Ảnh minh hoạ (Nguồn: vinhphuc.tintuc.vn)
Sau hơn 20 năm tái lập huyện, với chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng của ngành nông nghiệp. Với sự chỉ quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy- HĐND-UBND tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân trong toàn huyện, trong những năm qua tình hình kinh tế- xã hội của huyện có bước phát triển nhanh và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân trên đầu người ngày được nâng lên; năm 2018, đạt 41,5 triệu đồng/người, tăng 4,5 triệu đồng so với năm 2017, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Đặc biệt, mặc dù là huyện có truyền thống phát triển nông nghiệp, nhưng trong những năm gần đây ngành công nghiệp của huyện đã có sự phát triển cả về số lượng và quy mô sản xuất. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phát triển ổn định, có đóng góp quan trọng vào Ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động như Công ty TNHH may mặc Việt Thiên, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Việt Anh, Công ty cổ phần Việt Pháp…
Xác định mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, huyện luôn tập trung xác định giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu then chốt trong việc thu hút các nhà đầu tư, công tác giải phóng mặt phải đi trước một bước, giải phóng mặt bằng có nhanh thì mới tranh thủ được thời cơ để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo bước phát triển đột phá về phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, làm tốt các bước trong công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng là góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất, giảm thiểu tình trạng tranh chấp, bất đồng, khiếu nại, tố cáo trong nhân dân.
Những năm qua, công tác GPMB của huyện luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc tích cực để chỉ đạo thực hiện các bước trong công tác bồi thường- giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện các dự án, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, tiêu biểu như: Cụm công nghiệp Đồng Sóc, Khu công nghiệp Chấn Hưng, Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị Thương mại Vĩnh Tường... đặc biệt là trong 2 năm (2017, 2018), Huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, bồi thường GPMB, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân về lĩnh vực đất đai, bồi thường GPMB, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai các dự án, bàn giao mặt bằng đúng thời hạn.
Kết quả cụ thể: Tính đến tháng 12/2018, Huyện đã thực hiện GPMB được 317,48/377,17 ha (đạt 84,17% so với kế hoạch). Trong đó, Cụm công nghiệp Đồng Sóc đã GPMB được 40/44,98ha; Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị Thương mại Vĩnh Tường đã GPMB được 84/154,17ha; Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường đã GPMB được 2,16/4,81ha. Riêng Khu Công nghiệp Chấn Hưng, Hội đồng Bồi thường-GPMB (BT-GPMB) đã chi trả tiền đất dịch vụ cho 597/662 hộ phải chi trả; thực hiện phá vỡ bờ vùng, bờ thửa khoảng 50ha tại một số thôn đã hoàn thành xong chi trả tiền đất dịch vụ cho nhân dân. Góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư của các doanh nghiệp vào huyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được là quan trọng, cơ bản, thì công tác công tác công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong quá trình BT-GPMB thực hiện các dự án, xây dựng khu, cụm công nghiệp trọng điểm trên địa bàn huyện còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: Hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến công tác GPMB chưa đồng bộ, nhiều quy định mới thay thế chưa phù hợp, chưa kịp thời, đơn giá bồi thường, hỗ trợ còn chậm điều chỉnh chưa phù hợp với tình hình thực tế. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân có nơi gặp không ít khó khăn do sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế; có sự so sánh về chính sách và giá đền bù giữa người được áp dụng theo thời điểm đã ban hành chính sách cũ với người đang được thực hiện chính sách mới cũng làm nảy sinh nhiều phức tạp.
Một bộ phận nhân dân chưa chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện tách nhập hộ khẩu, lấn chiếm, mua bán đất đai trong vùng dự án nhằm trục lợi; kích động những người liên quan tham gia khiếu kiện tập thể, gây mất ổn định xã hội. Nhiều trường hợp người dân cố tình cản trở quá trình thu hồi đất, không chịu bàn giao mặt bằng khi đã có quyết định thu hồi đất; nhiều trường hợp đã nhận tiền đền bù nhưng không chịu bàn giao mặt bằng, thậm chí cản trở tiến độ thi công công trình, nhiều trường hợp mặc dù được tuyên truyền vận động nhiều lần nhưng cương quyết không nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, không nhận hỗ trợ đất dịch vụ bằng đất hoặc bằng tiền. Trong khi đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở thôn, tổ dân phố chưa thực sự tích cực, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, công tác tuyên truyền vận động nhân dân ngay từ cấp cơ sở đạt hiệu quả chưa cao.
Từ thực tế những kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc trong công tác chỉ đạo tuyên truyền vận động nhân dân trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, xây dựng khu, cụm công nghiệp trọng điểm trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, cần xác định công tác GPMB là việc làm khó, phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự tại cơ sở. Do đó cần có sự tập trung vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai một cách đồng bộ, nhất quán, kịp thời, nhất là trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân.
Hai là, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, với phương châm kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục và xuyên suốt trong quá trình thực hiện; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, quan tâm đảm bảo lợi ích chính đáng của nhân dân, đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân đối với công tác giải phóng mặt bằng.
Trong thời gian qua Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo - Dân vận Huyện ủy phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị, cùng với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, thành lập các đoàn tuyên truyền vận động đến từng hộ dân từ đó để phổ biến cơ chế chính sách, động viên thuyết phục các đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành tốt chủ trương phát triển công nghiệp, dịch vụ của huyện, cũng như cơ chế chính sách về GPMB, kịp thời bàn giao đất và tạo điều kiện cho các công trình, dự án được triển khai. Với phương châm vận vận động nhân dân là đối tượng nào, hình thức đó. Trong đó, MTTQ và các tổ chức đoàn thể là nòng cốt, tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, hội viên của mình hưởng ứng, ủng hộ chủ trương giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm trong huyện. Kết quả sau khi tuyên truyền vận động đã có hàng trăm hộ dân ở các dự án nhận tiền đền bù, với diện tích hàng chục ha.
Ban Tuyên giáo - Dân vận Huyện ủy chủ trì phối hợp cùng MTTQ huyện tham gia cùng cấp ủy, chính quyền tổ chức các buổi đối thoại, giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, qua đó lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của nhân dân, từ đó kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xử lý ngay những vấn đề mà nhân dân phản ánh nhất là liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng.
Ba là, để tạo lòng tin của nhân dân trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, huyện tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, giải quyết thỏa đáng, kịp thời các trường hợp khiếu nại, tố cáo để đảm bảo an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, ngăn chặn kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, tạo lập trái phép tài sản trên đất nhằm mục đích trục lợi khi Nhà nước thu hồi đất; thực hiện nghiêm việc cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất và bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành Quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bốn là, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, quyết liệt trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, linh hoạt trong xử lý tình huống. Tăng cường trách nhiệm của chính quyền; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương; tích cực cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Quan tâm đến công tác chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trong diện phải thu hồi đất.