là một phần của sự vận động lịch sử”[1]. Một mặt, cái tôi sử thi đại diện cho tiếng nói của dân tộc, lương tri của nhân loại, ngợi ca đất nước, biểu dương những con người anh hùng, mặt khác lại vạch mặt, lên án, chất vấn, truy kích, tố cáo kẻ thù. Cái tôi sử thi còn được biểu hiện trong sự tự nhận thức, phát hiện và tự thể hiện của dân tộc và nhân dân qua tiếng nói của người đại diện là nhà thơ. Khi nói về Tổ quốc, dân tộc, nhà thơ thường sử dụng cái tôi sử thi với hai bình diện: Một mặt, đó là sự tự khẳng định, tự biểu hiện của cộng đồng dân tộc, nhân dân; mặt khác, nhà thơ tách mình ra khỏi đối tượng để chiêm ngưỡng, ngợi ca với tất cả lòng thành kính, tự hào.

Cái tôi trữ tình sử thi chiếm một vị trí đáng kể trong cảm hứng và giọng điệu của hầu hết các nhà thơ chống Mỹ: Huy Cận với Sẵn sàng, Lời chào các dân tộc, Chào Vĩnh Linh đất thánh, Ngã ba Đồng Lộc; Xuân Diệu: Đi thăm bãi tha ma tàu bay giặc Mỹ, Tòa án nhân dân thế giới, Sự sống chẳng bao giờ chán nản; Chế Lan Viên với tập thơ Hoa ngày thường, chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973); Hữu Thỉnh với “Đường tới thành phố”; Thanh Thảo “Những người đi tới biển”; Bằng Việt và Lưu Quang Vũ với “Hương cây - Bếp lửa”; Y Phương với chùm thơ đăng tạp chí Văn nghệ quân đội “Bếp nhà trời”, “Dáng một dòng sông”...

Dân tộc ta phải đương đầu với kẻ thù hung ác nhất, hùng mạnh nhất, nham hiểm nhất của thời đại và chính điều đó đã khiến cả dân tộc phải thống nhất muôn người như một:

“Những năm đất nước có chung tâm hồn, có cùng khuôn mặt
Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ như nhau”
(Chế Lan Viên)

Đối tượng để tìm tòi phát hiện của văn học là cái tương đồng, cái “như một”, nghĩa là cái tiêu biểu chung cho cả dân tộc, hơn cái riêng, cái khác biệt. Những chiến công, chiến tích vĩ đại, sự hy sinh thầm lặng vì đất nước của chị Trần Thị Lý được nhìn trong hình ảnh lớn lao, tiêu biểu cho “Người con gái Việt Nam”. Anh chiến sĩ giải phóng quân hy sinh trên đường băng Tân Sơn Nhất tạo “Dáng đứng Việt Nam”. Nhà thơ nhìn Tổ quốc không phải bằng con mắt cá nhân mà bằng con mắt của lịch sử, của dân tộc, của thời đại, con mắt Bạch Đằng, Đống Đa. Vẻ đẹp của Tổ quốc được xây dựng bằng những hình ảnh kỳ vĩ mang tính biểu trưng: “Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng - Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng”, Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc-Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng-Chế Lan Viên); “Ôi sáng xuân nay lưỡi gươm thần sáng quắc-Rạo rực lòng ta trống trận Quang Trung”, “Như khí phách Trần Lê, như oai vũ Quang Trung”, “Mũi Cà Mau nhọn hoắt mũi chông”, “Hãy xem đồng ruộng cũng chỉnh tề thế trận-Lúa đứng thẳng hàng quyết tâm năm tấn (Tố Hữu); “Áo Đam San nhúng xuống hồ, thành áo sắt-Gươm Đam San sắc hơn con mắt” (Người vùng cao-Y Phương)...

Cảm quan sử thi chi phối vào hầu hết hình tượng những con đường, mà nó đang chiếm vị trí chủ đạo trong cảm nhận và miêu tả của các nhà thơ thời chống Mỹ. Đường ra trận nối dài từ Bắc vào Nam, con đường hành quân rộng mở, nô nức, cuốn hút như cuộc diễu hành của dân tộc trên con đường lớn vì lý tưởng độc lập, tự do: “Những buổi vui sao cả nước lên đường-Xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục”, Trên đường ta đi đánh giặc-Ta về Nam hay ta lên Bắc” (Chính Hữu), “Đường ra trận mùa này đẹp lắm...Đông sang Tây không phải đường thực-Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo” (Phạm Tiến Duật), Đêm ấy đêm trăng, chúng tôi hành quân qua phà Long Đại(Vũ Đình Văn), “Lối mòn nhỏ cũng dẫn ra chiến trường” (Thanh Thảo), “Tôi vẫn theo đường rừng mải miết vượt Trường Sơn-Hôm nay trên đường đánh Mỹ” (Hoàng Phủ Ngọc Tường), “Anh bước lên Trường Sơn bát ngát-Gặp lửa rừng-Nhưng câu hát không em” (Lửa rừng-Y Phương)...

Trước kia là thời gian siêu hình, vạn thuở, thiên thu, vạn đại... thì bây giờ là thời gian lịch sử “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận với những mốc son chói lọi Đinh, Lý, Trần, Lê, chiến thắng Mậu Thân, chiến dịch Hồ Chí Minh. Các nhà thơ chống Mỹ đều cảm nhận được “điểm giao thoa” của thời gian:

Chúng ta sống với bốn ngàn năm lịch sử
Biết đời ta không phải của riêng ta
(Tế Hanh)

Những thế hệ hôm nay đánh Mỹ
Tuổi anh hùng đã bốn ngàn năm
(Lê Anh Xuân)


Cái nhìn sử thi là cái nhìn hoành tráng; điểm nhìn sử thi là hiện thực được phóng chiếu trên cái nền rộng lớn của những chiều kích vĩ mô; cảm xúc sử thi là “cảm xúc ở trạng thái đỉnh điểm, cao trào” đồng thời “tư duy sử thi đòi hỏi một tinh thần làm cốt lõi
[2]. Chính với những đặc điểm này, tinh thần yêu nước, hành động anh hùng, phẩm chất ngời sáng thông qua sự thể hiện của cái tôi trữ tình sử thi đã mang tầm vóc khái quát: đó là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chính vì vậy, tình cảm yêu nước luôn được thể hiện trong trạng thái cảm xúc mãnh liệt nhất:

Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ
(Tố Hữu)

Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta như vợ, như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông
(Chế Lan Viên)

Khoảnh khắc ấy hiện về
Mênh mông hồn Tổ quốc
(Dáng một dòng sông-Y Phương)

Tình yêu Tổ quốc gắn liền với ý thức trách nhiệm. Trữ tình - sử thi trở thành phương thức chủ đạo của thơ thời kỳ chống Mỹ. Cái tôi sử thi cũng chiếm một vị trí đáng kể trong cảm hứng và trong giọng điệu của nhiều nhà thơ thời chống Mỹ như những dấu hiệu của phong cách.

Sức mạnh toàn dân tộc được soi chiếu bởi tầm nhìn sử thi. Sự nghiệp anh hùng trong những năm tháng hào hùng thời đánh Mỹ được nhà thơ Chế Lan Viên khái quát, cùng niềm tự hào “Ta đánh giặc suốt ba mươi năm trời chẳng cần có ai thay-Cả dân tộc không một ai làm quân dự bị” (Ngày vĩ đại).

Cái nhìn sử thi với một thế giới bổ đôi rạch ròi khiến các nhà thơ không thừa nhận kẻ thù là người, mà là một loại thú vật phi nhân tính. “Thú vật hoá” kẻ thù được vận dụng như một biện pháp nghệ thuật tiêu biểu. Chúng không có khuôn mặt người, mà mang gương mặt quỷ gớm ghiếc, kinh dị: chúng là thú “Những thằng dạ chó tanh hôi mặt người-Những con thú Mỹ nuôi béo mã” (Tố Hữu), “Còn giặc Mỹ cọp beo(Môlôyclavi), Cái tàu bay Mỹ ác hơn beo” (Y Phương); là thằng điên Bắt cổ thằng điên trong dinh Độc Lập ” (Chế Lan Viên)...

Khí thế hào hùng, hiện thực chiến tranh khốc liệt những năm đánh Mỹ là bối cảnh “kích thích tư duy sử thi”. Do vậy, kể cả những bài thơ giọng điệu trữ tình là cơ bản, thì chất sử thi vẫn có ý nghĩa như một “khí quyển tinh thần[3], một cái nền chủ đạo, hoàng tráng nâng đỡ phía sau:

Những thành phố ta lại kéo còi báo động
Trời khu Tư pháo sáng chúng đốt trên trên sông Ngân
đôi lứa
Trên Ngưu Lang, Chức Nữ chăn trâu cắt cỏ, may dệt
thêu thùa
Đốt trên sao Vịt, sao Thần Nông triệu năm chỉ biết chuyện làm ăn”
(Chế Lan Viên)

Dọn dẹp bếp hót tro, nhặt những chân ghế bàn còn lại
Mẹ nhìn phân biệt bằng yêu thương
Cái chum đang còn đựng được, miếng gương có thể soi gương

(Sự sống chẳng bao giờ chán nản-Xuân Diệu)

Vừa đi vừa hát vui như Tết
Con suối lên dây gẩy bài then
(Bếp nhà trời-Y Phương)

Có thể nói đến hiện tượng thâm nhập, chi phối mạnh mẽ của phương thức sử thi với tư cách một “siêu thể loại” vào thơ trữ tình giai đoạn này xét từ góc độ quan hệ thể loại. Sử thi không phải là thể loại nhưng trong giai đoạn này nó có sự chi phối mạnh mẽ vào mọi loại thể: tự sự, trữ tình, kịch. Nền tảng tinh thần chung của cái tôi sử thi có thể thấy rõ qua câu thơ có tính chất tuyên ngôn của Xuân Diệu:

Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi
Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu

Cái tôi sử thi trong tư thế nhân danh đại diện cái ta cộng đồng, tiếng nói của cái tôi trữ tình có sức âm vang của tiếng nói chung, có sức thuyết phục của chân lý phổ quát. Bài thơ thường có đại từ nhân xưng “ta”: 

Ta lại viết bài thơ trên báng súng
(Hoàng Trung Thông)

Bốn nghìn năm ta lại là ta
Ta sẵn sàng xé trái tim ta
Ta hiểu vì ai ta chiến đấu
Ta hiểu vì ai ta hiến máu
(Tố Hữu) 

Cái tôi sử thi tạo cho nhà thơ tâm thế trữ tình cao rộng với tư cách là người phát ngôn cho cả dân tộc, đất nước, nhân dân. Do vậy, những cái gì thuộc về cá nhân dường như quá “nhỏ bé” thường ít được đề cập trong thơ.

Sự nhạt dần yếu tố sử thi

Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trạng thái sử thi của đời sống tinh thần xã hội vốn gắn với tính chất hào hùng của cuộc kháng chiến như một môi trường dẫn truyền và cộng hưởng cảm xúc cũng lắng dần. Cái tôi sử thi vốn là âm hưởng chủ đạo của thơ chống Mỹ không còn là loại hình thuần nhất và độc tôn sau khi đã hoàn tất sứ mệnh của nó với tư cách là sự thể hiện đến đỉnh cao của tinh thần công dân và tính chiến đấu.

Cảm hứng chủ đạo trong nhiều tập thơ ra đời vào nửa cuối những năm 70 vẫn là cảm hứng sử thi về cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến thắng của dân tộc, nhưng đã có nhiều nét mới từ cảm hứng đến chất liệu và giọng điệu. Có “độ chênh” nhất định giữa cảm hứng ngợi ca và sự khắc nghiệt của hiện thực đời sống sau chiến tranh. Dù thơ và cả nền văn học chống Mỹ không hề xa rời vấn đề đất nước, đời sống xã hội, nhưng quan điểm tiếp cận đã có phần chuyển dịch theo cái nhìn cá nhân. Có thể thấy một sự chuyển dịch thầm lặng, bền bỉ và cả sự “ngập ngừng”, phân hoá trong cái tôi sử thi - vốn là âm hưởng chủ đạo của nền thơ chống Mỹ. Sự nở rộ của hàng loạt trường ca do nhu cầu nội tại của thể loại trong những năm 80 của thập kỷ trước, cùng số tác phẩm viết trong chiến tranh được công khai trước bạn đọc với cái nhìn trầm tĩnh có thể thấy yếu tố phi sử thi “đậm dần trong sự vận động của thơ, trở thành tiếng nói đối thoại với sử thi[4]. Đó chính là dấu hiệu dự báo về sự đổi mới căn bản về cả tư duy và thi pháp thơ, phần nào làm phong phú diện mạo thơ, cái tôi trữ tình nhìn từ số phận con người cá nhân bấy lâu bị “khuất lấp”. Có sự “giao thoa xao xuyến” giữa cái nhìn sử thi với các yếu tố thế sự, giữa giọng điệu cao vút với giọng điệu trầm lắng, giữa lý tưởng với hiện thực, giữa không gian công cộng với không gian đời tư, giữa khúc anh hùng ca và sắc màu bi tráng…

Bản chất của thơ trữ tình là sự ý thức về cái tôi, về giá trị bản thân, về quyền sống, quyền làm người. Khát vọng bức thiết của con người là tự do cá nhân và dân chủ xã hội. Sự thức tỉnh nhu cầu xã hội, nhu cầu của con người luôn là một đòi hỏi bức thiết và chính đáng. Song khi đất nước có giặc ngoại xâm thì lợi ích của dân tộc và nhân dân hòa làm một, sự nghiệp giải phóng dân tộc đồng thời là sự nghiệp giải phóng con người. Như một lẽ tự nhiên, văn học đã ưu tiên cho vấn đề tự do độc lập, vì lợi ích của Tổ quốc, vì nhiều nhiệm vụ khác lớn hơn cho nên, cái tôi cá nhân tạm thời “nén lại”, lặng lẽ lùi lại bình diện sau và vì thế “Cái tinh tế cỏ hoa tạm thời chưa nghĩ đến(Chế Lan Viên).

Có thể thấy những dấu hiệu đổi mới này thể hiện trước hết ở lớp nhà thơ đứng ở mũi nhọn cuộc chiến đấu, đối mặt với gian lao thử thách, trực tiếp xáp mặt với kẻ thù. Bên cạnh cái cao cả, anh hùng, vĩ đại được phóng chiếu hết chiều kích vốn là thế mạnh của sử thi, cái tôi trữ tình tiềm ẩn nhiều trăn trở, dằn vặt của con người trước sự chọn lựa: Sống - chết, được - mất, chiến thắng - hy sinh… Con người được nhìn nhận từ nhiều bình diện, thơ nói nhiều hơn nỗi đau của con người do chiến tranh, buồn vui một đời người trong cuộc sống, những nỗi niềm ẩn chứa bên trong chưa dễ tỏ bày. Thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ tác động mạnh vào cảm xúc nhà thơ. Vì thế, nhiều nhà thơ từng say sưa tiếng hát của dàn đồng ca nhưng trong cảm thức đã bắt đầu hé mở góc nhìn khác khá đa dạng và nhiều chiều về cuộc sống qua các trường ca viết sau chiến tranh. Thu Bồn đóng góp Ba-dan khát (1977), Thanh Thảo cùng Những người đi tới biển (1977), Trần Vũ Mai viết Ở làng Phước Hậu (1978), Hữu Thỉnh sáng tác Đường tới thành phố (1979), Nguyễn Đức Mậu chiêm nghiệm về cống hiến, hy sinh của người lính trong Trường ca sư đoàn (1980), Y Phương lặng lẽ trình làng hai trường ca “Chín tháng” và “Đò trăng” (2010) khi cuộc chiến đã lùi xa gần 40 năm; Nguyễn Anh Nông với trường ca “Trường Sơn”; Nguyễn Hữu Quý với “Vạn lý Trường Sơn”…

Sự “nhạt dần” cái tôi sử thi còn được thể hiện ở số những tác phẩm viết trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước, như Cửa mở của Việt Phương, Viết về số không của Phạm Tiến Duật, đặc biệt các tập thơ của Lưu Quang Vũ (Mây trắng của đời tôi-1989, Bầy ong trong đêm sâu-1993, Thơ tình Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ-1994Lưu Quang Vũ Thơ và Đời -1997) được công khai trước bạn đọc khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lùi xa.

Cái tôi cá nhân và những trăn trở về số phận con người

Cái tôi phi sử thi trăn trở về số phận con người và nỗi đau chiến tranh. Vì thế, chưa chờ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, chưa bước ra khỏi vầng hào quang của cái tôi sử thi, tiếng nói tự ý thức về mình với khát vọng chân thực đã xuất hiện trong thơ, tiềm ẩn như mạch ngầm.

Thơ kháng chiến chống Mỹ đã đề cập đến số phận con người theo cách thể hiện riêng. Nó không trực diện phân tích, mổ xẻ mọi khía cạnh tâm lý con người như văn xuôi. Nhưng thơ có thế mạnh của riêng nó để nói đến tận cùng những “trăn trở”, “dằn vặt”, “xót đau”. Hiện thực chiến tranh với đầy đủ sự khốc liệt thể hiện qua số phận cá nhân và thế giới nội tâm phức tạp. Dấu ấn chiến tranh, ở môi trường tiền tuyến hay hậu phương cũng đều chạm khắc lên số phận con người. Tư duy thơ chống Mỹ vốn quen nói về con người đại diện cho phẩm chất, trí tuệ cộng đồng với lòng dũng cảm, xả thân vì sự nghiệp hơn là những “con người bé bỏng”; mặt trái, thương đau ít hơn ngợi ca, cổ vũ. Vượt khỏi khuynh hướng chung của cả nền thơ, một số nhà thơ có cái nhìn khác, chất thơ khác so với các nhà thơ cùng thời trong sự tuyệt đối hoá cái đẹp, cái cao cả thuộc về người anh hùng. Tuy không phải dòng chính, thơ đã tuôn những mạch ngầm từ các phụ lưu, chi lưu.

Sự nhạt dần yếu tố sử thi cũng được tiềm ẩn trong chiều sâu khôn cùng của con người. Bên cạnh con người mang phẩm chất anh hùng, xả thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc - vốn là thế mạnh trong cảm hứng sử thi, thì cũng đã xuất hiện (tuy chưa nhiều) sự đa dạng kiểu người. Tư duy thời chống Mỹ quen xây dựng hình ảnh kỳ vĩ “Hái mặt trời hồng”, say với con người lý tưởng “Như khí phách Trần Lê, Như oai vũ Quang Trung” (Bài ca xuân 68-Tố Hữu). Thơ nhấn mạnh “chất người” ở sự cao cả, phi thường. Nhưng bên cạnh những hào quang chiến thắng, thơ kháng chiến chống Mỹ còn ẩn chứa muôn mặt đời thường (cảnh nghèo nàn, sự thương đau, những thói xấu, các hiện tượng tiêu cực xã hội...).

Lưu Quang Vũ quá nhạy cảm để cảm nhận, hé mở một cách nhìn khác về chiến tranh từ phía hậu phương. Thơ anh nói nhiều đến đói nghèo, khổ đau, mất mát, chia lìa - điều không dễ viết trong thời điểm ấy. Thơ anh thoát ra khỏi ràng buộc của những quan niệm vốn định hình, nói bằng giọng nói khác không ồn ã so với nhiều nhà thơ cùng thời viết về chiến tranh. Cảm nhận về mất mát, bi thương xuất hiện trong thơ Lưu Quang Vũ khá sớm. Nhà thơ nói tới những miền khuất lấp (điều nhạy cảm khó viết), ở sự khốc liệt, tàn phá của chiến tranh, ở số phận của dân tộc, nhân dân từ nhiều góc nhìn hết sức nhân bản và cũng bằng chính trái tim nghệ sĩ rất mực khắc khoải của anh. Những câu thơ trên được viết ra do nhu cầu thúc bách nội tâm của bản thân, tuy không đại diện cho số đông lúc đó, nhưng nó là suy nghĩ, là nỗi lòng, là tâm trạng của con người nhìn, cảm biết nỗi đau và nghịch cảnh của đồng loại. Điều ấy không dễ thấy trong thơ những năm chiến tranh. Phải sau chiến tranh, các nhà thơ chống Mỹ mới thức nhận điều đó một cách đầy đủ. Đó là bi kịch chiến tranh với “Những đứa bé nằm ngủ trong mồ”, với người mẹ “bới gạch vụn tìm con” (Cầu nguyện) và bao người chết vùi thân dưới hố bom”, là “Khăn tang trắng xoá” - biểu trưng cho những mất mát khủng khiếp đã được Phạm Tiến Duật thể hiện trong bài thơ “Viết về số không (nhiều người vẫn quen gọi là Vòng trắng). Đi dọc con đường dân tộc từ thuở hồng hoang cho đến ngày chiến thắng, bài thơ “Đất nước đàn bầu” hiện lên một Tổ quốc đau thương, nhọc nhằn “Dân tộc tôi bốn ngàn năm áo rách... Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ”.

Nhà thơ Y Phương khởi nghiệp con đường thi ca với cái tên Hứa Vĩnh Sước và trình làng hai bài thơ đầu tiên “Bếp nhà trời” và “Dáng một con sông” in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (số 6 năm 1973). Không là ngoại lệ cùng bè “dàn đồng ca”, thời kỳ đầu, thơ anh vẫn không thể khác giọng thơ chung hào sảng vốn đã chi phối cả một thế hệ sáng tác: “Câu hát thiêng liêng lắm chứ-Hát bây giờ còn để hát mai sau”, nhưng nhà thơ dân tộc Tày của làng Hiếu Lễ đã sớm thoát khỏi “bè cao” để khẳng định một lối đi riêng, một phong cách cá nhân với một gia tài thi ca săn chắc, vạm vỡ không nhòe lẫn “có sự bồi hồi dân tộc đặc trưng và có sự khao khát chiếm lĩnh đỉnh cao”. Hai tập trường ca “Chín tháng” và “Đò trăng” của Y Phương vẫn không thoát khỏi dư âm của chiến tranh, vẫn là “quán tính” trong dòng chảy thơ kháng chiến chống Mỹ suốt 40 năm kể từ ngày “Toàn thắng về ta” (30-4-1975). Thơ anh khắc chạm số phận rõ nhất, điển hình nhất là người phụ nữ, nhưng tập trung nhất trong hình tượng người mẹ. Đó là người mẹ Việt Nam ý thức trách nhiệm cao với đất nước có chiến tranh: “Sáng tháng tư năm sáu tám-Mẹ thả ra đồng-Đứa con tên Sước-Mẹ cầm chặt nỗi lòng -Mẹ trao con cho đất nước”. Trải nghiệm cuộc chiến giúp nhà thơ thấu hiểu hơn cái giá sự hy sinh. Thơ anh dồn nén cảm xúc khi cảm nhận người mẹ Việt Nam nhận tin con hy sinh, lòng mẹ tan nát bời bời: “Bà mẹ không đủ sức gào lên thành tiếng-Cơn đau lên cùng cực-Đôi tay mẹ lỏng lẻo -Bầu vú tong teo áp theo vào hàng rào”. Vượt qua nỗi đau riêng, bà mẹ thắt lòng nỗi nhớ con, nhưng chỉ biết tìm những kỷ vật in dấu con “Mẹ đừng lần tìm trong rương chiếc áo cũ -Những chiếc áo từ ngày xửa ngày xưa -Ngày con mang đi học” đểchoàng chiếc áo hong hơi con” cho vợi nhớ. Đứa con vẫn trọn vẹn trong tấm lòng mẹ, nên hàng ngày mẹ vẫn phần cơm canh chờ đợi Bát đũa để dành nằm ngoan trong lòng mẹ”. Trớ trêu thay “cái chết luôn rất thật”, dù huyễn hoặc mình, nhưng khi đối diện với nỗi cô đơn, “Hễ đến ngày thương binh liệt sỹ” là mẹ lạiđóng cửa-Ngồi trong nhà một mình -Lặng lẽ lau tấm hình -Con tôi dường như …khóc-Nước mắt ngấm sang tôi …ướt (Đò trăng)

Nhạy cảm trước mọi biến động của cuộc sống là phẩm chất người nghệ sĩ. Trong tập “Cửa mở”, nhà thơ Việt Phương đưa vào thơ bao nỗi niềm, tâm sự còn ngổn ngang. Việc nhận ra phần “con” ẩn chứa trong chất “người không chỉ xuất hiện trong thơ Việt Phương, nhưng điều quan trọng, nhà thơ đã viết và viết được (qua tập thơ từng gây nhiều tranh cãi đầu những năm 70 của thế kỷ trước), lại ở thời điểm không dễ viết:

Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa
Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương

Nhà thơ đã đưa vào thơ cặp phạm trù đối lập về phẩm chất người:

Cao thượng người xấu xa người là thế
Lời của lòng và câu mẽ đầu môi

(Ta nhìn trời đêm nay và ta đọc)

Qua câu thơ khá táo bạo “Ta nhất quyết đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ... Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”, Việt Phương đã bày tỏ một cách nhìn chân thật về con người, trong đó có người thiếu chính kiến bản thân, chịu sự chi phối nghiêm ngặt của cách nghĩ chung đã từng nói, từng nghĩ mượn bằng đầu của người khác.

Trong âm hưởng hùng ca, say sưa với hào quang chiến thắng, thơ chống Mỹ thường tránh nói nỗi đau:

Đã có thời nỗi đau ta phải giấu
Ta đánh mất ta trong mỗi con người
(Trương Nam Hương)

Những câu thơ chỉ dội tiếng ta cười
(Chế Lan Viên)

Hoặc nếu phải đối diện với hiện thực nghiệt ngã thì các nhà thơ vẫn cố gắng “xoa dịu” vết đau bằng sức mạnh tinh thần:

Một tháng vã hành quân
Hai chân phồng rộp cả
Quấn băng rồi vẫn đau
Nhiều lúc đi bằng đầu
(Mùa xuân đi đón-Hữu Thỉnh)

Với người mẹ, có nỗi đau nào hơn “Nỗi đau mất con” khiến thời gian ngưng đọng “Ngày như sáp ong”, “Người như chì nướng”, nhưng người mẹ đã phải cố vượt lên khỏi tình nhà vì những điều hệ trọng, lớn lao cho Tổ quốc “Mẹ nhủ lòng mình phải vững-Vững như tường nhà” (Chín tháng – Y Phương)...

Chung sức cùng đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhạc sĩ cố gắng lấy “tiếng hát” để “át tiếng bom” và “át thương đau”. Nhưng dù không động chạm nỗi đau, nhưng vết thương cố giấu vẫn âm ỉ, sâu xoáy trong lòng, tự nó tràn trào. Mỗi thế hệ nhà thơ cảm nhận về nỗi đau riêng - chung theo mạch đi riêng. Với nhà thơ lớp trước (Chế Lan Viên, Tố Hữu...), trước đó ít thấy bộc lộ nỗi đau trong thơ, nhưng những năm cuối chiến tranh, điều khó viết ấy được đề cập một cách trực diện và thấm thía:

Đau sóng nước muôn phương thân vạc, thân cò...
Khói thịt người làm mắt ta cay hơn khói đốt nhà
(Thơ bổ sung-Chế Lan Viên) 

Tố Hữu cũng vậy, chưa thời điểm nào ông nói nhiều đến nỗi đau như tập thơ Máu và hoa: “máu thắm trong lòng đất, Lá cờ này là máu, là da, đường qua máu chảy, Hôn nỗi đau tan nát Phù Lai”... Nỗi đau ấy đã “chuyển hoá” một cách vật chất hơn, cụ thể hơn qua những con người bằng xương, bằng thịt, chứ không còn là sự cắn răng chịu đựng, thách thức với cái chết của con người ý chí - vốn phổ biến trong sáng tác trước đó của ông. Tố Hữu đã nói được phần nào nỗi đau của dân tộc trong thơ là vậy.

Trong tập “Cửa mở”, tần suất chữ “đau” được Việt Phương sử dụng khá nhiều lần với đa dạng những cung bậc: Nỗi đau trái đất” và “nỗi đau trong mỗi cuộc đời”; “nỗi đau qua đi rất nhanh”, nhưng có “Nỗi đau thấm vào ta rất lâu” trải suốt “những đêm dài nặng trĩu”; có “nỗi đau mồ côi” và có cả “nỗi đau sinh nở”...

Cùng thế hệ các nhà thơ trẻ, Thanh Thảo đem đến tiếng thơ đầy ắp trăn trở, những suy ngẫm về các cặp phạm trù đối lập giữa được - mất, sống - chết, chung - riêng, cá nhân - cộng đồng, gia đình - Tổ quốc... Thơ anh nói nhiều chiến thắng, nhưng còn nói nhiều hơn mất mát, hy sinh: “Mặt nước trôi quê hương không còn nguyên vẹn”. Ý thức về thế hệ, bên cạnh lòng tự hào còn có cả nỗi xót xa thấm thía:

Thằng bạn tôi dăm năm
Nhìn một ngôi sao trong hố bom nhoè nước
(Một người lính nói về thế hệ mình)  

Thanh Thảo đã viết những câu thơ đầy ám ảnh về “tuổi thọ” của chiếc áo lính, còn “sống lâu hơn một cuộc đời” (Một người lính nói về thế hệ mình”.

Cảm thức cô đơn

Sự nhạt dần cảm hứng sử thi có thể thấy ở cảm thức cô đơn của cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ và không nhiều nhà thơ khác những năm cuối chiến tranh. Lưu Quang Vũ được đông đảo công chúng mến mộ với tư cách nhà viết kịch và đặc biệt ở lĩnh vực thơ, anh đã có 12 tập thơ “nhuần chín”, trong đó nhiều tập đã hoàn chỉnh được nhà thơ đặt tên: Hương cây, Mây trắng của đời tôi, Cỏ tóc tiên, Cuốn sách xếp lầm trang... và một số tập khác đang sắp xếp dở dang, cần viết bổ sung. Ngoài nửa tập thơ: phần Hương cây (thơ in chung với Bằng Việt trong tập Hương cây - Bếp lửa (1968) được bạn đọc yêu thích cùng những cái tên quen thuộc như Bằng Việt, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Nguyễn Duy... ở vẻ tươi tắn, cách nhìn đời hồn hậu, lạc quan chung của những người làm thơ trẻ hồi ấy, hầu như phần lớn thơ của anh chưa được in, chưa công khai trước bạn đọc. Mãi đến thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước (sau khi anh qua đời - 1988), các tập “Mây trắng của đời tôi”, “Bầy ong trong đêm sâu”, “Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ” và “Lưu Quang Vũ Thơ và Đời” mới được gia đình và bạn hữu sưu tập để xuất bản.

Qua cái thời “Bồi hồi nghe hương bưởi, hương chanh(Lá bưởi lá chanh), vào những năm 1971-1973, Lưu Quang Vũ ngổn ngang nỗi niềm tâm sự. Đây chính là thời điểm anh “ẩn mình”, “rút ruột”, “vắt mình đến cùng kiệt” để viết nên những vần thơ trĩu nặng cảm thức cô đơn. Anh viết chân thành - chân thành đến tàn nhẫn (chữ dùng của Vũ Quần Phương) cho riêng mình, cho nhu cầu của bản thân nén chặt trong cả hai mươi bài thơ trong tập Cuốn sách xếp lầm trang - tên một bài thơ cũng là tên của cả tập thơ hoàn chỉnh, đã chủ định đặt tên, nhưng hiện vẫn ở dạng bản thảo của gia đình, chưa in trọn vẹn, mang rất nhiều “dằn vặt, nhiều nghĩ ngợi, có phấn đấu và có cả thất vọng” [5]. Sự cô đơn đậm đặc, triền miên thường trực đã đi cùng anh trong suốt năm tháng không bình yên. Với anh, nỗi cô đơn là một trạng thái bủa vây từ cả hai phía: khách quan do hoàn cảnh bị động và chủ quan do cái tôi nhà thơ chủ động tách mình ra khỏi sự đơn điệu, buồn tẻ, chọn con đường riêng cho mình: “Tôi chán cả bạn bè” vì họ chẳng nói được câu gì mới” ; “Tôi bỏ ra đi” và “họ ngồi ở lại ; cuối cùng chỉ một mình nhà thơ trong “phố vắng ban đêm” (Có những lúc). Anh đã cô đơn ngay trên con đường mình chọn “Anh là con ong bay giữa trời lận đận-Trời đêm dài chẳng có một ngôi sao(Bầy ong trong đêm sâu). Chọn cô đơn, nghĩa là nhà thơ đã chọn đề tài vốn là “cấm kỵ” trong thời điểm cả dân tộc tập trung sức mạnh cộng đồng. Anh thấy mình là người lính cô đơn giữa đồng đội “cô đơn giữa trung đoàn...Nỗi cô đơn hoàn toàn, nỗi cô đơn khủng khiếp” (Mấy đoạn thơ). Quá nhạy cảm khiến anh nhận ra sự cô đơn của những người xung quanh khi chính họ không cảm biết được “Những lá thư không biết gửi về đâu-Những hải cảng không có tàu cập bến(Lá thư). Là một công dân, anh tự thấy mình cô đơn giữa xã hội “Anh bỏ hồ trong, bỏ vườn cây mát-Đi tìm chân trời nhưng chỉ thấy cô đơn” (Những ngày chưa có em); lạc lõng giữa bạn bè “Mặt tôi âm u như rừng rậm-Nghe em cười giữa bè bạn đông vui” (Có những lúc); lẻ loi giữa lớp học ồn ào; đổ vỡ trong tình yêu đôi lứa; xa lạ ngay bên cạnh những người ruột thịt thân yêu “Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ”... Điều đáng sợ nhất không chỉ bạn bè, tình yêu chối từ “Em sập cửa lại rồi, một mình “nhận bao cái tát” (Mấy đoạn thơ), mà thơ - nơi anh ký thác nhiều nhất nỗi niềm của mình vẫn nằm yên trong bản thảo, bạn đọc không ai khác là mình “Khi những bài thơ anh viết ra-Chỉ một mình anh đọc” (Nếu đó là tội lỗi).

Bên cạnh giọng điệu chung phấn khởi tự hào, cổ động cho đánh giặc chi phối bởi tinh thần sử thi, thì những bài thơ, tập thơ này quả có “lạc điệu[6], khó có chỗ đứng trong lòng bạn đọc vào chính thời điểm nó ra đời.

Thơ chống Mỹ không chỉ đề cập nỗi đau với ý nghĩa nằm ngoài nỗi đau khi tinh thần sử thi vẫn chiếm giữ vị trí chủ đạo, mà còn thể hiện nỗi đau được ý thức như một tổn thất không dễ gì bù đắp của con người vật chất, con người trần thế không chịu áp lực sử thi, trở về với cái tôi nhân bản. Thơ đã góp một thành tựu trong việc thể hiện con người, khát vọng con người từ cái nhìn phi sử thi. Đặt mục đích ưu tiên cho lợi ích cộng đồng, dù cái tôi nhìn từ số phận cá nhân chưa phải là vấn đề cần được quan tâm, song nó đã có chỗ đứng ở ngay trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Khi yếu tố sử thi nhạt dần, cái tôi trữ tình thiếu đi chất tráng ca, nhưng bù lại nó đã tìm thấy tiếng nói khác đầy ắp tâm trạng, nỗi trăn trở, sự day dứt, lo âu đầy trách nhiệm về chiến tranh vệ quốc, về hy sinh, mất mát, về nhu cầu, khát vọng của con người. Văn học hé mở khát vọng bức thiết, đòi hỏi quan tâm đến mỗi số phận cá nhân. Mối quan tâm cộng đồng đã nhường chỗ cho số phận cá nhân. Đó chính là cơ sở để thức tỉnh ý thức cá nhân và tinh thần nhân bản sẽ trở thành nền tảng tư tưởng và cảm hứng chủ đạo bao trùm của nền văn học sau năm 1975.


[1] Vũ Tuấn Anh. Nửa thế kỷ thơ Việt Nam 1945-1995. NXBKHXH. H. 1997

[2] Vũ Tuấn Anh. Nửa thế kỷ thơ Việt Nam 1945-1995. NXBKHXH. H. 1997, tr134.

[3] Vũ Tuấn Anh. Nửa thế kỷ thơ Việt Nam 1945-1995. NXBKHXH. H. 1997, tr125.

[4] Vũ Tuấn Anh, Nửa thế kỷ thơ Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội. H.1997

[5] Lưu Khánh Thơ (Biên soạn) (1997), Lưu Quang Vũ Thơ và đời. Nxb Văn học, Hà Nội.

[6] Lưu Khánh Thơ (Biên soạn) (1997), Lưu Quang Vũ Thơ và đời. Nxb Văn học, Hà Nội.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực